|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Được - mất khi chuyển đổi taxi xăng sang điện

14:19 | 25/05/2024
Chia sẻ
Lợi ích khi chuyển từ taxi xăng sang taxi điện là chi phí vận hành giảm, nhưng vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, giá cước tăng, theo nhiều doanh nghiệp.

Theo Quyết định 876 của Chính phủ, từ sau năm 2030, tại các đô thị, 100% taxi sẽ phải sử dụng điện, năng lượng xanh. Lộ trình này đòi hỏi các hãng taxi truyền thống phải lên kế hoạch điện hóa phương tiện.

Tại tọa đàm xu hướng sử dụng xe điện tại Việt Nam ngày 24/5, ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc công ty Én Vàng, phân tích hiện mức đầu tư ban đầu của xe điện cao hơn nhiều so với xe xăng cùng phân khúc. Doanh nghiệp đưa ra giá cước taxi điện ngang bằng taxi xăng nên thời gian thu hồi vốn của taxi điện dài hơn xe xăng, mất khoảng 6 năm thay vì 5 năm. Ngày lễ Tết, doanh thu xe xăng có thể đẩy lên còn xe điện thì không tăng do cần thời gian sạc và tìm trạm sạc.

Dù vậy, theo ông Điện, xe điện có lợi thế giảm chi phí nhiên liệu. Tính trung bình một km vận hành xe xăng thấp nhất cần chi 1.200-1.600 đồng cho nhiên liệu, còn xe điện chỉ tốn 400-600 đồng. Ngoài ra, chi phí bảo trì, bảo dưỡng thấp dẫn đến tổng chi phí vận hành ước tính giảm 20-30% so với xe xăng.

Ông Hồ Quang Hiếu, đại diện taxi MaiLove, cũng cho rằng giá xe điện cao so với xe xăng cùng phân khúc và ảnh hưởng đến thu hồi vốn. Doanh thu hiện tại của xe điện chưa đủ bù đắp chi phí đầu tư nên hãng mới thuê chứ chưa mua xe điện. "Tại Hà Tĩnh, lượng khách chủ yếu ở địa phương, ở tỉnh khác ít. Cước taxi xăng thấp nên rất khó để nâng giá cước xe điện", ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết sau khi đưa xe điện vào kinh doanh taxi từ tháng 1, hãng đã ghi nhận những tín hiệu tích cực. Khách hàng là phụ nữ, người cao tuổi và người sợ mùi xăng, dầu đều hài lòng khi đi taxi điện.

Taxi điện trên đường phố ở Nghệ An. Ảnh: GSM

Bàn về giải pháp chuyển đổi sang xe điện, ông Nguyễn Văn Định đề xuất có chính sách trợ giá từ Chính phủ giống như miễn phí trước bạ cho xe điện hiện tại. Ở châu Âu và Trung Quốc, chính phủ các nước còn hỗ trợ bằng tiền cho doanh nghiệp taxi điện.

Ngoài ra, nhà nước cần quy hoạch về cơ sở hạ tầng trạm sạc, khuyến khích những nơi tập trung đông người như bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch... sử dụng xe năng lượng sạch để bảo vệ môi trường.

Ông Hồ Quang Hiếu kiến nghị nhà nước đảm bảo giá điện ổn định ở hiện tại và tương lai, cũng như có chính sách ưu đãi về giá điện cho các công ty kinh doanh vận tải bằng xe điện, chính sách ưu đãi lãi suất vay vốn để chuyển đổi sang xe điện.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam), cho biết để thực hiện lộ trình thay thế toàn bộ taxi tại các đô thị, ngành đang xây dựng chiến lược, quy hoạch giao thông phục vụ chuyển đổi; xây dựng quy định, tiêu chí cho kết cấu hạ tầng giao thông "xanh" cho bến xe khách, trạm dừng nghỉ.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng đề xuất xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt là taxi, xe buýt; xây dựng tiêu chí xanh đối với hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như bến xe khách, bến xe hàng hoặc trạm dừng nghỉ; phối hợp thí điểm lắp đặt trạm sạc tại các hệ thống dịch vụ này.

Đến hết năm 2023, cả nước có hơn 921.300 ôtô kinh doanh vận tải, trong đó 74.220 taxi, 8.750 xe buýt. Số phương tiện này thuộc diện chuyển đổi sử dụng năng lượng điện trong tương lai.

Đoàn Loan