|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Siêu dự án' đường sắt đô thị số 1 Hà Nội: Chuẩn bị tiến hành xây dựng

08:11 | 03/01/2019
Chia sẻ
Nhắc đến dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi của Hà Nội, có lẽ ít ai hình dung được tuyến đường sắt có chiều dài 26 km này sẽ đóng vai trò tối quan trọng trong việc thay đổi toàn bộ diện mạo hiện nay của hệ thống đường sắt đô thị trong nội thành Thủ đô, đường sắt quốc gia và thậm chí cả tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sắp hình thành.
sieu du an duong sat do thi so 1 ha noi chuan bi tien hanh xay dung
Tuyến đường sắt đô thị số 2 Cát Linh-Hà Đông sắp hoàn thành giai đoạn chạy thử để đi vào hoạt động chính thức. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Số 1 nhưng “đi sau” số 2, 3

Nếu như tuyến đường sắt đô thị số 2 Cát Linh-Hà Đông đã rất quen thuộc với người dân Thủ đô sắp được đưa vào sử dụng, các tuyến đường sắt số 3 và tuyến số 2A lần lượt là Nhổn-ga Hà Nội và Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo đang thi công thì tuyến số 1 Ngọc Hồi-Yên Viên mới đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.

Tuyến số 1 được coi là tuyến quan trọng nhất của mạng lưới đường sắt đô thị bởi tuyến này không chỉ kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác (tuyến số 2, 3, 6) mà còn kết nối với đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao trong tương lai.

Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư) cho biết, tuyến đường sắt trên có tính chất khá đặc biệt so với các dự án đường sắt đô thị khác tại Hà Nội, bởi có sự gắn kết với đường sắt quốc gia hiện tại và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam (đang được nghiên cứu tiền khả thi).

Cụ thể, sau khi dự án hoàn thành, cả tàu khách quốc gia và tàu tuyến đường sắt số 1 đều khai thác chung trên toàn tuyến Yên Viên-Ngọc Hồi. Trong quá trình xây dựng, dự án vẫn phải đảm bảo đường sắt quốc gia hiện nay vận hành liên tục, an toàn.

Khu tổ hợp Ngọc Hồi sẽ ưu tiên xây dựng trước (trong thời gian 2019-2024) để di dời, tiếp nhận toàn bộ cơ sở hạ tầng của đường sắt quốc gia tại các ga Hà Nội, Giáp Bát. Sau khi xong tổ hợp Ngọc Hồi, tàu khách tuyến quốc gia dừng lại ở đây để giảm ách tắc cho nội đô Hà Nội. Còn giai đoạn 2021-2026, dự kiến thi công đoạn tuyến từ Ngọc Hồi đến ga Hà Nội để cả tàu khách quốc gia, tàu đường sắt đô thị cùng vào đến ga Hà Nội.

Cần phải nói, một trong những nguyên nhân khiến tuyến đường sắt số 1 của Thủ đô mặc dù đóng vai trò quan trọng như vậy nhưng lại đang quá chậm là những “lùm xùm” hối lộ liên quan đến Công ty tư vấn JTC Nhật Bản và nhiều quan chức ngành đường sắt (năm 2015). Do đó, phải đến cuối tháng 7/2018, sau một loạt nỗ lực nhằm tái khởi động dự án của Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6806/VPCP-QHQT thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tháo gỡ khó khăn cho dự án này.

Theo đó, đối với Dự án giai đoạn 1, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ KH&ĐT, Tài chính nghiên cứu, đề xuất nguồn phù hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Còn đối với Dự án giai đoạn 2A (đoạn từ ga Ngọc Hồi đến ga Hà Nội) và giai đoạn 2B (ga Hà Nội đến ga Yên Viên), trên cơ sở của tư vấn lập điều chỉnh dự án, Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc thẩm định và trình Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án (dự kiến vào kỳ họp tháng 10/2018).

Hiện, Bộ GTVT đang khởi động lại Dự án bằng việc chuẩn bị xây dựng giai đoạn 1 khu tổ hợp Ngọc Hồi, tổng mức đầu tư 19.046 tỷ đồng.

Tổ hợp Ngọc Hồi - depot lớn nhất Việt Nam

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Lê Văn, Trưởng phòng dự án 3 (Ban QLDA đường sắt) cho biết: Tổ hợp Ngọc Hồi được xây dựng vừa là nhà ga trung chuyển, vừa là khu depot (nơi lập tàu, tập kết tàu, thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tàu và các tác nghiệp kỹ thuật khác).

“Đây sẽ là depot lớn nhất Việt Nam, tàu khách tuyến quốc gia hiện nay sẽ dừng ở ga này để giảm ách tắc cho nội đô thay vì dừng ở ga Hà Nội như hiện nay. Còn ga Hà Nội sẽ được nâng lên cao, đóng vai trò là ga trung chuyển. Có thể hiểu, đây là nơi tập kết cả tàu cho đường sắt quốc gia, tàu đường sắt đô thị và tàu tốc độ cao Bắc-Nam sắp tới”, ông Lê Văn cho biết.

Cụ thể, khu tổ hợp Ngọc Hồi sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 151,8 ha/171 ha quy hoạch với mục tiêu trước mắt đảm bảo hoàn trả chức năng của ga Hà Nội và ga Giáp Bát (trong đó phần đất để xây dựng các khu chức năng trong tổ hợp là 95,2 ha với các hạng mục chủ yếu sau: Xây dựng các khu chức năng (Xí nghiệp tàu đô thị, Xí nghiệp đầu máy, Xí nghiệp toa xe hàng, một phần ga hàng, Xí nghiệp bảo dưỡng cơ sở hạ tầng đường sắt đô thị; Trạm điện chính và khu nhà quản lý chung tổ hợp); điều chuyển các khu chức năng ở giai đoạn IIA sang giai đoạn I (gồm: Xí nghiệp toa xe khách và ga khách quốc gia và đô thị); hệ thống hạ tầng kỹ thuật (gồm hệ thống đường bộ và các cầu đường bộ vượt đường sắt bên trong và bên ngoài tổ hợp; hệ thống thông tin, tín hiệu; hệ thống cấp điện và điện khí hóa; hệ thống cấp và thoát nước; hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống chiếu sáng phục vụ kết nối và vận hành của khu tổ hợp).

Công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện từ năm 2009 đến nay và hiện đang được tập trung ưu tiên cho tổ hợp Ngọc Hồi. Đến thời điểm tháng 8/2018, Dự án đã giải phóng được khoảng 55,4 ha đất, dự kiến đến quý II/2020 sẽ thu hồi toàn bộ phần diện tích còn lại (bảo đảm tổng diện tích thu hồi là 151,8 ha).

Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 (sau khi điều chỉnh) là 19.046 tỷ đồng (tương đương 95,35 tỷ Yên Nhật). Trong đó, vốn vay ODA là 72,410 tỷ Yên, vốn đối ứng là 4.582 tỷ đồng.

Thông tin thêm tình hình triển khai dự án, ông Lê Văn cho biết, do dự án liên quan đến tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị nên vừa triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu hạng mục tổ hợp; đồng thời đang nghiên cứu điều chỉnh đối với hạng mục xây dựng tuyến từ Ngọc Hồi tới ga Hà Nội, cũng như nghiên cứu kết nối với đường sắt tốc độ cao.

“Hiện, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, trong đó nghiên cứu phương án kết nối với tuyến đường sắt số 1 trong giai đoạn đầu nên dự án đang được nghiên cứu điều chỉnh”, ông Văn cho biết.

Xem thêm

Phan Trang