|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

JICA đề nghị Bộ GTVT giải quyết nhanh thủ tục pháp lý để triển khai đường sắt đô thị số 1 HN

19:19 | 13/03/2018
Chia sẻ
Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam đề nghị Bộ GTVT có biện pháp giải quyết nhanh về mặt thủ tục pháp lý để có thể nhanh chóng triển khai các dự án quan trọng như Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội, đường sắt Bến Thành – Suối Tiên TP HCM...

Theo thông tin từ Bộ GTVT, chiều 13/3, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã tiếp và làm việc với ông Fujita Yasuo, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam.

Tại cuộc gặp, ông Fujita Yasuo cho biết, Nhật Bản rất coi trọng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực giao thông vận tải để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

jica de nghi bo gtvt giai quyet nhanh thu tuc phap ly de trien khai duong sat do thi so 1 hn
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Yasuo Fujita thống nhất thúc đẩy hợp tác PPP lĩnh vực giao thông.

Theo đó, ông Fujita Yasuo đề nghị Bộ GTVT nỗ lực tháo gỡ vướng mắc về vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đã hoàn thành cũng như bố trí vốn cho các dự án đang triển khai; có biện pháp giải quyết nhanh về mặt thủ tục pháp lý để có thể nhanh chóng triển khai các dự án quan trọng như Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội (đường sắt tuyến Ngọc Hồi – Yên Viên), Dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên (TP HCM)…

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ GTVT đang và tiếp tục nỗ lực làm việc với các Bộ, cơ quan liên quan để giải quyết các vướng mắc và mong muốn Việt Nam tiếp tục nhận được sự hợp tác của JICA trong triển khai các dự án sắp tới và thúc đẩy cơ hội hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản cho các dự án giao thông.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với các dự án trọng yếu như đường cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành…, Việt Nam mong nhận được sự hợp tác của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản với nhiều hình thức như hợp tác công – tư PPP, tham gia với vai trò nhà thầu tư vấn, xây lắp...

“Bộ GTVT luôn hoan nghênh các nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư, hợp tác lĩnh vực giao thông tại Việt Nam. Bộ GTVT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Tại dự án đường sắt đô thị số 1 Hà Nội, trước đó, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cập nhật, bổ sung Quyết định số 1198/QĐ-BGTVT ngày 24/4/2017 phê duyệt điều chỉnh dự án này giai đoạn I vào các quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Bộ này cũng xin ứng trước kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 (nguồn vốn đối ứng) 180 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án.

Dự án metro số 1 Hà Nội được phê duyệt đầu tư năm 2008, với tổng mức đầu tư 19.459 tỷ đồng (bao gồm: vốn vay ODA 13.972 tỷ đồng, vốn đối ứng 5.487 tỷ đồng).

Quy mô Dự án là xây dựng khu Tổ hợp Ngọc Hồi với diện tích 95 ha và đoạn tuyến đường sắt trên cao từ Giáp Bát đến Gia Lâm; thời gian thực hiện từ năm 2008 - 2017.

Tuy nhiên, do tính chất kỹ thuật phức tạp và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện (đặc biệt việc lựa chọn vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng), năm 2015, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ GTVT phân kỳ đầu tư dự án, trước mắt đầu tư xây dựng khu Tổ hợp Ngọc Hồi và đoạn tuyến Ngọc Hồi - Giáp Bát - ga Hà Nội.

Thời gian thực hiện dự án cũng được nới thêm, từ 2017 - 2024. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng phải được hoàn thành trước năm 2019 để triển khai thi công xây lắp (bắt đầu từ năm 2018, hoàn thành năm 2024), với kinh phí 2.300 tỷ đồng.

Khánh Hà