EU thống nhất áp giá trần khí đốt để giảm chi phí sinh hoạt
Theo CNBC, vào hôm 19/12, sau hai tháng đàm phán căng thẳng, các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã đồng thuận mức trần “linh hoạt” đối với giá khí đốt.
Việc áp trần khí đốt đã gây nhiều tranh cãi trong EU. Một số thành viên lập luận rằng biện pháp này là cần thiết nhằm giúp giảm chi phí năng lượng cao ngất ngưởng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, số khác lại lo lắng về tác động tiềm ẩn của chính sách tới thị trường.
Các bộ trưởng năng lượng châu Âu đã vượt qua sự khác biệt, và đồng thuận với cái được gọi là cơ chế điều chỉnh thị trường. Cơ chế trên sẽ được tự động kích hoạt với hai điều kiện: Nếu giá khí đốt giao tháng sau trên sàn TTF Hà Lan vượt quá 180 EUR/MWh trong ba ngày liên tiếp; và giá cao hơn 35 EUR/MWh so với giá tham chiếu trên thị trường toàn cầu trong cùng thời kỳ.
Giá trần sẽ được áp dụng từ ngày 15/2 năm sau. Biện pháp này sẽ đặt “giới hạn giá linh hoạt” với các giao dịch khí đốt tương lai trong 20 ngày làm việc. Vào hôm 19/12, khí đốt châu Âu đang được giao dịch ở mức 109 EUR/MWh.
Reuters dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết biện pháp của EU là một cuộc tấn công vào giá cả thị trường và “không thể chấp nhận được”.