|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đường nhập khẩu sẽ tiếp tục làm chủ thị trường khiến đường nội tiêu thụ chậm

11:54 | 26/06/2021
Chia sẻ
Bất chấp tình hình khó khăn vì dịch bệnh, số lượng nhập khẩu đường vào Việt Nam từ tất cả các nguồn trong 4 tháng đầu năm đã tăng hơn 1,5 lần, với số lượng gần 540.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 341.000 tấn.

Báo cáo của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết trong tháng 5/2021, tình hình gian lận thương mại đường nhập lậu vẫn hoạt động, bất chấp việc gia tăng kiểm soát biên giới để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19. 

Cụ thể, ngày 15/5, Công an TP HCM phối hợp với Cục Quản lý thị trường phát hiện hơn 140 tấn đường không rõ nguồn gốc nằm trong các bãi xe trên địa bàn huyện Hóc Môn và quận Bình Tân. Toàn bộ lô hàng đều không có chứng từ. 

Các lái xe khai nhận chở hàng từ Bình Dương, Đồng Nai tập kết về bãi xe TP HCM sẽ có người đến nhận. Hiện toàn bộ lô hàng trên đang được cơ quan chức năng tạm giữ để tiếp tục điều tra làm rõ. 

"Thực chất, trong tháng 5/2021, loại đường nhập khẩu từ các nước ASEAN (lẩn tránh thuế chống phá giá và chống trợ cấp) và đường “nhập lậu” từ Campuchia và Lào hoàn toàn làm chủ thị trường khiến cho đường sản xuất từ mía trong nước hầu như không thể tiêu thụ được", VSSA nhận định.

Hiện vụ ép mía đã kết thúc vụ, nhập khẩu đường chính ngạch từ Thái Lan và các nước ASEAN tiếp tục đưa về cộng với hoạt động tích cực của gian lận thương mại đường nhập lậu tiếp tục đưa một lượng đường lớn vào thị trường Việt Nam. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, số lượng nhập khẩu đường vào Việt Nam từ tất cả các nguồn trong 4 tháng đầu năm 2021 đã tăng hơn 1,5 lần, với số lượng gần 540.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 341.000 tấn.

Đường nhập khẩu sẽ tiếp tục làm chủ thị trường khiến đường nội tiêu thụ chậm - Ảnh 1.

(Nguồn: VSSA, Tổng hợp: Như Huỳnh).

Theo VSSA các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu hoàn toàn làm chủ thị trường bất chấp việc kiểm soát biên giới đối với đường nhập lậu khiến đường sản xuất từ mía tiêu thụ rất chậm, còn tồn kho. 

Nguồn cung đường đang đủ cung ứng cho nhu cầu thị trường. Do đường nhập khẩu đang thống trị thị trường nên diễn biến giá đường trong nước có xu hướng diễn biến theo giá đường thế giới.

Dự báo về tháng tiếp theo, Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng nhập khẩu đường từ Thái Lan và các nước ASEAN tiếp tục tăng trong tháng 6 và đường nhập lậu sẽ vẫn hoạt động mạnh mẽ. Cộng với đường sản xuất từ mía trong nước đang tồn kho tiêu thụ chậm, sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 6, tháng 7/2021.

Như Huỳnh

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.