|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngành bán lẻ lo bị 'nuốt chửng' khi EVFTA có hiệu lực

08:36 | 14/06/2020
Chia sẻ
Thực thi các cam kết trong EVFTA cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam phải mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác thuộc EVFTA, do đó các doanh nghiệp phân phối trong nước dễ bị thâu tóm.
Ngành bán lẻ lo bị 'nuốt chửng' khi EVFTA có hiệu lực - Ảnh 1.

Cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng gay gắt. Ảnh: H.Dịu.

FDI “đổ bộ” vào ngành bán lẻ

Thị trường phân phối Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (khoảng 96 triệu người); cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50). Dự báo, chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/ tháng vào năm 2020.

Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...).

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Thời gian qua, làn sóng vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục "đổ" vào ngành bán lẻ Việt Nam. Trên thị trường đã nổi lên một số nhà phân phối bán lẻ bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang nắm giữ thị phần chủ yếu, cạnh tranh lẫn nhau và đi đầu trong những xu hướng bán lẻ mới.

Các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như: Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước nhận định: “Điều này cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn nhưng cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt”.

Trong tương lai gần, khi hiệp định EVFTA có hiệu lực thực thi thì cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lớn của các quốc gia thành viên EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ của Việt Nam.

Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế. Chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Saigon Co.op, VinCommerce, Thegioididong, Bách hóa Xanh, Satra, BRG Retail… mới đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường bán lẻ.

Không còn khái niệm "sân nhà"

Tập trung đánh giá sâu về EVFTA, Vụ Thị trường trong nước nêu rõ: Thị trường phân phối của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức và chịu nhiều tác động từ quá trình mở cửa theo cam kết.

Đó là hệ thống chính sách, pháp luật có thể không theo kịp biến động của thị trường. Cơ sở hạ tầng và pháp luật quản lý đối với thương mại điện tử có sự chênh lệch với các nước. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong lưu thông hàng hóa nhập khẩu trên thị trường nội địa, khó khăn trong việc cân đối giữa phát triển kinh tế, thương mại, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp phân phối trong nước với năng lực hạn chế hơn so với các doanh nghiệp phân phối lớn đến từ các nước thuộc EU vốn đã có tiềm lực rất mạnh. Do đó, có thể dẫn đến khả năng các doanh nghiệp phân phối trong nước dễ bị thâu tóm, chiếm lĩnh thị phần bởi các doanh nghiệp nước ngoài.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay, thời gian để triển khai và thực thi các cam kết tại các FTA thế hệ mới nói chung và EVFTA nói riêng đang là lực cản lớn đối với Việt Nam.

Với các FTA thông thường, tổng thời gian thực thi tất cả các cam kết kéo dài 10 năm. Với EVFTA, Việt Nam sẽ phải thực hiện các cam kết chỉ trong 5 - 7 năm, trong đó nhiều điều khoản sẽ phải thực hiện ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, nhiều thỏa thuận sẽ phải thực hiện sau 2 - 3 năm.

Trình độ phát triển của Việt Nam vẫn đang ở mức trung bình và thấp. Do đó, việc thực thi các cam kết EVFTA cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam phải mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác thuộc EVFTA, lúc đó sẽ không còn khái niệm “sân nhà”.

Đặc biệt, đối với những nhóm ngành hàng mà Việt Nam có sức cạnh tranh yếu như: Nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và một số ngành dịch vụ sẽ gặp không ít những thách thức.

Vụ Thị trường trong nước cũng chỉ rõ, sự kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trong nước còn yếu. Khu vực FDI có thể sẽ hoạt động riêng lẻ thay vì đóng vai trò chung làm xúc tác tăng trưởng...

Về cấu trúc, EVFTA có sự khác biệt đáng kể so với các FTA trước đây mà Việt Nam đã ký kết.

Nếu các hiệp định trước đây chỉ có tiêu chuẩn trung bình và chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ nhưng không vượt quá cam kết trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì với EVFTA, cam kết mở cửa thị trường lên tới hơn 99% số dòng thuế và kim ngạch thương mại, thuế suất 0% được áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của cả hai bên.

Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, cam kết của hai bên đều đi xa hơn cam kết trong khuôn khổ WTO. Các doanh nghiệp EU sẽ được hưởng ưu đãi hơn khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mà các doanh nghiệp EU có thế mạnh như dịch vụ tài chính ngân hàng, phân phối, vận tải,...


Thanh Nguyễn