|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gỗ tăng mạnh nửa đầu năm, dự báo lạc quan 6 tháng cuối năm

17:08 | 08/07/2019
Chia sẻ
Kết thúc nửa đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 44% kế hoạch đề ra. Dự báo những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 5 tỉ USD trong nửa đầu năm

Báo cáo của Bộ Công thương ước tính, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2019 đạt 850 triệu USD, giảm 5,8% so với tháng trước nhưng tăng gần 13% so với tháng 6/2018. 

Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 596 triệu USD, giảm hơn 3% so với tháng trước nhưng tăng 13,7% so với tháng 6/2018.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 6, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 4,87 tỉ USD, tăng gần 18% so với cùng năm 2018. Trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 3,4 tỉ USD, tăng hơn 18% và đạt 44% kế hoạch cả năm.

Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu. 

Cụ thể, trị giá xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đạt 2,6 tỉ USD, tăng gần 24% so với cùng năm 2018. Hầu hết mặt hàng trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều có trị giá tăng trong 5 tháng đầu năm. 

Trong đó, xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp tăng trưởng mạnh trong tháng 5, góp phần đẩy mạnh trị giá xuất khẩu trong 5 tháng đạt 146 triệu USD, tăng hơn 26% so với cùng năm ngoái. 

8

Chủng loại gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu chính tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Theo ResearchAndMmarket.com, nhu cầu về đồ nội thất nhà bếp sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Cụ thể, thương mại nội thất nhà bếp thế giới dự kiến sẽ đạt 7,5 tỉ USD vào năm 2022.

Trong đó, Mỹ là thị trường nhập khẩu đồ nội thất nhà bếp chính trên thế giới, tiếp theo là các thị trường như Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Na Uy, Áo, Bỉ, Anh, Canada và Nhật Bản. 

Nhiều mặt hàng nội thất của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng tại Mỹ, trong đó có mặt hàng đồ nội thất nhà bếp. Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm 2019, một số mặt hàng khác cũng xuất khẩu như dăm gỗ, gỗ, ván và ván sàn, cửa gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ…

Trong đó, trị giá xuất khẩu dăm gỗ trong tháng 5/2019 giảm mạnh. Tuy nhiên điều này rất phù hợp đối với ngành gỗ trong bối cảnh nguồn nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng đủ cho sản xuất xuất khẩu, vì vậy Bộ Công thương cho rằng cần hạn chế xuất khẩu dăm gỗ.

Được đà tăng vào cuối năm

Theo Bộ Công thương, trong nửa cuối năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam dự báo tiếp tục tăng mạnh.

Bởi theo chu kì hàng năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, nhờ hoạt động xây dựng tại các thị trường xuất khẩu đi vào hoàn thiện, cùng với nhu cầu tu sửa, thay thế trang thiết bị nội thất tăng mạnh để đón chào năm mới.

Đồng thời, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc góp phần gia tăng đầu tư FDI vào ngành gỗ Việt Nam, tạo công ăn việc làm và tăng trưởng xuất khẩu. 

Cùng với Hiệp định EVFTA được kí kết và thực thi, với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất là cơ hội gia tăng xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường EU trong thời gian tới tăng đáng kể.

Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ của Việt Nam còn tiếp cận các thị trường, thu hút vốn và đầu tư công nghệ của EU nhằm nâng cao sức cạnh tranh

Như Huỳnh