|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giới doanh nghiệp công nghệ Mỹ thêm lo vì chính phủ thay đổi chương trình thị thực H-1B

15:28 | 02/04/2019
Chia sẻ
Chương trình thị thực H-1B thay đổi dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump gây ra nhiều phiền toái cho các công ty công nghệ vốn thường tuyển nhiều nhân sự nước ngoài.
Giới doanh nghiệp công nghệ Mỹ thêm lo vì chính phủ thay đổi chương trình thị thực H-1B  - Ảnh 1.

Vraj Parikh đang là kĩ sư phầm mềm tại PayPal. Anh đã nộp hồ sơ gia hạn thị thực H-1B và đây là cơ hội cuối cùng của Parikh để ở lại Mỹ.

Giấc mơ Mỹ chênh vênh của Vraj Parikh

Vraj Parikh bắt đầu lập trình khi anh 8 tuổi. Từ đó, anh liên tục lập trình và niềm đam mê lập trình máy tính đã đưa anh đến Mỹ, nơi Parikh nhận học bổng thạc sĩ về khoa học máy tính từ Đại học Indianna. Sau một thời gian làm việc tại một công ty ở Boston, Parikh đang là kĩ sư phần mềm tại PayPal.

"Mỹ luôn là mảnh đất giàu cơ hội đối với tôi", Parikh nói khi đang ngồi tại căn hộ ở San Jose, California mà anh sống cùng vợ.

Mặc dù Parikh dường đang sống trong một "Giấc mơ Mỹ", người đàn ông tới từ Gujarat (Ấn Độ) lại đang nỗ lực để được làm việc tại Mỹ.

Parikh đang xin thị thực H-1B, loại thị thực mà các công ty công nghệ như Facebook và Microsoft phụ thuộc vào để lấp đầy các vị trí kĩ thuật tại công ty, chẳng hạn như kĩ sư phần mềm. Chương trình xin thị thực H-1B vừa mở ra trong tuần này và cuộc cạnh tranh diễn ra rất gay gắt.

Trong năm 2018, hơn 190.000 hồ sơ đã được nộp cho 85.000 thị thực H-1B mới, với 20.000 chỗ trống cho các ứng viên học thạc sĩ, theo Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ.

 Chương trình thị thực H-1B từ chối Parikh hai lần. Nếu bị từ chối lần thứ ba, anh vẫn có thể nộp đơn xin giấy phép việc làm nhờ thẻ xanh. Tuy nhiên, quá trình này cũng tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và sự kiên nhẫn. Vì vợ là công dân Mỹ, Parikh vẫn có thể sống ở Mỹ nếu anh không nhận được thị thực làm việc hoặc giấy phép việc làm, nhưng anh sẽ không thể làm việc ở Mỹ nữa.

Thay đổi trong chương trình thị thực H-1B dưới thời chính quyền Trump

Tuy nhiên, Parikh đã có chút hy vọng. Theo sự thay đổi trong chương trình thị thực H-1B năm nay, chính quyền Trump đã cho phép các ứng viên cao học đăng kí trước để giành một "vé" trong số 65.000 thị thực.

Các ứng viên không giành vé trong cuộc cạnh tranh trước đó sẽ được trao cơ hội thứ hai để giành lấy một vé khác trong số 20.000 thị thực dành cho người có bằng cấp cao hơn. Những thay đổi đồng nghĩa với việc các ứng viên bậc thạc sĩ như Parikh sẽ có cơ hội lớn hơn.

Chương trình thị thực H-1B có thể sẽ thay đổi nhiều hơn trong tương lai.

Trong năm 2020, chính phủ Mỹ sẽ thực hiện qui trình đăng kí trước trực tuyến. Nhà tuyển dụng sẽ điền vào một mẫu đơn trực tuyến ngắn gọn cho mỗi nhân viên mà họ muốn nộp đơn vào chương trình thị thực H-1B.

Khi các ứng viên cho chương trình thị thực H-1B được chọn, nhà tuyển dụng sẽ điền vào một bản kiến nghị đầy đủ cho các ứng viên - việc mà họ phải thực hiện cho mỗi ứng viên của chương trình thị thực H-1B bất luận ứng viên được chọn hay không.

Thay đổi như thế giúp các công ty tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức điền hồ sơ cho nhân viên. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc dễ dàng nộp đơn theo hệ thống đăng kí trước có thể gây ra bất lợi cho các ứng viên nước ngoài đang chờ đợi.

"Qui định mới thực sự giúp các công ty dễ dàng đăng kí cho nhân viên người nước ngoài hơn", bà Hiba Anver, luật sư quản lí cao cấp của Erickson Immigration Group, nhận định. "Tuy nhiên, nó có khả năng làm loãng nhóm ứng viên và làm giảm khả năng trúng tuyển".

Thay đổi vẫn chưa bám sát những cam kết của Tổng thống Trump 

Cộng đồng công nghệ đã chuẩn bị cho những thay đổi đối với chương trình thị thực H-1B từ khi Tổng thống Trump đắc cử, sau khi ông hứa hẹn điều chỉnh hệ thống này trong suốt chiến dịch tranh cử.

Những người phê bình hệ thống cho rằng nhân viên theo diện thị thực H-1B, vốn nhận mức lương thấp hơn, thường thay thế lượng nhân viên Mỹ. Giáo sư Đại học Howard Ron Hira, người thẳng thắn phê bình chương trình thị thực H-1B, cho rằng những thay đổi mới nhất trong chương trình là quá nhỏ so với những mục tiêu ông Trump đề xuất thực hiện trong chiến dịch tranh cử.

"Trong một bức tranh lớn, những cải cách ấy chỉ nằm ở ngoài lề", ông Hira nói. "Chúng không phải là những cải cách cơ bản mà ông Trump đã vận động và mạnh dạn tuyên bố ông sẽ hoàn thành trong 100 ngày nhậm chức đầu tiên".

Các công ty Mỹ đã đáp trả những thay đổi chung trong hệ thống thị thực H-1B. Tháng 8/2018, một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng của Mỹ, gồm Tim Cook của Apple, Ginni Rometty của IBM và Jamie Dimon của JPMorgan, đã gửi thư đến Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen để bày tỏ quan ngại về chính sách nhập cư, đặc biệt là các nhân viên theo diện thị thực H-1B và vợ/chồng đang làm việc tại Mỹ của họ.

Nhiều công ty công nghệ của Mỹ nằm trong số 30 nhà tuyển dụng hàng đầu có nhiều ứng viên được phê duyệt thị thực H-1B nhất, gồm Microsoft, Amazon và Google. Tuy nhiên, bà  Anver cho rằng những ứng viên được phê duyệt cũng phải đánh đổi. Kể từ khi chính quyền Trump điều hành nước Mỹ, các yêu cầu bằng chứng (request for evidence) đã tăng vọt. Bà Anver nói những yêu cầu này thường khá rườm rà, khiến các công ty tốn nhiều thời gian và tiền bạc.

"Tôi nghĩ chúng ta không chỉ nên xem xét tỉ lệ phê duyệt, bởi vì mức độ kiểm tra kĩ lưỡng được áp dụng cho các đơn xin thị thực, bất kể thực tế là cuối cùng hồ sơ có được phê duyệt hay không, đã tăng đáng kể trong hai năm qua", bà Anver nói."Khi nói đến việc nhập cư do nhà tuyển dụng tài trợ, đó là một canh bạc có tính rủi ro rất cao đối với các nhà tuyển dụng này".

Bà Susan Cohen, chủ tịch sáng lập Mintz's Immigration Practice, cũng đồng ý với bà Anver. Bà Cohen đã chỉ ra trường hợp của một khách hàng - một nhà tư vấn kinh tế bị từ chối gia hạn thị thực H-1B với lí do khách hàng này không làm việc trong một ngành nghề chuyên nghiệp.

Bà Cohen cho hay công ty tuyển dụng đã đệ đơn kiện chống lại phát quyết và đã giành chiến thắng, tuy nhiên, quá trình gia hạn thị thực vẫn đắt đỏ và tốn thời gian. Đây là điều mà bà Cohen đã cảnh báo các khách hàng.

Bà Cohen nói rằng Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ dường như đã nỗ lực vạch ra nhiều lí do để từ chối hồ sơ xin thị thực việc làm.

Trong khi Mỹ thắt chặt các qui định xoay quanh thị thực việc làm, các quốc gia khác, như Canada, lại đang tích cực chào đón công dân nước ngoài đến nước này làm việc. Parikh nói rằng nhiều người bạn cùng xin thị thực H-1B của anh đang xem xét việc quay về Ấn Độ hoặc các quốc gia khác, thay vì tốn thời gian và công sức ở lại Mỹ.

Khi Parikh và vợ chờ đợi kết quả, anh cho hay sự bất an này rất căng thẳng.

"Một số nỗi lo vẫn luôn ở đó", anh nói. Đồng thời, Parikh chỉ ra viễn cảnh rời khỏi Mỹ đồng nghĩa với việc xây dựng cuộc sống lại từ đầu. "Bất kể bạn đạt được gì tại Mỹ trong 4 năm, bạn buộc phải rời đi và quay lại vạch xuất phát".

Trần Nam Thi