|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

‘Dường như chúng ta đang coi bất động sản là kẻ địch của nền kinh tế’

13:53 | 11/05/2022
Chia sẻ
TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, bất động sản là một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế nhưng nhiều người dường như đang coi nó là kẻ địch của nền kinh tế.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: Reatimes).

Thời gian gần đây, câu chuyện kiểm soát nguồn vốn được nhắc đến nhiều trên thị trường bất động sản. Vấn đề gây nhiều tranh cãi này cũng được các chuyên gia bàn luận tại Tọa đàm “Kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản – Chính sách và tác động” do Báo Xây dựng tổ chức sáng 11/5.

Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế cho biết, hiện nay có rất nhiều người vẫn mông lung và hiểu sai về vai trò của ngành bất động sản và cho rằng lĩnh vực này không đóng góp gì cho đất nước, chỉ là kênh đầu cơ và có rủi ro. Hoặc nói đến bất động sản là nhiều người ngay lập tức nói đến bong bóng bất động sản.

Tuy nhiên, theo quan điểm của vị chuyên gia này, bất động sản là một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế. Nó là đầu vào cho tăng trưởng và cũng là kết quả cho câu chuyện tăng trưởng, kể cả tầm vĩ mô cho đến tầm vi mô, từ hộ gia đình cho đến cá nhân. 

“Nếu chúng ta ứng xử với bất động sản như thế này thì suốt ngày sẽ chỉ đi bàn câu chuyện siết hay kiểm soát. Bởi dường như chúng ta đang coi bất động sản là kẻ địch của nền kinh tế chứ không phải một bộ phận của nền kinh tế. Cách tư duy này cũng phải thay đổi lại”, vị này nói.

TS. Vũ Đình Ánh ví von bất động sản giống như mặt kia của đồng xu và mặc định mặt ngược lại chính là tài chính. Cụ thể, bất động sản luôn gắn với tài chính và sẽ không thể xử lý được các vấn đề liên quan đến bất động sản nếu tách khỏi tài chính. Ngược lại, nếu bàn về tài chính mà không nói đến câu chuyện bất động sản thì cũng chưa đủ. 

“Rất nhiều dự báo cho đến thời điểm này đều cho rằng, vấn đề căng nhất bây giờ là suy thoái trên toàn thế giới và gắn với đó là câu chuyện lạm phát. Nếu nếu chúng ta không ứng xử tốt với thị trường bất động sản, thị trường tài chính tiền tệ thì rất có thể sẽ bước vào suy thoái trong khi nền kinh tế vẫn chưa phục hồi do ảnh hưởng của đại dịch. Chưa bao giờ tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thấp như vậy. Tôi cho rằng phải hết sức cẩn trọng.

Theo tôi, không nên dùng từ “siết”, siết ở đây là siết cái gì và tại sao lại siết? Thị trường bất động sản hiện nay cơ bản vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Bản thân ngân hàng và bất động sản đã đồng hành với nhau từ rất lâu và cực kỳ khăng khít. Nhưng trong mối quan hệ đó, có những tiêu cực đã xuất hiện”, ông Ánh cho hay.

Liên quan đến tín dụng ngân hàng, theo vị chuyên gia này, vấn đề ở đây không phải là siết hay thắt chặt hoặc kiểm soát,… mà thay vào đó phải lành mạnh hóa, không phải bóp nghẹt. Bởi vốn tín dụng ngân hàng thực ra không phải là nguồn vốn phù hợp cho bất động sản, cả kể về kỳ hạn, rủi ro và thế chấp. Nhưng rõ ràng hiện nay các doanh nghiệp không có phương án khác mà phải tìm đến các kênh huy động vốn khác như cổ phiếu, trái phiếu.

Phải nói thêm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một đột phá, nó rất thích hợp với bất động sản về mặt kỳ hạn, về mặt tính chất nhưng còn tồn tại nhiều bất cập. Đơn cử như “trái phiếu 3 không”: Không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh thanh toán.

“Vấn đề quan trọng nhất của trái phiếu doanh nghiệp chính là xếp hạng tín nhiệm mà chúng ta lắc đầu. Trong khi đó, về mặt nguyên tắc, trái phiếu doanh nghiệp hoàn toàn dựa trên xếp hạng tín nhiệm chứ không phải là có tài sản thế chấp. Tôi cho rằng, nên thay từ “kiểm soát” bằng “lành mạnh hóa”. Bởi tới đây, trái phiếu doanh nghiệp sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt của nguồn vốn tín dụng nếu ngân hàng siết chặt và thậm chí giá trị phát hành trái phiếu sẽ tăng lên và quy mô thị trường lớn hơn”. 

Hà Lê