Fed khẩn cấp cắt giảm lãi suất, Việt Nam sẽ ra sao?
Sáng 3/3 theo giờ Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi thông báo hạ lãi suất quĩ liên bang 0,5 điểm % xuống khoảng mục tiêu mới là 1 – 1,25%. Đây là lần đầu tiên kể từ cuộc khủng khoảng tài chính 2008, cơ quan này phải khẩn cấp cắt giảm lãi suất.
Quyết định của Fed đã gây bất ngờ cho thị trường khi đa phần nhà đầu tư và giới quan sát kì vọng phải đến cuộc họp định kì hai tuần sau ngày 17-18/3 Fed mới hạ lãi suất.
Phát biểu sau động thái trên, Chủ tịch Jerome Powell cho biết Fed đã nhận thấy những rủi ro đối với nền kinh tế và chọn biện pháp hành động. Đồng thời, Chủ tịch Fed cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sự lây lan của dịch bệnh và điều chỉnh chính sách một cách phù hợp.
Trước quyết định được coi là khá bất ngờ của Fed, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia Kinh tế TS. Đinh Thế Hiển về tác động của sự kiện trên đối với kinh tế Việt Nam
PV: Theo ông, quyết định giảm lãi suất khẩn cấp của Fed sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?
TS. Đinh Thế Hiển: Quyết định của Fed cho thấy lo ngại về tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế thế giới sẽ kéo dài trong trung hạn chứ không chỉ là ngắn hạn. Sự lây lan của dịch bệnh có thể sẽ sớm đi qua trong những tháng tới nhưng hậu quả của nó tới kinh tế thế giới sẽ có thể kéo dài sang năm 2021.
Do vậy, động thái của Fed là một tín hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới sẽ không thể sớm hồi phục và Việt Nam sẽ phải chịu những ảnh hưởng trực tiếp.
Sự lây lan của dịch bệnh có thể sẽ sớm đi qua trong những tháng tới nhưng hậu quả của nó tới kinh tế thế giới sẽ có thể kéo dài sang năm 2021.
Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển
Tuy nhiên, ở mặt tích cực, nếu hành động của Fed có thể giúp nền kinh tế Mỹ duy trì được quĩ đạo tăng trưởng thì Việt Nam sẽ được hưởng lợi do mối quan hệ kinh tế sâu rộng giữa hai nước. Hiện tại, Mỹ đang là đối tác nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất của Việt Nam. Do đó, nếu kinh tế Mỹ vẫn giữ được đà tăng trưởng, Việt Nam cũng sẽ nhận được những hỗ trợ tích cực.
Bên cạnh đó, động thái cắt giảm lãi suất của Fed cũng sẽ góp phần thúc đẩy dòng vốn đầu tư tài chính từ Mỹ tìm đến Việt Nam theo nguyên tắc vốn chảy từ nơi có lãi suất thấp sang nơi có lãi suất cao hơn.
Đó là nhưng tác động mang tính vĩ mô từ quyết định cắt giảm của Fed lãi suất đến nền kinh tế Việt Nam.
PV: Sau động thái của Fed, liệu Việt Nam có tiếp bước nới lỏng chính sách tiền tệ hay không?
TS. Đinh Thế Hiển: Tôi cho rằng Việt Nam chưa cần sử dụng chính sánh nới lỏng tiền tệ ở thời điểm hiện tại.
Nhìn một cách tổng quát, cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ của Việt Nam và Mỹ là khác nhau. Tại Mỹ, hoạt động tiêu dùng nội địa đóng góp rất lớn vào nền kinh tế và người dân thường xuyên sử dụng tín dụng để chi tiêu; do vậy Fed thường tập trung kích thích hoạt động tiêu dùng thông qua cắt giảm lãi suất thay vì kích thích sản xuất của doanh nghiệp. Khi hoạt động tiêu dùng gia tăng tất yếu sẽ kéo hoạt động sản xuất đi lên.
Còn tại Việt Nam hoạt động kích thích thường nhằm vào khu vực doanh nghiệp do qui mô tín dụng tiêu dùng còn hạn chế.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, động thái kích thích nhằm vào các doanh nghiệp là không phù hợp bởi nhu cầu tiêu dùng nội địa vẫn còn yếu. Do vậy, nếu chúng ta nới lỏng chính sách tiền tệ dòng thì vốn sẽ không đổ vào sản xuất mà sẽ chảy vào các hoạt động đầu tư tài chính, cũng như tạo ra rủi ro về lạm phát.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kì năm trước tăng lần lượt 5,4% và 5,91%, đều là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây.
Mặt khác, mặt bằng lạm phát của Việt Nam đang ở mức khá cao (tăng hơn 5% so với cùng kì năm trước) và tỷ giá USD cũng đã tăng khoảng 4%. Điều này cho thấy, dòng tiền đang dư thừa trong nền kinh tế. Chính vì vậy, nếu thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tạo ra những rủi ro cho nền kinh tế.
Trong khi đó, hiện Việt Nam còn có nhiều yếu tố hỗ trợ khác như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chảy vào mạnh. Điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và Việt Nam chưa cần thiết phải nới lỏng chính sách tiền tệ.
PV: Sau động thái của Fed, theo ông mặt bằng lãi suất của Việt Nam sẽ diễn biến như thế nào?
TS. Đinh Thế Hiển: Mặt bằng lãi suất Việt Nam vẫn chưa thể giảm bởi cho dù hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh nhưng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp vẫn còn lớn. Trong khi đó, phần lớn nhu cầu vốn của các doanh nghiệp vẫn chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng.
Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh, mức độ rủi ro của các khoản vay sẽ gia tăng. Điều này khiến các ngân hàng khó có thể hạ lãi suất cho vay quá nhiều nhằm đảm bảo kế hoạch lợi nhuận.
Xin cảm ơn ông!