|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đường sắt đô thị số 1 Hà Nội đội vốn gấp đôi, lên 3,5 tỷ USD

14:10 | 11/03/2019
Chia sẻ
Xin điều chỉnh vốn lên 3,5 tỷ USD, Bộ GTVT cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ liên quan xem xét cơ chế tài chính để thực hiện dự án đường sắt đô thị số 1 tại Hà Nội.

Dự án đường sắt đô thị lớn nhất Hà Nội - tuyến số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên, sau khi dừng triển khai từ năm 2014 bởi bê bối hối lộ, tiếp tục được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tái khởi động. Tuy nhiên, số vốn triển khai hiện đã tăng gấp đôi so với dự toán ban đầu.

Bộ này vừa có tờ trình Thủ tướng về kế hoạch thực hiện và xử lý thủ tục điều chỉnh dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội, trong đó có việc xin điều chỉnh vốn cũng như cơ chế tài chính để thực hiện dự án.

Dời ga Hà Nội, Giáp Bát về Ngọc Hồi

Tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội (Ngọc Hồi - Yên Viên) có chiều dài 26 km được khởi động từ năm 2008. Đây là tuyến đường sắt đô thị đặc biệt khi kết hợp giữa đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia, đi theo khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm. Nói cách khác, đường sắt Bắc - Nam khi đến Hà Nội có thể đi tiếp lên phía Bắc (các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang) bằng tuyến đường sắt số 1 này.

Trong dự án, toàn bộ ga Hà Nội hiện nay sẽ được di dời về Ngọc Hồi. Tại Ngọc Hồi sẽ xây dựng nhà ga trung chuyển và tổ hợp depot (nơi lập tàu, tập kết tàu, thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tàu và các tác nghiệp kỹ thuật khác) lớn nhất Việt Nam trong tương lai.

Đường sắt đô thị số 1 Hà Nội đội vốn gấp đôi, lên 3,5 tỷ USD - Ảnh 1.

Phối cảnh ga trung chuyển và tổ hợp depot tại Ngọc Hồi. Ảnh: Bộ GTVT.

Tổ hợp này được kỳ vọng sẽ giảm ách tắc cho nội đô Hà Nội thay vì dừng ở ga Hà Nội như hiện nay. Ga Hà Nội sẽ được nâng lên cao, đóng vai trò là ga trung chuyển. Khu tổ hợp Ngọc Hồi sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 151,8 ha trên tổng số 171 ha quy hoạch với mục tiêu trước mắt đảm bảo hoàn trả chức năng của ga Hà Nội và ga Giáp Bát.

Trong dự án này cũng sẽ xây dựng một cây cầu đường sắt vượt sông Hồng, thay thế cho đường sắt đi qua cầu Long Biên hiện nay.

Khu tổ hợp Ngọc Hồi được ưu tiên xây dựng trước (trong thời gian 2019-2024) để di dời, tiếp nhận toàn bộ cơ sở hạ tầng của đường sắt quốc gia tại các ga Hà Nội, Giáp Bát. Sau khi xong tổ hợp Ngọc Hồi, tàu khách tuyến quốc gia dừng lại ở đây để giảm ách tắc cho nội đô Hà Nội.

Còn giai đoạn 2021-2026, dự kiến thi công đoạn tuyến từ Ngọc Hồi đến ga Hà Nội để cả tàu khách quốc gia, tàu đường sắt đô thị cùng vào đến ga Hà Nội.

Tuy nhiên, đến năm 2014 toàn bộ dự án này phải tạm dừng sau sự việc Công ty tư vấn JTC Nhật Bản hối lộ và nhiều quan chức ngành đường sắt.

Sớm nhất quý II/2020 xong giải phóng mặt bằng giai đoạn 1

Năm 2007, Thủ tướng đã đồng ý tách dự án Ngọc Hồi - Yên Viên thành 2 dự án riêng biệt gồm giai đoạn 1 xây dựng khu tổ hợp Ngọc Hồi và đoạn Giáp Bát - Gia Lâm (I). Giai đoạn 2 làm đoạn Ngọc Hồi - Giáp Bát và đoạn Gia Lâm - Yên Viên (II).

Giai đoạn 1 được phê duyệt tổng mức đầu tư 19.460 tỷ đồng trong đó vốn ODA của Nhật Bản là 13.973 tỷ đồng và vốn đối ứng là 5.487 tỷ đồng. Đến hiện tại dự án này mới giải ngân được 1.820 tỷ đồng. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, dự án được bố trí 512 tỷ đồng vốn đối ứng và 4.500 tỷ đồng ODA để thực hiện tiếp.

Đường sắt đô thị số 1 Hà Nội đội vốn gấp đôi, lên 3,5 tỷ USD - Ảnh 2.

Sơ đồ tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội trong tổng thể quy hoạch. Ảnh: UBND TP. Hà Nội.


Giai đoạn hai được đề xuất thành 2 phần. Đoạn Ngọc Hồi - Giáp Bát được Bộ GTVT đề xuất xây cùng với giai đoạn 1 do có hiệu quả cao nên được gọi là IIA. Đoạn còn lại Gia Lâm - Yên Viên được gọi là IIB. Đoạn IIA được phê duyệt tổng mức đầu tư vào năm 2012 là 24.825 tỷ đồng (20.348 tỷ đồng là vốn đối ứng).

Như vậy, tổng mức đầu tư đoạn IIA và giai đoạn I (Ngọc Hồi - Gia Lâm) là 44.285 tỷ đồng.

Hiện giai đoạn 1 được triển khai giải phóng mặt bằng từ 2008 nhưng đến 1/2019 mới chỉ đạt 78 ha trên tổng số151,8 ha (khoảng 50%). Bộ GTVT cho biết phải đến quý II/2020 mới giải phóng xong trong điều kiện được bố trí đủ vốn còn thiếu.

Dự án cũng hoàn thành tổ chức thi sơ tuyển nhà thầu thi công năm 2013, tuy nhiên đến nay phải hủy bỏ kết quả sơ tuyển do nhiều thay đổi trong quá trình thực hiện dự án, do đó chưa triển khai thi công được gói thầu nào ngoài hiện trường.

Tại giai đoạn II, Bộ GTVT đã nghiên cứu điều chỉnh dự án. Dự kiến, tổng mức đầu tư của IIA sẽ khoảng 30.427 tỷ đồng.

Trong khi đó, rà soát lại việc xây dựng đoạn ga Hà Nội đến ga Gia Lâm và kéo dài đến ga Yên Viên, trong đó có cầu vượt sông Hồng, Bộ GTVT tính toán sơ bộ cho thấy nhu cầu vốn khoảng 32.064 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi ước tính khoảng 81.537 tỷ đồng. Như vậy số tiền này ước tính trên 3,5 tỷ USD, gấp đôi so với dự toán ban đầu. Bộ GTVT cho rằng cần có nguồn lực đầu tư rất lớn để đảm bảo mục tiêu của toàn dự án.

Có thể phải báo cáo Quốc hội nếu muốn tăng vốn

Để tăng vốn, Bộ GTVT đang “than khó” với Thủ tướng việc Bộ Tài chính chưa đồng thuận về thẩm quyền điều chỉnh dự án giai đoạn I và giai đoạn IIA. Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT phải báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội tăng vốn, tương tự các dự án đang triển khai tại TP.HCM.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng giai đoạn I đang thực hiện và được giao vốn từ năm 2010. Ngoài ra, đến nay kế hoạch vốn 2016-2020 đã được bố trí 5.012 tỷ đồng, do đó Bộ này cho rằng việc điều chỉnh giai đoạn I là phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, phù hợp với quy định về xử lý chuyển tiếp đối với dự án đang thực hiện.

Đường sắt đô thị số 1 Hà Nội đội vốn gấp đôi, lên 3,5 tỷ USD - Ảnh 3.

Trong tháng 4, dự kiến tuyến đường sắt số 2A của Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, sẽ đưa vào vận hành. Ảnh: Việt Linh.

Từ đó, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ KH&ĐT và Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể về thủ tục tăng. Bộ này nhấn mạnh trong trường hợp cần thiết, có thể phải báo cáo tới Bộ Chính trị, Quốc hội để có ý kiến chỉ đạo.


Việc tăng vốn dự án đường sắt từng diễn ra với 2 tuyến của TP.HCM là như giống 2 tuyến đường sắt tại TP.HCM là tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương. Khi đó, Bộ GTVT phải hoàn thiện báo cáo gửi tới Bộ Chính trị xem xét. Sau đó, dự kiến kỳ họp Quốc hội sắp tới, việc điều chỉnh tăng vốn này phải trình ra Quốc hội.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận điều chỉnh, bổ sung vốn đối ứng để Bộ này triển khai thực hiện phải phóng mặt bằng và có thể triển khai ngay Khu tổ hợp Ngọc Hồi. Theo đó, nhu cầu vốn giải phóng mặt bằng là 2.310 tỷ đồng, nhưng giai đoạn 2009-2017 mới bố trí 388 tỷ đồng.

Trong khi giai đoạn 2016-2020 được bố trí 512 tỷ đồng, vẫn chưa đủ tổng số vốn để hoàn thành giải phóng mặt bằng vào năm 2020, ảnh hưởng tiến độ hoàn thành giai đoạn I vào năm 2024.

Đường sắt đô thị số 1 Hà Nội đội vốn gấp đôi, lên 3,5 tỷ USD - Ảnh 4.

Đường sắt đô thị số 1 Hà Nội đội vốn gấp đôi, lên 3,5 tỷ USDĐường sắt đô thị số 1 Hà Nội đội vốn gấp đôi, lên 3,5 tỷ USD 'Siêu dự án' đường sắt đô thị số 1 Hà Nội: Chuẩn bị tiến hành xây dựng Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị vào năm 2050Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị vào năm 2050

Hiếu Công

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.