Dự kiến huy động 8,6 tỉ kWh điện chạy dầu giá cao
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa cho biết, do lưu lượng nước từ các nhà máy thủy điện giảm nên để đảm bảo cấp điện, tập đoàn này phải tăng huy động nguồn điện than và chạy dầu vào cuối năm nay và năm sau.
Theo tính toán, năm nay EVN sẽ phải huy động gần 2,6 tỷ kWh điện chạy dầu giá 3.500 - 5.000 đồng một kWh, trong khi giá bán lẻ bình quân tới các hộ dùng điện là 1.844,64 đồng một kWh.
Riêng hai tháng cuối năm, lượng điện chạy dầu cần huy động khoảng 1,45 tỷ kWh. Khó khăn về nguồn điện, nhưng EVN cam kết đảm bảo cung cấp điện trong các tháng cuối năm 2019.
Tuy nhiên, sang 2020 sản lượng điện phải huy động từ nguồn chạy dầu sẽ tăng cao, lên 8,6 tỷ kWh sau khi tính toán cân bằng cung cầu điện.
"Năm 2020 việc cấp điện vẫn có thể đảm bảo nếu không có những yếu tố bất thường. Nhưng sản lượng điện huy động từ nguồn chạy dầu có thể ở mức rất lớn, 8,6 tỷ kWh", EVN cho biết.
Công nhân Điện lực Hà Nội bảo trì hệ thống máy phát điện. Ảnh: PV
Cũng theo tập đoàn này, hiện nhiều hồ thủy điện lớn ở Bắc Bộ và Trung Bộ nước về thấp hơn rất nhiều so với năm 2018 và trung bình nhiều năm. Điển hình như hồ Lai Châu thấp hơn 10,5m; hồ Sơn La gần 16m; hồ Hòa Bình thấp hơn 8,2m; hồ Hủa Na thấp hơn 12,3m...
Tổng dung tích hữu ích hiện có ở các hồ chứa thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng gần 11 tỷ m3, trong đó riêng đối với 3 hồ chứa lớn lưu vực sông Hồng (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) đã thiếu hụt gần 7,3 tỷ m3 nước.
Do đó, sản lượng điện huy động từ thuỷ điện hai tháng cuối năm chỉ đạt 10,6 tỷ kWh, thấp hơn 2,4 tỷ kWh so với kế hoạch. Ước tính cả năm 2019, tổng sản lượng thủy điện chỉ đạt 65,3 tỷ kWh, ít hơn 10 tỷ kWh so với kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, việc cung ứng than cho phát điện cũng đang gặp nhiều khó khăn, nguồn khí trong nước suy giảm. Công suất các nguồn năng lượng tái tạo đã được đưa vào vận hành và dự kiến tiếp tục tăng cao.
Dù công suất lắp đặt chiếm khoảng 9% tổng nguồn cả nước nhưng sản lượng điện của các nguồn này chỉ khoảng 2,5%.
Liên quan tới tình hình thiếu điện, trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Công Thương cho biết, "đỉnh" thiếu điện rơi vào 3 năm 2021-2023, với sản lượng thiếu hụt 1,5-5 tỷ kWh.
Miền Nam sẽ là khu vực thiếu điện trầm trọng nhất, khoảng 3,7 tỷ kWh vào năm 2021 và tăng lên 10 tỷ kWh vào 2022. Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023, khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ kWh năm 2025.