Evergrande thảo luận về các khoản thanh toán với chủ nợ nước ngoài
Hai nguồn tin mới đây cho biết, tập đoàn Evergrande của Trung Quốc đang xem xét trả nợ cho các trái chủ ở nước ngoài khoảng 19 tỷ USD bằng tiền mặt và vốn cổ phần tại hai trong số các đơn vị của họ niêm yết ở thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), giữa lúc nhà phát triển bất động sạn mắc nợ nhiều nhất thế giới nỗ lực thoát khỏi những khủng hoảng tài chính của mình.
Hồi tháng Ba, Evergrande khẳng định sẽ công bố đề xuất tái cơ cấu nợ sơ bộ vào cuối tháng Bảy.
Một trong những nguồn tin cho biết theo một phần của đề xuất, Evergrande sẽ tìm cách trả nợ gốc và lãi cho các chủ nợ nước ngoài bằng cách chuyển chúng thành trái phiếu mới, rồi sau đó sẽ trả dần theo từng phần trong khoảng thời gian từ 7 năm đến 10 năm.
Các chủ nợ nước ngoài cũng sẽ được phép hoán đổi một phần nợ của họ thành cổ phần trong đơn vị dịch vụ bất động sản niêm yết tại Hong Kong của nhà phát triển là Evergrande Property Services Group Ltd, cũng như nhà sản xuất xe điện China Evergrande New Energy Vehicle Group Ltd.
Nguồn tin đầu tiên cho biết Evergrande đã bắt đầu đàm phán với các trái chủ nước ngoài vào đầu năm nay về đề xuất tái cơ cấu nợ. Mục tiêu hiện tại của tập đoàn là hoàn thành kế hoạch vào tháng Bảy và ký các thỏa thuận với các nhà đầu tư vào tháng 12.
Cũng theo nguồn tin này, có tới 20% số nợ nước ngoài có thể được hoán đổi thành cổ phiếu của hai đơn vị này. Tuy nhiên, các đề xuất tái cơ cấu đang ở giai đoạn đầu và có thể thay đổi.
Bên cạnh đó, cổ phiếu của cả Evergrande Property Services lẫn Evergrande New Energy Vehicle cũng như tập đoàn mẹ đã bị đình chỉ giao dịch trong khoảng hai tháng. Không công ty nào trong số này đã nộp kết quả tài chính cho năm 2021, chủ yếu vì công việc kiểm toán chưa được hoàn thành.
Hiện vẫn chưa rõ làm cách nào Evergrande có thể đảm bảo đủ tiền mặt để thực hiện kế hoạch hoàn trả bằng tiền mặt. Doanh số bán hàng theo hợp đồng của tập đoàn trong năm 2021 đã giảm tới 39% so với năm trước đó.
Evergrande đang quay cuồng với khoản nợ hơn 300 tỷ USD và đã trở thành tâm điểm cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, khi tập đoàn liên tiếp lỡ các thời hạn thanh toán nợ vào năm ngoái.
Toàn bộ khoản nợ nước ngoài trị giá 22,7 tỷ USD của Evergrande, bao gồm các khoản vay và trái phiếu tư nhân đã bị coi là vỡ nợ sau khi tập đoàn không thể hoàn thành các nghĩa vụ thanh toán vào cuối năm 2021.
Những khó khăn của Evergrande nhanh chóng dẫn đến làn sóng vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, một trụ cột quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, làm chao đảo các nhà đầu tư và dẫn đến sự sụt giảm doanh số bán nhà cũng như khiến các công ty gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Trong khi sự can thiệp của nhà nước đã xoa dịu mối lo ngại của thị trường về sự sụp đổ hỗn loạn của Evergrande, tập đoàn cũng đang phải vật lộn để trả nợ cho các nhà cung cấp và hoàn thành các dự án. Còn các nhà đầu tư vẫn đang mù mờ về việc liệu họ có thu lại được tiền của mình hay không.