|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'Không có cơ sở để cho rằng tỷ giá bật tăng do nhu cầu USD đột xuất từ EVN'

12:00 | 11/07/2023
Chia sẻ
Đại diện EVN cho rằng với mức sản lượng điện nhập khẩu của tháng 6/2023, phần kinh phí được thanh toán bằng ngoại tệ chỉ ở mức khoảng 14,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên thị trường ngoại hối.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Maybank (MSVN) nhận định áp lực tỷ giá USD/VND trong ngắn hạn đang tăng. Vào cuối tuần trước (7/7), Vietcombank đã điều chỉnh mức bán ra USD lên 23.840 VND, tăng 90 đồng so với cuối tuần trước. Tính gộp cho cả tháng 6 thì Vietcombank đã nâng mức bán ra USD thêm 180 đồng (tăng 0,8%), mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2022. 

"Nguyên nhân theo tìm hiểu ban đầu được cho là do nhu cầu USD đột xuất từ EVN để trả tiền nhập khẩu điện trong khi chênh lệch lãi suất USD và VND cao khiến dòng tiền thực chảy vào Việt Nam chưa được dồi dào.", báo cáo của MSVN viết.

Các chuyên gia phân tích của MSVN dự báo tỷ giá có thể sẽ tiếp tục biến động tăng tương đối và điều này có thể khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thận trọng hơn trong việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Theo đó, NHNN có thể can thiệp bằng cách hút tiền VND trên hệ thống liên ngân hàng, giảm tốc độ mua USD cho dự trữ ngoại hối (không loại trừ khả năng bán USD trực tiếp ra thị trường), hay tạm hoãn các kế hoạch cắt giảm lãi suất chính sách.

"Tuy nhiên, chúng tôi chưa nhìn thấy dòng USD chảy ra đáng kể nào và cho rằng những biến động hiện vẫn đang trong vòng kiểm soát.", chuyên gia Chứng khoán Maybank đánh giá.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, đại diện EVN cho rằng không có cơ sở để cho rằng tỷ giá bật tăng do nhu cầu USD đột xuất từ EVN để trả tiền nhập khẩu điện.

Vị này cho biết theo số liệu thống kê từ EVN, trong tháng 6/2023 sản lượng điện nhập khẩu chỉ là khoảng 375 triệu kWh (chiếm tỷ trọng khoảng 1,5% tổng sản lượng nguồn điện trong hệ thống). Kinh phí mua điện nhập khẩu được thanh toán một phần là tiền Việt Nam và một phần là ngoại tệ USD. Với mức sản lượng điện nhập khẩu của tháng 6/2023, phần kinh phí được thanh toán bằng ngoại tệ chỉ ở mức khoảng 14,5 triệu USD - chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên toàn bộ thị trường ngoại hối.

Ngoài ra, EVN cho biết mức sản lượng nhập khẩu điện của tháng 6 chỉ ở mức trung bình trong các tháng đầu năm, như vậy nhu cầu thanh toán ngoại tệ do việc nhập khẩu điện trong tháng 6 không hề có sự đột biến.

"Với các lý do như trên, có thể khẳng định không có cơ sở để cho rằng tỷ giá bật tăng do nhu cầu USD đột xuất từ EVN để trả tiền nhập khẩu điện", phía EVN cho hay.

Vì sao tỷ giá USD bật tăng mạnh?

Tỷ giá USD/VND tương đối ổn định trong các tháng đầu năm và bật tăng trong giai đoạn cuối quý II. Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã nhích dần lên trong tháng 5/2023 (tăng 0,13% so với tháng 4) và riêng trong tháng 6 tăng 0,4% so với cuối tháng 5. Trên thị trường phi chính thức, tỷ giá tự do đã tăng 0,8% trong tháng 6. 

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám đốc AFA Capital, nhận định: “Việc không giải ngân cho vay được đã khiến tiền ứ đọng trên thị trường liên ngân hàng. Mặt khác, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đang rất thấp so với USD. Điều này có thể dẫn đến việc đầu cơ đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng và doanh nghiệp”.

Báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng chênh lệch lãi suất nới rộng hiện nay sẽ kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất và tạo nên áp lực mất giá tiền đồng.

Số liệu từ VDSC cho biết chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức cao kỷ lục, cao nhất là 4,4 điểm % đối với lãi suất qua đêm và thấp nhất là 0,6 điểm % đối với lãi suất kỳ hạn 3 tháng. Tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, lãi suất VND cao hơn khoảng 0,3-1,4 điểm % so với lãi suất USD. 

 

Thanh khoản tiền đồng dồi dào khi trong tuần cuối cùng của tháng 6, NHNN không chào thầu tín phiếu. Trong tuần trước đó, NHNN vẫn chào thầu đều đặn trên kênh mua kỳ hạn ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, mỗi kỳ hạn 50.000 tỷ đồng, đều với lãi suất 4%, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu. 

Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm thậm chí đã giảm về 0,39%, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 (trước dịch COVID-19). Tính đến cuối tháng 6, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn dao động từ 0,7% - 3,1%, giảm hơn 4 điểm % so với cuối năm 2022.

VDSC cho rằng triển vọng tăng giá đồng USD trên thị trường quốc tế, mức tương quan của VND với đồng nhân dân tệ (được dự báo tiếp tục mất giá khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sau COVID-19) và việc NHNN liên tiếp giảm lãi suất điều hành là ba yếu tố sẽ tác động tiếp tục tạo áp lực khiến VND mất giá.

"Chúng tôi cho rằng mức xem xét tiếp theo đối với tỷ giá USD/VND là 24.500. Tỷ giá USD/VND có thể tăng vượt mức này nếu đồng USD tăng tốc mạnh nhưng áp lực có thể không mạnh bằng năm trước do năm nay Việt Nam sẽ ghi nhận thặng dư thương mại cao kỷ lục, lạm phát trong xu hướng giảm và dự trữ ngoại hối đang được tích luỹ trở lại",VDSC dự báo.

Báo cáo phân tích mới đây của HSBC cũng nhận định, trong khi lạm phát hạ nhiệt, tỷ giá VND tương đối ổn định cũng hỗ trợ cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, khi rủi ro tăng giá kéo dài đối với lạm phát, thì đồng VND có thể phải đối mặt với áp lực rủi ro sụt giá từ lãi suất thực đang “xói mòn”.

  Lợi suất thực tế của Việt Nam đang bị thu hẹp. (Nguồn: HSBC).

 

 

H.Mĩ - Huyền Phương