|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đoàn thanh tra EC sang Việt Nam kiểm tra gỡ 'thẻ vàng' IUU từ hôm nay

08:02 | 10/10/2023
Chia sẻ
Hôm nay (10/10), Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu sang Việt Nam kiểm tra kết quả triển khai khuyến nghị về IUU. Đoàn sẽ kiểm tra thực địa và làm việc kỹ thuật từ ngày 11/10 đến ngày 17/10.

Bộ NN&PTNT cho biết từ ngày 10/10 đến ngày 18/10, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam kiểm tra kết quả triển khai khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đây là lần thứ tư EC làm việc với Việt Nam kể từ khi Việt Nam bị cảnh báo "thẻ vàng" vào năm 2017.

Trong chuyến công tác lần này, EC sẽ đánh giá việc kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển, kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Lịch trình làm việc của đoàn thanh tra của EC như sau:

Ngày 10/10, đoàn sẽ đến Việt Nam.

Ngày 11 - 15/10, đoàn sẽ làm việc với Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm tra thực địa tại cảng cá chỉ định theo Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) và tại địa phương.

Ngày 16 - 17/10, đoàn sẽ làm việc kỹ thuật với Cục Kiểm ngư, Cục Thủy sản, Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và các đơn vị có liên quan.

Ngày 18/10, đoàn sẽ đối thoại cấp cao với lãnh đạo Bộ NN&PTNT.

Bộ NN&PTNT thông tin về kết quả thực hiện các các quy định của pháp luật gắn với khuyến nghị của EC để gỡ thẻ vàng.

Về việc quản lý đội tàu, 26/28 tỉnh, thành phố ven biển đã rà soát, kiểm kê tàu cá hiện có tại địa phương, xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng.

Tính đến tháng 12/2022, cả nước có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, giảm 9.789 chiếc so với năm 2019, trong đó có 30.091 tàu cá có chiều dài từ 15m, giảm 1.206 chiếc so với năm 2019.

Tổng số hạn ngạch đã xác định và công bố là 84.125 giấy phép, cơ quan quản lý đang xem xét điều chỉnh hạn ngạch vùng khơi từ 31.297 giấy phép xuống 29.489 giấy phép; vùng lộng là 17.899 giấy phép; vùng ven bờ là 34.929 giấy phép.

Về cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), tổng số tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đã được đăng ký và cập nhật trên cơ sở dữ liệu VNFishbase là 73.282 chiếc, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên là 29.489 chiếc.

Về cấp giấy phép khai thác thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết tổng số tàu cá từ 15 m trở lên đã được cấp phép còn hạn là 27.810/29.489 chiếc đã đăng ký và cập nhật lên cơ sở dữ liệu VNFishbase, đạt 94,3%.

Về việc kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, ngành thủy sản Việt Nam đã sử dụng hệ thống giám sát tàu cá để theo dõi hoạt động của tàu cá trên biển.

Tính đến nay, Việt Nam đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên 28.797/29.489 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, đạt 97,6%. Số còn lại chủ yếu là các tàu cá đang nằm bờ, ngưng hoạt động và thuộc diện chờ giải bản, xóa đăng ký…

Ngoài việc kiểm kê, quản lý và giám sát hoạt động của tàu cá, các bộ ngành, địa phương còn xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU.

Năm 2020 xử phạt trên 2.000 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 61 tỷ đồng. Năm 2021 xử phạt gần 1.700 vụ với tổng số trên 21 tỷ đồng. Năm 2022 xử phạt gần 1.000 vụ với số tiền hơn 16 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay đã xử phạt 2.111 vụ với số tiền 44,4 tỷ đồng.

Bộ NN&PTNT khẳng định tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài đã giảm dần qua các năm sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng”.

Từ đầu năm 2023 đến ngày 13/9, tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý đã giảm 84,35% so với năm 2016; trong đó Việt Nam đã chấm dứt tàu cá vi phạm các nước, quốc đảo Thái Bình Dương từ năm 2018 đến nay.

Hoàng Anh