|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Fed bất ngờ giảm mạnh lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn muốn Fed phải mạnh tay hơn

12:02 | 04/03/2020
Chia sẻ
Ngay sau khi Fed công bố hạ lãi suất 0,5 điểm %, các nhà đầu tư đã bắt đầu suy đoán về những hành động tiếp theo của ngân hàng trung ương này. Nhiều nhà phân tích cho rằng Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong tháng 3 và tháng 4. Một số nhà đầu tư còn muốn Fed tung ra gói nới lỏng định lượng (QE).
Wall Street kì vọng điều gì sau khi Fed đã hạ lãi suất? - Ảnh 1.

Nhà đầu tư tại Sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 3/3. Ảnh: Reuters

CNBC đưa tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giảm lãi suất quĩ liên bang 0,5 điểm % sau cuộc họp bất thường ngày 3/3. 

Ngay sau công bố hạ lãi suất khẩn cấp này, các nhà đầu tư đã bắt đầu suy đoán hành động tiếp theo của Fed.

Phần lớn Wall Street kì vọng Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong vài tuần tới, và tiếp đó là nới lỏng tiền tệ vào tháng 4. Thực tế, sau khi Fed công bố hạ lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ hôm 3/3 đóng cửa vẫn giảm sâu, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt gần 800 điểm.

Nếu coi phản ứng trên của thị trường là dấu hiệu cho tương lai, thì Fed còn cả một chặng đường dài để xoa dịu lo ngại của nhà đầu tư về mối đe dọa của virus corona tới giai đoạn kinh tế mở rộng kéo dài lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Ông Bill English, cựu giám đốc chính sách tiền tệ của Fed và hiện là giáo sư tài chính tại Trường Quản lí Yale cho biết: "Câu hỏi bây giờ là Fed sẽ tiếp tục thực hiện những điều chỉnh gì. Câu trả lời là khi Fed thay đổi nhận định về nền kinh tế, họ có lẽ nên mạnh tay hơn. Nhưng Fed khó có thể bị thuyết phục trong vài tháng nữa".

Chắc chắn thị trường chứng khoán cũng sẽ đòi hỏi Fed phải hành động thêm kể cả khi chưa có dữ liệu về các thiệt hại do virus corona gây ra.

Chủ tịch Powell gây thất vọng

Hôm 3/3, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tìm cách xua đi một phần lo ngại của các nhà đầu tư. Trong buổi họp báo công bố hạ lãi suất, ông Powell tuyên bố Fed và Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) "đã sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách và hành động hợp lí trước diễn biến của các sự kiện".

Nhưng các nhà đầu tư đã không bị thuyết phục, và thị trường rơi vào tình trạng bán tháo ngay sau phát biểu của Chủ tịch Fed.

Một trong những lí do khiến các nhà đầu tư thất vọng có thể là do ông Powell đã ám chỉ rằng Fed chưa có ý định nới lỏng định lượng (QE) trong tình hình hiện tại (QE là việc ngân hàng trung ương mở rộng bảng cân đối kế toán bằng cách mua thêm tài sản tài chính và bơm tiền ra hệ thống ngân hàng).

Ông George Selgin, giám đốc Trung tâm Các biện pháp tài chính và tiền tệ của Viện Cato cho biết: "Lẽ ra Fed nên nói rằng họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết. Lộ trình trong tương lai quan trọng hơn động thái trước mắt".

Việc tuyên bố "làm bất cứ điều gì" đã từng mang lại thành công cho cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi vào năm 2012. Khi châu Âu phải đối mặt với khủng hoảng nợ công, ông Draghi đã cam kết sẽ dùng mọi biện pháp có thể để giải quyết tình hình.

Nhiều người đánh giá rằng lời hứa này của ông Draghi đã giúp ngăn chặn cơn hoảng loạn rằng khu vực đồng euro sắp chìm sâu vào suy thoái

Ông Selgin nói rằng Fed đáng lẽ phải hành động tượng tự. Ngoài việc hạ lãi suất quĩ liên bang 0,5 điểm %, ngân hàng trung ương Mỹ lẽ ra nên hứa sẽ sử dụng mọi công cụ của mình để đảm bằng rằng dịch virus corona sẽ không tạo ra thêm thiệt hại cho nền kinh tế.

"Fed đã đúng khi hành động ngay lập tức. Nhưng đáng lẽ Fed đã thu được kết quả tốt hơn bằng cách báo hiệu sẵn sàng tiếp tục giảm lãi suất nếu cần thiết, và chỉ ra rõ rằng như thế nào được coi là "cần thiết". Như vậy, ít nhất Fed đã không phải lãng phí tác động của công bố hạ lãi suất 50 điểm cơ bản".

Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất? 

Sau thông báo của Fed hôm 3/3, lãi suất quĩ liên bang đã hạ xuống khoảng mục tiêu mới là 1 - 1,25%. Như vậy, Fed chỉ còn có thể giảm lãi suất tối đa thêm 1 điểm % nữa. Wall Street mong muốn ngân hàng trung ương Mỹ sẽ không lãng phí thời gian, mà nhanh chóng tận dụng nốt 100 điểm cơ bản đó.

Theo CNBC, cả Citigroup và Bank of America Global Research đều kì vọng Fed sẽ giảm lãi suất thêm ít nhất 25 điểm cơ bản nữa vào cuộc họp định kì tháng 3. Bank of America dự đoán Fed sẽ tiếp tục giảm thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 4. 

Citigroup cho rằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 3, hoặc giảm lần lượt 25 điểm cơ bản trong cả tháng 3 và tháng 4.

Nhà kinh tế học Andrew Hollenhorst của Citigroup lưu ý: "Việc hạ lãi suất xuống thêm nữa có thể sẽ gây ra nhiều tranh cãi, vì Fed sẽ muốn chờ đợi xem việc giảm 50 điểm cơ bản hôm 3/3 (và 75 điểm cơ bản từ năm ngoái) sẽ có tác động ra sao tới nền kinh tế. Nhưng nhiều khả năng dữ liệu tiêu cực hoặc tình hình tài chính căng thẳng hơn sẽ thuyết phục đa số quan chức Fed tiếp tục giảm lãi suất".

Rất khó để dự đoán thêm các hành động khác của Fed sau tháng 3 hoặc tháng 4.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm mạnh sau quyết định hạ lãi suất khẩn cấp của Fed hôm 3/3, nhưng sau đó lại nhanh chóng giảm xuống. Các chỉ số lớn như Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều mất hơn 2%. Lần đầu tiên trong lịch sử, lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ giảm xuống dưới 1%.

Fed run sợ

Dù thị trường muốn Fed nới lỏng tiền tệ, nhưng cách làm của Fed lại gửi đi một thông điệp đáng lo ngại.

Ông English - cựu giám đốc chính sách tiền tệ của Fed nói: "Việc truyền đạt thông điệp trong tình huống này là rất khó khăn. Không ai biết được những suy nghĩ và hành động của thị trường. Nhưng có lẽ một phần nguyên nhân quyết định hạ lãi suất của Fed không tạo được đủ tác động tích cực là do nhà đầu tư nghĩ rằng Fed đang lo lắng hơn những gì họ tưởng".

Bà Loretta Mester - Chủ tịch Fed tại Cleveland, phát biểu tại London rằng bà nghĩ việc cắt giảm lãi suất sẽ có ích cho thị trường. Nhưng bà cũng lưu ý rằng hành động của các quan chức khác trong lĩnh vực tài khóa và y tế "nhiều khả năng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn trong việc củng cố niềm tin và chi tiêu, bằng cách giúp ngăn chặn dịch virus corona lan rộng".

Bà Loretta không nói có ủng hộ nới lỏng tiền tệ thêm hay không.

Ông Lou Crandall, nhà kinh tế trưởng tại Wrightson ICAP cho biết, việc Fed quyết định có nới lỏng tiền tệ thêm hay không sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá một số yếu tố theo sau thị trường chứng khoán và các báo cáo kinh tế. Những yếu tố này có độ trễ và không phải lúc nào cũng phản ánh tình hình hiện tại.

Ông Crandall nói: "Fed cần thấy thêm bằng chứng của sự cản trở mà dịch virus corona gây ra với môi trường kinh doanh. Nếu tình hình tác động của dịch bệnh tới kinh tế Mỹ trở nên rõ ràng hơn, thì việc giảm lãi suất sẽ không thể giúp giải quyết mọi vấn đề, nhưng nó sẽ có ích".

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.