|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVFTA với ngành gỗ: Rộng đường nhưng không dễ đi

07:00 | 19/07/2019
Chia sẻ
EVFTA được xem là cơ hội lớn để doanh nghiệp gỗ Việt Nam mở rộng thị phần nhưng đồng thời cũng ẩn chứa nhiều thách thức khi khâu thiết kế vẫn yếu và ngành vẫn chưa có thương hiệu.

Cơ hội mở rộng thị phần

Trao đổi với báo chí bên lề sự kiện Nhận diện cơ hội kinh doanh trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sớm được thông qua", ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ mang lại lợi ích to lớn đối với ngành gỗ. 

ảnh_Viber_2019-07-16_17-44-37

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam. Ảnh: Đức Quỳnh

Việt Nam đã xuất khẩu gỗ sang EU trong 20 năm qua, do đó có nhiều kinh nghiệm. Ngành cũng đã thực hiện hiệp định 995 của EU yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm giải trình về sản phẩm gỗ.

Sau đó, EU có sáng kiến đàm phán với chính phủ Việt Nam hiệp định VPA/FLEGT đảm bảo gỗ trong sạch xuất khẩu sang EU. 

"Chúng tôi hiểu được nội dung hiệp định này và đã có kinh nghiệm khi thực hiện hiệp định 995, từ đó đảm bảo được điều kiện khi xuất khẩu hàng sang thị trường này. Đến giờ phút này, tôi khẳng định 100% doanh nghiệp đã có chính chỉ xuất khẩu đồ gỗ sang EU", ông Quyền cho biết.

Ông Quyền còn cho rằng EVFTA còn giúp ngành mở rộng thị phần.

"Trước đây, chúng tôi chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Tây Âu như Anh, Itali, Pháp nhưng gần đây bắt đầu xuất khẩu sang Đông Âu, Trung Âu và Nam Âu. Trong tương lai, thị phần ở các thị trường dự báo sẽ còn mạnh hơn nữa", ông Quyền cho biết.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong top 10 các thị trường tiêu thụ gỗ của Việt Nam, thị trường châu Âu góp mặt 4 nước.

Ảnh chụp Màn hình 2019-07-16 lúc 18

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu

Bên cạnh đó, ông Quyền cho biết các nước châu Âu có tiềm năng về lâm nghiệp rất mạnh với khoảng 400 triệu ha rừng, lượng khai thác rất nhiều và chất lượng gỗ cũng tốt. Trong khi đó, quy định của VPA/FLEGT yêu cầu gỗ có xuất xứ. 

Do đó, việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ EU sẽ giúp việc giải trình xuất xứ khi xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến sang thị trường này trở nên dễ dàng hơn.

Ngoài ra, đại diện của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết EU có trình độ công nghệ chế biến gỗ tiên tiến nhất giới, do đó với EVFTA, Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với các công nghệ này. Trước đây, Việt Nam thường nhập công nghệ, thiết bị chế biến từ Đài Loan, Trung Quốc. 

Cục Xuất nhập khẩu dự báo nửa cuối năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. 

Theo chu kỳ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, nhờ hoạt động xây dựng tại các thị trường xuất khẩu đi vào hoàn thiện, cùng với nhu cầu tu sửa, thay thế trang thiết bị nội thất tăng mạnh để đón chào năm mới. 

Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA được ký kết và thực thi, với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng đây là cơ hội gia tăng xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường EU trong thời gian tới tăng đáng kể. 

Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ của Việt Nam còn tiếp cận các thị trường, thu hút vốn và đầu tư công nghệ của EU nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Thiếu nguồn gỗ hợp pháp

Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng thách thức lớn nhất khi Việt Nam kí kết EVFTA là thiếu nguồn gỗ nguyên liệu.

"Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 12 triệu m3 gỗ, và nguồn cung trong nước là 30 triệu m3 từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng xuất sang EU phải 100% gỗ hợp pháp. 

Vậy tìm nguồn gỗ hợp pháp này ở đâu? Đương nhiên nhập khẩu từ EU rất dễ dàng nhưng còn trong nước có đủ nguồn cung hay không khi cả nước chỉ có 500.000 ha rừng có chứng chỉ quản lí rừng bền vững (FSC)", ông Quyền nói.

Theo ông Quyền, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2020, diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC được nâng lên 1 triệu ha và năm 2022 lên 2 - 3 triệu ha. 

Ngoài ra, một thách thức khác đặt ra đối với ngành đó chính là thiếu nhân lực trình độ cao để vận hành máy móc hiện đại nhập khẩu từ EU. 

Yếu khâu thiết kế 

Trao đổi với người viết bên lề sự kiện "Tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch thường trược Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho biết điểm yếu nhất hiện nay của ngành chế biến gỗ Việt Nam là khâu thiết kế. 

"Việt Nam tập trung vào khâu sản xuất, trong khi khâu này lợi nhuận không nhiều. Khâu thiết kế mới là khâu tạo ra giá trị cho sản phẩm và lợi nhuận sinh ra cũng rất nhiều", ông Hạnh nói. 

Tuy nhiên, hiện nay chỉ có khoảng 1,5% doanh nghiệp vừa và lớn của Việt Nam mới có khả năng đầu tư cho thiết kế. Doanh nghiệp không chỉ tuyển thiết kế trong nước mà còn phải tuyển ở ngoài nước để đáp ứng gu thẩm mĩ ở thị trường nước ngoài.

"Chẳng hạn, doanh nghiệp xuất khẩu khẩu chính sang EU thì họ phải thuê ở khu vực EU để thiết kế sản phẩm nội thất bởi họ hiểu tập quán tiêu dùng của người châu Âu. Họ là những người phác ra ý tưởng còn người Việt Nam sẽ thực hiện các ý tưởng đó", ông Hạnh nói.

Ông Quyền cho biết ngành gỗ Việt Nam hiện nay chưa có thương hiệu vì khâu thiết kế yếu. Hiện mới có 3 doanh nghiệp được cấp thương hiệu quốc gia nhưng cũng khó tồn tại bởi dù họ đã có thiết kế và thương hiệu rồi nhưng chưa có đại lí phân phối ở nước ngoài. 

Theo ông Hạnh, hệ thống phân phối đang đóng vai trò rất quan trọng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được điều này. 

Trong khi đó, một bộ phận doanh nghiệp khác hiểu được tầm quan trọng của hệ thống phân phối thì lại không có khả năng đầu tư bởi đòi hỏi số vốn rất lớn nên nhượng sân dó cho nước ngoài.

Lo sợ IKEA "xâm chiếm" thị trường trong nước?

Trước mối quan ngại tập đoàn phân phối đồ nội thất hàng đầu thế giới IKEA đến từ Thụy Điển, một trong những nước thành viên EU, đang có kế hoạch vào Việt Nam, nếu có thêm EVFTA, cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với IKEA càng khốc liệt, ông Hạnh cho rằng điều này không quá lo.

Ông Hạnh giải thích đối với các hàng tiêu dùng nói chung và nội thất nói riêng, người tiêu dùng có xu hướng thích hàng ngoại. Nhưng nếu xét trên phương diện về chất lượng, Việt Nam có thể cạnh tranh với bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Bên cạnh đó, ở lĩnh vực đồ gỗ nội thất, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 70 triệu USD trong khi dung lượng thị trường là 4,5 tỉ USD. Như vậy, lượng nhập khẩu chiếm tỉ trọng quá nhỏ. Do đó, ngành gỗ đang kiểm soát thị trường trong nước.

Khi IKEA mở hệ thống phân phối tại Việt Nam, họ phải thu mua hàng của doanh nghiệp trong nước để phân phối. 

"Phân phối là điều mình chưa làm được. Vậy hãy để cho IKEA làm. Vì vậy, doanh nghiệp không nên quá lo ngại", ông Hạnh cho biết.

Ngoài ra, người tiêu dùng Việt Nam có thói quen tiêu dùng là ăn chắc mặc bền. Họ thích kiểu "may đo" theo thợ tức là sẽ thuê các đơn vị về đo đạc và sản xuất nội thất sao cho phù hợp vời ngôi nhà mình. Trong khi đó, hàng của IKEA là sản xuất đại trà. 

Đức Quỳnh