EVN đem hơn 100.000 tỷ đồng gửi ngân hàng, nợ người bán gần 80.000 tỷ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 do Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte thực hiện, tổng tài sản của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hơn 666.165 tỷ đồng xét tại ngày 31/12, giảm hơn 39.200 tỷ đồng, tương ứng giảm 5,5% so với đầu năm.
Mức giảm trên đến chủ yếu từ khoản mục tiền, khoản đầu tư ngắn hạn khi hao hụt gần 31.000 tỷ đồng. Tại cuối năm, tập đoàn ghi nhận 101.597 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng, chiếm 15% tổng tài sản. Ngoài ra, EVN còn đầu tư vào công ty liên kết với giá trị gần 6.537 tỷ đồng, 611 tỷ đồng vào các đơn vị khác.
Trong khi đem hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư tài chính, ngược lại EVN đi vay tổng cộng 324.265 tỷ đồng, gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, số nợ phải trả trong vòng 12 tháng là 47.143 tỷ đồng.
Báo cáo thuyết minh, các khoản vay dài hạn của EVN là các khoản vay lại của tập đoàn từ Bộ Tài chính, là các khoản vay bằng đồng ngoại tệ từ các tổ chức nước ngoài theo Hiệp đinh vay của Chính phủ Việt Nam. Phần lớn các khoản vay này có lãi suất thả nổi và được bảo lãnh thanh toán bởi Chính phủ.
Năm ngoái, EVN ghi nhận 7.382 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, giảm hơn 1/2 so với năm 2021.
Trong khi đó, đơn vị phải chi hơn 14.500 tỷ đồng cho chi phí lãi vay (tăng 6%). Doanh nghiệp thuyết minh trong năm, tập đoàn ghi nhận 890 tỷ đồng (năm trước đó là 795 tỷ) cho chi phí lãi vay vào chi phí đầu tư xây dựng cơ bản.
Trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đánh giá EVN quản lý dòng tiền chưa hiệu quả. Cơ quan này chỉ rõ trong kỳ kiểm toán EVN chưa có quy định về hạn mức số dư tiền gửi nhằm linh hoạt chuyển tiền gửi không kỳ hạn thành tiền gửi có kỳ hạn.
Việc cân đối dòng tiền năm và hàng tháng tại một số đơn vị chưa cân đối giữa nguồn tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn, trong đó một số thời gian còn duy trì một lượng tiền gửi không kỳ hạn, ít giao dịch nhưng chưa cân đối để gửi có kỳ hạn (Công ty mẹ - EVN, Tổng công ty Điện lực TP HCM, Tổng công ty Điện lực miền Nam); hoặc một số hợp đồng tiền gửi với kỳ hạn ngắn hơn thời gian ổn định của số dư tiền gửi trong năm (Tổng công ty Phát điện 3, CTCP Nhiệt điện Bà Rịa thuộc Tổng công ty Phát điện 3).
Cuối tháng 12/2022, các khoản phải thu ngắn hạn của EVN hơn 34.057 tỷ đồng, chủ yếu là phải thu ngắn hạn của khách hàng và các khoản phải thu ngắn hạn khác (không được thuyết minh). Công ty cũng trích lập 370 tỷ đồng dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại cuối năm 2022 là 40.472 tỷ đồng, phần lớn tập trung vào dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, Nhà máy Thủy điện Ô môn III và IV và Đường dây 500 kV Nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng.
Tại ngày 31/12/2022, EVN đang nợ người bán (cả ngắn và dài hạn) là 79.625 tỷ đồng, tăng hơn 16.700 tỷ đồng sau một năm, tập trung ở các bên liên quan, Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương, AES Mông Dương, Vĩnh Tân 1, Nghi Sơn 2,...
Ngoài ra, EVN còn ghi nhận chi phí phải trả ngắn hạn khác, chủ yếu là chi phí mua điện (5.272 tỷ đồng), chi phí lãi vay (3.199 tỷ), chi phí chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện (887 tỷ) và chi phí phải trả nhà thầu xây dựng cơ bản (503 tỷ).
Tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của EVN là 225.350 tỷ đồng, trong đó vốn góp là 209.996 tỷ, quỹ đầu tư phát triển hơn 11.790 tỷ và lỗ sau thuế chưa phân phối là 13.336 tỷ đồng.