Fed dự kiến sử dụng công cụ mới để chống lại tình trạng lạm phát thấp
Fed sẽ thay đổi quan điểm về lạm phát
Theo CNBC, trước cả khi đại dịch COVID-19 "càn quét" nền kinh tế, Fed đã lo lắng về mức lạm phát thấp và đang tìm cách tạm thời kích thích chúng với mục đích tránh bẫy tăng trưởng chậm trong dài hạn và quyền định giá yếu.
Dự kiến tại bài phát biểu tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole vào ngày 28/8, Chủ tịch Jerome Powell sẽ thảo luận về khuôn khổ chính sách của Fed, cụ thể hơn là quan điểm về lạm phát của tổ chức này sẽ thay đổi ra sao trong thời gian tới.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2%. Nhưng trong một thập kỉ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, lạm phát vẫn chủ yếu ở dưới ngưỡng mức mục tiêu. Lợi tức trái phiếu kho bạc đã tăng trước sự kiện phát biểu của ông Powell.
Để đạt được mục tiêu, Fed được kì vọng sẽ đưa ra chính sách "lạm phát trung bình". Theo đó, NHTW Mỹ có thể công bố một biên độ chấp nhận được ở trên và dưới mức lạm phát mục tiêu lạm phát 2%.
Chính sách này, dự kiến sẽ được Fed thông báo chính thức tại cuộc họp vào tháng 9 và bài phát biểu của ông Powell tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole tới đây có thể là một bản xem trước.
Rick Rieder, Giám đốc đầu tư toàn cầu về thu nhập cố định của BlackRock cho biết: "Thị trường dự đoán Fed sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp và sẵn sàng để lạm phát cao hơn trong một thời gian dài".
Dĩ nhiên, Fed không muốn một mức lạm phát quá cao, nhưng một mức lạm phát vừa đủ trong nền kinh tế sẽ thúc đẩy cả lợi nhuận lẫn tiền lương. Hiện tại, ông Powell cho rằng COVID-19 đã tạo ra mối nguy cơ giảm phát lớn do tỉ lệ thất nghiệp cao và sự suy yếu kinh tế.
Để chống lại tác động của dịch bệnh, Fed đã thực hiện các biện pháp đặc biệt như cam kết sẽ giữ lãi suất ở mức gần 0% trong một thời gian dài. Cùng với đó cung cấp thêm thanh khoản, mua tài sản và điều phối giữa các thị trường để đảm bảo chúng hoạt động thông suốt.
Fed đã xem xét lại khung chính sách sắp tới và lạm phát là một phần trong đó. Ngay cả trước khi xảy ra dịch bệnh, các quan chức Fed cho biết sẽ cho phép lạm phát vượt quá mục tiêu 2%, tuy nhiên họ chưa từng chính thức hóa nó.
Theo ông Jon Hill, chiến lược gia thu nhập cố định cấp cao tại BMO: "Điều này còn kéo dài hơn cả COVID-19. Nếu họ kết thúc việc này vào năm ngoái, ông Powell sẽ phải báo hiệu sự thay đổi chính sách với lãi suất trên 0%. Vì mức lãi suất hiện tại đã ở mức 0%, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải chấp nhận mức lãi suất duy trì như vậy thậm chí lâu hơn. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương sẽ quyết liệt hơn nữa trong việc cố gắng đáp ứng yêu cầu lạm phát của mình. Trong quá khứ, họ đã chủ động tăng giá để đón đầu áp lực lạm phát. Nhưng hiện tại những gì Fed làm là chờ đợi cho đến khi lạm phát được duy trì. "
Ông Hill cho biết thị trường trái phiếu đang định giá với mức lạm phát cao hơn. Chỉ số kì vọng lạm phát 5 năm dựa trên thị trường cho thấy tốc độ tăng trưởng lạm phát ở mức 1,6%/năm trong ít nhất trong 5 năm tới.
Sau 12 tháng kể từ tháng 6 năm ngoái, chỉ số giá PCE lõi đã tăng 0,9%, mức tăng cao nhất đạt 1,0% vào tháng 5 vừa qua. Chỉ số PCE lõi là thước đo lạm phát ưa thích cho mục tiêu 2% của Fed.
Bà Diane Swonk, kinh tế trưởng tại công ty kế toán Grant Thornton, cho biết: "Đây mới là khúc dạo đầu cho đến tháng 9. Sẽ có rất nhiều quan chức của Fed vào tuần tới tiếp tục giải thích về mục tiêu vượt ngưỡng lạm phát của họ quan trọng và có ý nghĩa như thế nào."
Nhiều người cho rằng lạm phát được thể hiện rõ qua việc giá cả hàng hóa từ những cú sốc nguồn cung, tuy nhiên bà Swonk lại cho rằng lạm phát hiện tại chưa được phản ảnh chính xác bởi tỉ lệ thất nghiệp cao và kinh tế suy yếu.
Công nghệ đã tác động đáng kể tới lạm phát
Ông Reider chia sẻ: "Để định hướng được chính sách tiền tệ trong 10 năm tới, tôi nghĩ điều quan trọng là phải hiểu được những gì đã xảy ra trong 10 năm qua". Ông cho rằng bài phát biểu sắp tới của Chủ tịch Powell sẽ đề cập việc các chỉ số đo lường truyền thống không còn áp dụng được trong bối cảnh như hiện tại.
Những thay đổi về công nghệ đã có tác động đáng kể đến lạm phát. Lạm phát hàng hóa đã chạm nhẹ ở mức âm trong vài năm qua. Bên cạnh đó, đại dịch đang đẩy nhanh một số xu hướng có thể dẫn tới giảm phát.
Ông chỉ ra ví dụ về công ty phần mềm Salesforce.com, một công ty phần mềm dựa trên đám mây giúp mọi người làm việc từ xa. Công nghệ này có thể có tác động đến nhiều lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản thương mại. Hay, Tesla và ngành công nghiệp ô tô điện đang thúc đẩy một xu hướng dài hạn khác là giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, vốn là loại hàng hóa gây lạm phát trong nhiều năm qua.
"Tôi nghĩ Chủ tịch Powell sẽ nhấn mạnh rằng chúng ta đang ở trong một kỉ nguyên khác. Dữ liệu từ 20 năm trước sẽ không còn đưa ra những phân tích chính xác như trước kia", ông Rieder nói.
Cùng quan điểm trên, bà Swonk chia sẻ: "Tôi nghĩ cần phải thừa nhận khía cạnh công nghệ của đã có ảnh hưởng quan trọng tới lạm phát. Tác động của COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình số hóa lực lượng lao động và điều đó có thể tác động tiêu cực đến tình trạng việc làm".
Bà Swonk cho rằng cuối cùng Fed sẽ sẵn sàng cam kết hơn và khẳng định về mục tiêu tăng lạm phát. Nó khác với cách mà Fed đã làm trong quá khứ, nhưng không thực sự thay đổi quan điểm trên thị trường tài chính rằng điều này có nghĩa là lãi suất sẽ tiếp tục ở mức thấp trong thời gian dài.
Bà Swonk cho rằng nếu Fed làm tăng lạm phát, nó có thể tác động đáng kể tới thị trường lao động và đem lại mức lương cao hơn. Nếu Fed thực sự đạt được mục tiêu này, thì đó là điều mà các thị trường tài chính nên lo lắng vì dòng tiền sẽ chuyển từ lợi nhuận sang tiền lương.