|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giới kinh doanh ứng phó khi Fed thay đổi lãi suất đồng đô la

20:54 | 17/06/2019
Chia sẻ
Giới kinh doanh xuất nhập khẩu, đặc biệt là những người tham gia giao dịch thị trường tài chính thế giới, đã khá quen tai khi nghe Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng hay giảm lãi suất cơ bản đồng đô la Mỹ. Họ luôn sẵn sàng cách ứng phó với những gì xảy ra trước và sau quyết định của Fed.
Giới kinh doanh ứng phó khi Fed thay đổi lãi suất đồng đô la - Ảnh 1.

Biểu đồ lãi suất của Fed qua các năm.

Tuy nhiên, sự thể xảy ra rất dễ đưa vào hoàn cảnh "bé cái nhầm" vì ngay cả công việc của nhiều nhà kinh tế và dự báo quốc tế cũng còn bị xáo trộn. Phía các nhà kinh doanh trong nước, biết thay đổi lãi suất đồng đô la là chuyện thường xảy ra, nhưng không ít người tỏ ra lúng túng trong ứng phó với hiện tượng và hay tưởng giá cả trên thị trường mình đang tham gia là những bất ngờ khó kiểm soát.

Suốt cả năm 2018, thị trường tài chính rộn ràng với việc Fed lên lịch tăng lãi suất cơ bản đồng tiền xanh của họ. Thật ra, tiến trình nâng lãi suất của Fed thực hiện liên tục từ nửa cuối năm 2016 và vào thời bà Janet Yellen đã từng lên lịch tăng kéo dài hết 2019, thậm chí đến tận năm 2020.

Nhưng một điều bất ngờ đã xảy ra: lần tăng mới nhất vào tháng 9-2018 và chuỗi tăng tạm dừng từ đó. Nay người ta lại bàn nhiều đến chuyện giảm.

Tin đồn rằng chủ tịch Fed, Jerome Powell, chịu áp lực mạnh do Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn có một đồng đô la yếu để tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế Mỹ, kích thích xuất khẩu… nhất là khi ông chủ động lập hàng rào thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc gây nên một cuộc thương chiến đến nay chưa có hồi kết, rồi với EU, các nước láng giềng và mới đây là Ấn Độ.

Nhưng theo nhận định của nhiều nhà kinh tế, áp lực giảm lãi suất không chỉ với Mỹ. Mới đây, Bloomberg ghi nhận rằng lãi suất cơ bản toàn cầu đang ở đỉnh điểm và các nhà đầu tư đang cầu mong giảm.

Thật vậy, cả châu Âu, vùng Trung Đông và châu Phi đang trong "tình trạng báo động về tăng trưởng, căng thẳng thương mại nhưng khả năng đáp ứng còn hạn chế’’. Nên với nhiều nước nếu như không giảm lãi suất thì thôi chứ không thể tăng. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản có ý định bơm thêm tiền cho nền kinh tế. Tại Nam Mỹ, Brazil tuần trước vẫn duy trì mức lãi suất cơ bản ở mức thấp nhất lịch sử 6,5%; còn Argentina đã chứng kiến 5 quí liên tục có mức tăng trưởng giảm (1).

Do đó thị trường dự đoán Fed hạ lãi suất không đơn thuần là do sức ép từ bản thân ông Trump. Vấn đề là Fed quyết định khi nào, bao nhiêu lần và tỷ lệ giảm bao nhiêu.

Khi đang viết bài này (17-6), lịch nhóm họp các thành viên Fed đã được định vào giữa tuần này, khoảng 19 và 20-6.

Thị trường tài chính toàn cầu đang xôn xao với nhiều dự đoán khác nhau. Có người cho rằng đợt này chắc Fed chưa "cắt" lãi suất được do cần có ít nhất một tháng chuẩn bị tâm thế cho thị trường.

Đài CNBC bàn rằng cuộc họp tuần này chỉ là bước dọn đường cân nhắc con số và câu chữ tìm cớ hạ các chỉ số và chỉ báo tăng trưởng kinh tế Mỹ. Nếu như trước đây khi chưa muốn giảm lãi suất, Fed thường sử dụng từ "kiên nhẫn" (patient) thì lần này có lẽ Fed loại từ này ra khỏi các nhận định để mở lối cho một hay nhiều đợt giảm lãi suất cơ bản đồng đô la Mỹ sau này.

Cũng theo CNBC, tỷ lệ người đoán Fed giảm lãi suất ngay sau kỳ họp này chỉ chừng 20% nhưng 80% là vào tháng 7 tới (2).

Vấn đề thành chuyện của giới kinh doanh trong nước hiện nay là một khi Fed quyết định giảm lãi suất, thị trường giá cả các mặt hàng xuất nhập khẩu được giao dịch bằng đồng đô la chịu ảnh hưởng thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy đến cho doanh nghiệp mình.

Thường thì khi lãi suất đồng đô la có biến động, nhiều đồng tiền mạnh hay một vài sàn hàng hóa phái sinh nào đó được chọn để làm nơi trú ẩn cho đồng vốn của giới đầu tư.

Chỉ mới có tin đồn, giá cả nhiều mặt hàng đã bắt đầu "chỉnh hướng" như thị trường sàn phái sinh kim loại vàng thời gian qua tăng mạnh, như dầu thô Brent có lúc chạy xuống dưới 60 đô la/thùng, thị trường chứng khoán có những chuyển động thất thường, giảm rồi tăng mạnh lại, trong khi giá nhiều sàn phái sinh nông sản lại giảm từ đầu tháng 6 sau khi một đợt phục hồi nhanh cuối tháng trước.

Chiều hướng chung theo người viết, khi giá trị đồng đô la giảm thường thấy giá hàng hóa tăng. Nhưng tăng bền hay không lại phụ thuộc vào quyết định của Fed muốn giảm mấy lần và giảm bao nhiêu.

Nếu như kinh doanh phải sử dụng đồng đô la nhưng không lường trước các yếu tố và tác động của nó lên mặt hàng mình giao dịch thì vẫn cứ cho đó là bất ngờ và rủi ro thua lỗ xuất phát từ đấy. Mặt khác, nhiều người kinh doanh nông sản và ngay cả nông dân thường cứ nghĩ giá trị đồng đô la mạnh ắt giá gạo, cà phê, hồ tiêu… tăng, nên đó cũng là cơ sở để các nhà đầu cơ tích trữ tung ra những tin đồn như mất mùa, thiếu hụt sản lượng…

Cần xem việc tăng hay giảm lãi suất đồng đô la hiện nay mang nặng tính chất giai đoạn và tạm thời. Nếu cứ nghĩ nhờ đồng đô la giảm, giá mặt hàng mình có sẽ tăng và tính chuyện tích trữ chờ giá thì hãy coi chừng.

Nên tính toán thêm, nhỡ như có một yếu tố kinh tế vĩ mô nào đó ví như thương chiến giữa Mỹ và các nước dịu lại, vị lãnh đạo nào đó đi vào mùa bầu cử… phải tạo nên tình thế đảo ngược… Khi đó, bất ngờ ập đến và chính doanh nghiệp mình đối diện với thua lỗ do chủ quan trong công tác ứng phó với tiến trình thay đổi tăng giảm của đồng đô la.

Nguyễn Quang Bình