Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc tốt hơn dự kiến, nhưng còn nhiều ‘khó khăn và thách thức’
Bất chấp ảnh hưởng từ các quy định kiểm soát COVID, dữ liệu kinh tế tháng 5 do Trung Quốc công bố vẫn tốt hơn hẳn dự đoán chung của giới chuyên gia.
Sản lượng công nghiệp tháng 5 tăng nhẹ 0,7% so với năm trước, trái ngược với dự đoán giảm 0,7% của các nhà phân tích do Reuters khảo sát. Hồi tháng 4, sản lượng công nghiệp bất ngờ đi xuống, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh số bán lẻ khả quan hơn kỳ vọng khi chỉ giảm 6,7%. Còn theo khảo sát của Reuters, doanh số bán lẻ tháng 5 được cho là sẽ thấp hơn 7,1% so với một năm trước. Trong tháng 4, doanh số bán lẻ giảm 11,1%.
Ngoài ra, đầu tư cho tài sản cố định trong 5 tháng đầu năm đi lên 6,2%, cao hơn dự báo tăng 6%.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc tuyên bố nền kinh tế “thể hiện động lực hồi phục tốt” trong tháng 5. “Trung Quốc đang dần vượt qua tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 và các chỉ báo quan trọng được cải thiện đáng kể”, cơ quan này nhấn mạnh.
Nhưng cục vẫn cảnh báo: “Chúng ta cần nhận thức rõ rằng môi trường quốc tế sẽ càng trở nên biến động và phức tạp. Nền kinh tế nội địa vẫn đang đối mặt với khó khăn và thách thức trong quá trình phục hồi”.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 của Trung Quốc tăng mạnh 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua mọi ước đoán của giới phân tích. Kim ngạch nhập khẩu cũng trội hơn kỳ vọng, tăng 4,1%.
Thượng Hải và Bắc Kinh, hai thành phố lớn nhất Trung Quốc tính theo GDP, đã phải tái áp đặt biện pháp chống COVID-19 sau khi xuất hiện các ổ dịch mới. Thượng Hải tiến hành phong tỏa trong tháng 4 và tháng 5, chỉ một số công ty lớn được hoạt động trong thời gian đó. Thành phố bắt đầu mở cửa hoàn toàn vào ngày 1/6.
Gần như trong toàn bộ thời gian của tháng 5, Bắc Kinh chỉ đạo người dân tại các khu vực quan trọng phải làm việc tại nhà. Các hàng ăn ở thủ đô Trung Quốc cũng chỉ được phép bán mang về. Hầu hết các nhà hàng ở Bắc Kinh đã được phép bán tại chỗ trở lại và người lao động được đến nơi làm việc vào đầu tháng 6. Tuy nhiên, việc mở cửa trường học đã bị hoãn lại.
Mặt khác, sự khó lường, đặc biệt là về thu nhập tương lai, đã gây áp lực lên chi tiêu tiêu dùng. Tỷ lệ thất nghiệp tại 31 thành phố lớn nhất Trung Quốc vượt quá đỉnh điểm năm 2020 – lên đến 6,7% vào tháng 4 năm nay – và là con số cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2018.
Tỷ lệ này lên cao hơn nữa trong tháng 5, đạt 6,9%. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị tổng thể thì thấp hơn, ở mức 5,9%.Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi đi từ 18,2% trong tháng 4 lên 18,4% vào tháng 5.
Bà Francoise Huang, nhà kinh tế cấp cao của Allianz Trade, nói với CNBC: “Các hạn chế phòng dịch đang được dỡ bỏ và sắp tới nền kinh tế sẽ nhận được sự trợ giúp từ chính sách tiền tệ. Với tỷ lệ thất nghiệp hiện cao hơn hẳn mục tiêu của chính phủ, tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ cố gắng làm sao cho con số này đi xuống”.
Bà nói tiếp: “Kịch bản của tôi là Trung Quốc sẽ phục hồi phần nào trong nửa cuối năm. Nhưng nền kinh tế sẽ không phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ theo mô hình chữ V hay như cuộc phục hồi hậu COVID-19 năm 2020. Lý do là chính sách sẽ không được nới lỏng nhiều như vậy và nhu cầu bên ngoài cũng không lớn đến thế”.