Fed đón tin vui: CPI tháng 7 chỉ tăng 2,9%, thấp hơn dự báo
Theo báo cáo mà Bộ Lao động Mỹ mới công bố, một thước đo lạm phát quan trọng đã tăng như dự báo vào tháng 7. Khả năng cao là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất vào tháng 9 như kỳ vọng của thị trường.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 chỉ đi lên 0,2% so với tháng liền trước, tương đương dự báo của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones.
So với cùng kỳ, CPI tháng 7 tăng 2,9%, thấp hơn ước tính 3% của các chuyên gia. Đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Nếu loại trừ giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI lõi tăng 0,2% so với tháng trước và 3,2% so với cùng kỳ, phù hợp dự báo.
Chi phí nhà ở tăng 0,4% là nguyên nhân chính khiến CPI đi lên trong tháng 7. Giá thực phẩm tăng 0,2%, trong khi chi phí năng lượng đi ngang.
Theo ghi nhận của CNBC, các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm nhẹ sau báo cáo, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc lên cao hơn.
Mặc dù giá thực phẩm khá dịu trong tháng 7, nhiều danh mục vẫn chứng kiến mức tăng mạnh. Đáng chú ý nhất là giá trứng, tăng 5,5%. Trong khi đó, giá ngũ cốc và bánh mì lại giảm 0,5%, còn sữa và các sản phẩm liên quan sụt 0,2%.
Các chỉ số lạm phát chính đang dần quay trở lại mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ. Hôm 13/8, một báo cáo khác của Bộ Lao động cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 7 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và 2,2% so với cùng kỳ.
Giới chức Fed đã phát tín hiệu sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ, dù họ vẫn thận trọng không cam kết về mốc thời gian cũng như tốc độ hạ lãi suất.
Hiện tại, thị trường tài chính chắc nịch rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào ngày 17 - 18/9 và câu hỏi duy nhất còn lại là giảm bao nhiêu.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà đầu tư đang phân vân giữa hai lựa chọn giảm 25 và 50 điểm cơ bản (bps). Ngoài ra, các nhà đầu tư còn kỳ vọng Fed sẽ giảm 100 bps vào cuối năm nay.
Trong bối cảnh lạm phát đã hạ nhiệt, nhà đầu tư đang chuyển sự chú ý sang thị trường lao động. Các báo cáo gần đây cho thấy thị trường việc làm đã bắt đầu suy yếu.
Đơn cử, nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tạo thêm 114.000 việc làm trong tháng 7. Kết quả này thấp hơn ước tính 185.000 của các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát và cũng giảm đáng kể so với mức tăng trưởng (đã điều chỉnh) vào tháng 6 là 179.000 việc làm.
Cũng theo báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục đi lên và chạm mức 4,3% - cao nhất kể từ tháng 10/2021. Sau số liệu này, một chỉ báo suy thoái đáng tin cậy là Quy tắc Sahm đã được kích hoạt.
Đánh giá về số liệu CPI tháng 7, bà Liz Ann Sonders, chiến lược gia trưởng tại Charles Schwab, cho hay: “Giá cả đã đi xuống nhưng các mặt hàng chưa chịu hạ nhiệt thì vẫn còn đó. Chúng ta phải theo dõi chặt chẽ cả dữ liệu lạm phát cũng như số liệu việc làm”.