|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Putin dọa cắt giảm sản lượng dầu, gọi giá trần của phương Tây là ‘quyết định ngu ngốc’

21:44 | 10/12/2022
Chia sẻ
Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga – nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới – có thể cắt giảm sản lượng dầu và sẽ không giao dịch với những nước tham gia vào thỏa thuận giá trần của phương Tây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP/Getty Images).

Tuần trước, nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển G7, Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã thống nhất áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga được vận chuyển bằng đường biển.

Hôm 9/12, phát biểu tại một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô của Kyrgyzstan, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: “Tôi đã nói rằng Nga sẽ không bán dầu cho những quốc gia [áp giá trần]”.

“Chúng tôi sẽ xem xét cắt giảm sản lượng nếu cần thiết”, ông Putin nói, đồng thời gọi giá trần của phương Tây là “quyết định ngu ngốc” gây “tổn hại tới các thị trường năng lượng toàn cầu”.

Theo ông Putin, hiện nay Nga chưa quyết định phương án đáp trả giá trần của phương Tây nhưng các nước đi cụ thể sẽ được nêu trong một sắc lệnh Tổng thống trong vài ngày tới.

Nga là nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới.

Theo Reuters, ông chủ của Điện Kremlin cảnh báo những nỗ lực của phương Tây nhằm áp giá trần với dầu Nga sẽ dẫn tới sự sụp đổ của ngành dầu mỏ toàn cầu, kéo theo giá tăng phi mã.

“[Giá trần] sẽ dẫn tới sự sụp đổ của chính ngành dầu mỏ, vì người tiêu thụ dầu lúc nào cũng muốn giá thấp hơn nữa. Ngành dầu mỏ hiện nay đang thiếu vốn, thiếu đầu tư. Nếu chúng ta chỉ nghe theo người mua, thì số tiền đầu tư sẽ giảm về 0”, Tổng thống Putin nói.

“Tất cả những điều đó sẽ khiến cho giá tăng tới mức thảm họa, toàn bộ ngành năng lượng thế giới sẽ sụp đổ. Giá trần là một đề xuất ngu xuẩn, chưa được nghiên cứu kỹ càng”.

Giá dầu thô Urals của Nga hiện nay thấp hơn so với giá trần 60 USD/thùng mà phương Tây áp đặt.

 

Theo Al Jazeera, ngoài chuyện giá trần với dầu thô, ông Putin còn đề cập đến nhiều vấn đề khác trong cuộc họp báo ngày 9/12, cụ thể gồm:

Trao đổi tù nhân: Ông Putin cho biết Mỹ và Nga có thể sẽ tiếp tục trao đổi tù nhân trong tương lai và cơ quan tình báo hai bên vẫn sẽ giữ liên lạc. Hôm 8/12, Nga thả tự do cho nữ ngôi sao bóng rổ Brittney Griner để đổi lấy nhà buôn vũ khí Viktor Bout từ tay Mỹ.

“Sợi dây liên lạc vẫn tiếp tục. Thực tế là liên lạc chưa bao giờ dừng lại”, ông Putin nói. Hiện nay Nga vẫn đang giam giữ Paul Whelan, một lính thủy quân lục chiến Mỹ bị kết tội gián điệp vào năm 2020. Mỹ cáo buộc Nga đã tổ chức một phiên tòa không công bằng và thiếu minh bạch.

Tấn công phủ đầu: Tổng thống Putin cho biết Nga không có ý định là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân như Mỹ, nhưng Nga có hệ thống vũ khí tên lửa siêu vượt âm (hypersonic) để đáp trả thích đáng nếu bị tấn công.

Tình hình ở Ukraine: Nhà lãnh đạo Nga thừa nhận có những khó khăn trong việc cung cấp trang thiết bị khí tài và quần áo ấm cho hàng trăm nghìn binh sĩ mà Moscow đã huy động cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Ông Putin cho biết Nga từng gặp một số vấn đề liên quan đến việc trang bị cho 300.000 binh sĩ nhập ngũ trong đợt động viên một phần vào tháng 9 và tháng 10, nhưng những vấn đề này hiện đã giảm bớt.

Thỏa thuận hòa bình: Tổng thống Nga cũng nói rằng ông cảm thấy “thất vọng” khi đọc được câu nói của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel được đăng trên một tạp chí của Đức.

Cụ thể, bà Merkel nói rằng các thỏa thuận hòa bình Minsk ký kết vào cuối cuộc xung đột ở miền đông Ukraine năm 2014 là một nỗ lực để “cho Ukraine thêm thời gian” nhằm xây dựng lực lượng.

Năm 2014, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn chiếm một phần của hai tỉnh Donetsk và Luhansk. Thỏa thuận hòa bình chưa bao giờ được thực thi toàn bộ.

Ông Putin nói rằng Nga có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình tại Ukraine trong tương lai, nhưng Nga vẫn đang cảm thấy bị phản bội bởi sự sụp đổ của hai thỏa thuận Minsk. Theo ông Putin, các nhà trung gian hòa bình là Pháp và Đức đã phản bội Nga và hiện nay đang bơm vũ khí cho Ukraine.

Đức Quyền