|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

EVFTA cũng khó giúp Việt Nam thay Trung Quốc làm công xưởng của thế giới

15:08 | 15/06/2020
Chia sẻ
Ngay cả khi đông đảo người dân cùng doanh nghiệp hoan nghênh Hiệp định EVFTA giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, giới phân tích lại nhận định thỏa thuận thương mại tự do này là chưa đủ để chắp cánh cho Việt Nam thăng hoa hậu COVID-19.

Hiệp định EVFTA sẽ giảm hoặc loại bỏ 99% thuế quan đối với thương mại song phương EU - Việt Nam. Riêng đối với ngành dệt may thì trong vòng 5 năm kể từ EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.

Theo ông Nicolas Audie - Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp định EVFTA đến "vào thời điểm khá thuận lợi cho các doanh nghiệp châu Âu".

Dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 năm nay, EVFTA sẽ giúp mở cửa các ngành dịch vụ của Việt Nam với thị trường châu Âu, trong đó bao gồm dịch vụ bưu chính, ngân hàng, vận chuyển và mua sắm công.

Vì đâu Hiệp định EVFTA không thể giúp Việt Nam vượt Trung Quốc thành công xưởng thế giới? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Thương hiệu và Công luận

Theo South China Morning Post, EVFTA là thỏa thuận thứ hai của EU với một nước thành viên ASEAN sau Singapore, đồng thời EVFTA cũng nằm trong số ít các hiệp định thương mại mà khối kinh tế chung có với các nước đang phát triển.

Chủ tịch EuroCham Nicolas Audie nói thêm: "Hiệp định EVFTA có thể được xem là một lộ trình để phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Thông qua thỏa thuận chung, doanh nghiệp châu Âu sẽ có thêm cơ hội hợp tác cùng một trong các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới ngay tại thời điểm mà không nhiều nước chấp nhận mở cửa chào đón doanh nghiệp".

SCMP dẫn lời ông Audie nhận định, các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh doanh nhờ phản ứng chống dịch nhanh chóng và thành công của chính phủ.

Ngoài ra, vị chủ tịch này còn dự đoán nguồn vốn đầu tư của EU vào nước ta sẽ tăng trong vài tháng tới.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại ASEAN sau Singapore, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa đạt 49,3 tỉ euro (tương đương 56 tỉ USD) và dịch vụ đạt hơn 3 tỉ euro.

Trong khi đó, chính phủ Việt Nam cho biết tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của nước ta với Trung Quốc năm 2019 đạt 117 tỉ USD.

Danh hiệu "công xưởng thế giới" khó sang tay Việt Nam

Tuy nhiên, bà Trinh Nguyễn - nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng đầu tư Natixis, nhận định mức tăng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nhờ Hiệp định EVFTA nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng vì nước ta phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cho hoạt động sản xuất trong nước.

Để giảm bớt tình trạng phụ thuộc này, bà Trinh Nguyễn lập luận rằng Việt Nam nên cải thiện lĩnh vực giáo dục đại học và tăng cường đào tạo cũng như xây dựng đội ngũ nhà cung ứng trong nước.

Các nhà kinh tế của Natixis cho biết mức độ phụ thuộc của Việt Nam vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã gia tăng trong vài năm qua. So với của các nước ASEAN khác, mối liên quan mật thiết của Việt Nam có với nguồn cung hàng hóa của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2014 - 2018.

Theo số liệu của hải quan Việt Nam, ngành dệt may nước ta phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung vải thô của Trung Quốc. Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,59 tỉ USD hàng dệt may sang Trung Quốc và nhập khẩu khoảng 11,52 tỉ USD nguyên liệu thô từ đất nước tỉ dân.

Bà Trinh Nguyễn lập luận, qui tắc xuất xứ đối với hàng dệt may nêu trong Hiệp định EVFTA sẽ buộc nhiều chuỗi cung ứng chuyển sang Việt Nam dù trong ngắn hạn, ngành dệt may nước ta đang khá lo ngại vì nhập khẩu vải thô từ Trung Quốc hiện rẻ hơn so với tại Việt Nam.

"Tôi dự đoán dòng vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng lên, giúp thúc đẩy sản lượng kinh tế trong nước", bà Trinh Nguyễn nói.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung xoay quanh nhiều vấn đề từ mạng 5G đến lệnh cấm vận Huawei đã thúc đẩy chính phủ các nước và giới phân tích kêu gọi đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc.

Dù Việt Nam hưởng lời từ làn sóng dịch chuyển sản xuất trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các nhà phân tích như bà Trinh Nguyễn cho rằng lợi ích mà nước ta nhận được khá hạn chế do lực lượng lao động nhỏ, chỉ tương đương 7% qui mô của Trung Quốc.

"Việt Nam chỉ có tiếp nhận một số lĩnh vực nhất định như dệt may, giày dép và điện tử. Ngay cả trong lĩnh vực điện tử, hoạt động sản xuất đòi hỏi phải huy động lực lượng lao động lớn nên Việt Nam không thể đạt đến qui mô của Trung Quốc cũng như không thể thay thế được các nguồn cung linh kiện hiện có", bà Trinh Nguyễn lập luận.

Tương tự bà Trinh Nguyễn, ông Deng Yingwen - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam (Trung Quốc), cũng cho rằng khó xảy ra trường hợp doanh nghiệp và nhà đầu tư ngoại lũ lượt rời khỏi Trung Quốc để chuyển đến Việt Nam.

"Nhiều nhà sản xuất nước ngoài có thể muốn duy trì hoạt động tại Trung Quốc, đồng thời chuyển sang hoặc mở rộng tại Việt Nam", ông Deng dự đoán.

Nhà phân tích này cũng bác bỏ suy đoán rằng Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc để trở thành "công xưởng thế giới", đặc biệt là với các doanh nghiệp trung bình hoặc cấp thấp giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.

"So với Trung Quốc, thị trường Việt Nam chỉ có 100 triệu dân và quá nhỏ bé. Việt Nam chỉ lớn hơn một chút so với tỉnh Quảng Tây. Doanh nghiệp nước ngoài nhiều khả năng sẽ không rời Trung Quốc do thị trường tỉ dân quá rộng lớn và năng lực sản xuất quá mạnh", ông Deng nói.

Giáo sư Zhai Kun của Trường Quan hệ Quốc tế trực thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết mặc dù EVFTA mang lại lợi ích đáng kể cho Việt Nam, nước ta nên tiếp tục tăng cường các qui trình kiểm soát chất lượng và sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực thủy sản và dệt may.

"Điều đó sẽ giúp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu chất lượng khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU cũng như có thể hưởng các yêu cầu giảm thuế", ông Zhai nói.

Giáo sư Zhai cho hay chính Trung Quốc đã bắt đầu chuyển một số hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng sang Việt Nam, ngay cả trước khi EVFTA được phê duyệt.

"Việt Nam được coi là điểm đến lí tưởng cho các nhà máy thâm dụng lao động ở Trung Quốc do lợi thế về vị trí, chính sách ưu đãi cho đầu tư nước ngoài và năng suất lao động", giáo sư này nêu ra.

Tuy nhiên, ông Zhai cũng nhấn mạnh không phải tất cả các lĩnh vực sản xuất sẽ dễ dàng chuyển sang Việt Nam.

Ông Zhai nói: "Lương công nhân tại Trung Quốc cao gấp ba lần tại Việt Nam. Tuy nhiên, công nhân Trung Quốc lành nghề hơn. Qui mô sản xuất của đất nước tỉ dân cũng khó có thể được lặp lại ở nơi khác và 100 triệu dân của Việt Nam cũng chưa bằng lượng lao động từ nông thôn lên thành thị làm việc của Trung Quốc".

Ngoài ra, trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã nghiên cứu phát triển hàng hóa chất lượng cao và chọn tập trung phát triển các ngành công nghiệp giá trị gia tăng.

"Trung Quốc là nhà của các công ty hàng đầu thế giới về pin mặt trời, mạng 5G, trí tuệ nhân tạo và chế tạo pin. Cho nên, Việt Nam không có cách nào để có thể thay thế Trung Quốc hoàn toàn", giáo sư Zhai nhấn mạnh.

Ông Deng nhất trí: "EVFTA có thể tiếp thêm hi vọng cho Việt Nam, đặc biệt là ở khía cạnh giảm bớt sự phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này là phi thực tế và không khả thi".

Dù vậy, không phải giới chuyên gia không lo ngại Trung Quốc sẽ chịu tác động từ mối quan hệ thương mại EU - Việt Nam. Trong một bài viết xuất bản hồi tháng 5 vừa qua, giáo sư Zhai và ông Yang Yaoyuan cho rằng khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm chủ lực của Trung Quốc tại thị trường EU như dệt may, đồ gia dụng và giày dép sẽ bị ảnh hưởng một khi EVFTA có hiệu lực.

Hiện tại, Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Bangladesh.

Đánh giá về ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng lớn của EU trong khu vực ASEAN do kết quả của các hiệp định thương mại tự do với Singapore và Việt Nam, hai chuyên gia này nói thêm: "Trung Quốc có nguy cơ bị khối kinh tế chung EU và Nhật Bản tẩy chay, cô lập".

Hai ông cũng nhận định, tác động đến Trung Quốc sẽ lớn hơn nếu Việt Nam kí kết hiệp định thương mại tự do với Mỹ.

Yên Khê