EC có thể xem xét gỡ thẻ vàng cho Việt Nam nếu làm tốt trong vòng 6 tháng
Tại hội nghị giao ban với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tháng 10, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc gỡ thẻ vàng chống khai thai hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tuy nhiên khi kiểm tra thực địa vẫn phát sinh một số vấn đề. Do vậy, EC đề nghị các bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp cần có hướng dẫn nhiều hơn với ngư dân, ngư trường để đảm bảo việc chống khai thác IUU thực hiện tốt ở thực tế, không chỉ trên văn bản.
Thương vụ đang làm việc với Tổng vụ Nghề cá, Tổng vụ An toàn sức khỏe về trường hợp của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Phía EU cho biết nếu Việt Nam thực hiện tốt việc chống IUU ở thực địa trong vòng 6 tháng tiếp theo, EC có thể xem xét gỡ thẻ vàng trước khi khối này bầu cử nghị viện.
Thông tin thêm về triển vọng xuất khẩu thủy sản sang EU, Tham tán thương mại cho biết bình quân tiêu thụ cá và hải sản của người tiêu dùng tại EU khoảng 8,1 kg/người/năm và tiếp tục có xu hướng tăng.
Thống kê cho thấy EU chi khoảng 70 tỷ euro cho thủy sản, trong đó hàng nhập khẩu chiếm 40%, mức chi tiêu này dự kiến tiếp tục tăng thêm gần 3,4%/năm.
8 tháng năm 2023, tổng lượng nhập khẩu thủy sản của EU giảm 7%, trong đó thị trường Việt Nam đã giảm tới 32%, mức giảm sâu nhất; Ấn Độ giảm 20%; Ecuador giảm 8%; Thái Lan giảm 9%... Duy chỉ có Trung Quốc tăng 3,5%.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU giảm do hàng Trung Quốc sang EU nhiều hơn, đồng thời sản lượng thủy sản sản xuất nội khối EU tăng khoảng 3%.
Mặt khác, giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU trong 9 tháng cũng đã giảm khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2022.
EU cũng đang quảng bá thuỷ sản nội khối với tiêu chí chất lượng, bền vững và thân thiện môi trường. Điều này có thể ảnh hưởng đến thuỷ sản nhập khẩu, trong đó có thuỷ sản nhập khẩu từ Việt Nam.
“Trong các tháng còn lại, EU có thể tiếp tục tăng nhập khẩu thủy sản, nhưng sẽ không có đột biến. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU dự kiến tương đương năm 2021 và giảm nhẹ so với năm 2022”, Tham tán thương mại tại Bỉ và EU dự báo.
EU đã nghiên cứu toàn bộ hoạt động sản xuất, khai thác và chế biến thủy hải sản của Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời cũng đưa ra nhiều khuyến nghị về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
6 tháng đầu năm 2023, EC đã thẩm định, lấy mẫu xác suất 20% lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất vào EU để kiểm tra, kết quả cho thấy 7,3% mẫu không đạt yêu cầu.
Ông Trần Ngọc Quân cảnh báo tỷ lệ này khá cao và nghiêm trọng tại EU. Thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU đã được cấp mã số, thậm chí hàng hóa còn được kiểm tra, cấp chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT.
“EU cảnh báo nếu Việt Nam không cải thiện về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm có thể đứng trước triển vọng xấu trong tương lai, thậm chí đối mặt nguy cơ bị hạn chế xuất khẩu thủy hải sản vào EU”, Tham tán thương mại thông tin.
Đại diện Thương vụ cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương, hiệp hội cần hướng dẫn người dân kỹ hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường khó tính như EU.