|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dự báo thị trường tài chính Việt Nam năm 2019

07:50 | 08/02/2019
Chia sẻ
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) vừa công bố báo cáo tổng quan thị trường tài chính Việt Nam năm 2018, cùng một số dự báo cơ bản cho năm 2019.
du bao thi truong tai chinh viet nam nam 2019
Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Năm 2018, nền tảng tài chính của Việt Nam tiếp tục được củng cố, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cung ứng vốn của thị trường tài chính năm 2018 chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào khu vực ngân hàng và gia tăng vai trò của thị trường vốn.

Cung ứng vốn từ khu vực ngân hàng giảm nhưng hiệu quả và chất lượng hơn. Thanh khoản hệ thống được đảm bảo, lãi suất và tỷ giá ổn định.

Thị trường chứng khoán tăng trưởng vượt bậc về quy mô với mức vốn hóa thị trường đạt 75% GDP, vượt chỉ tiêu đề ra của năm 2020.

* Hệ thống tài chính năm 2018 được cải thiện

Theo ông Nguyễn Văn Thùy, Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát của UBGSTCQG cho biết, trong năm 2018, quy mô tổng tài sản của các định chế tài chính Việt Nam ước đạt 203% GDP, tăng 11,5% (năm 2017 tăng 17,5%).

Trong đó, tỷ trọng tài sản của các Tổ chức tín dụng chiếm tới 95,5% (năm 2017 chiếm 96,1%), các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 3,4%, các công ty chứng khoán và các công ty quản lý quỹ chiếm 1,1%.

Trong năm qua, tổng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng tăng khoảng 11,5% so với năm 2017.

Trong đó, tổng tín dụng ước tăng khoảng 14-15% (năm 2017 tăng 17,6%). Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm gần đây nhưng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đối với các công ty chứng khoán, tổng tài sản của hệ thống công ty chứng khoán tăng khoảng 20,3% so với năm 2017, tổng vốn chủ sở hữu tăng 22,8%, tỷ lệ vốn khả dụng bình quân theo báo cáo khoảng 409,7% (cuối năm 2017 là 413,4%).

Còn với các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng tài sản của các doanh nghiệp này tăng 19,4%, tỷ lệ khả năng thanh toán bình quân của hệ thống doanh nghiệp bảo hiểm đạt 239% (cuối năm 2017 đạt 237%), cao hơn mức 100% theo quy định.

Vai trò vốn đối ứng của thị trường vốn cho nền kinh tế gia tăng, giảm gánh nặng cho tín dụng ngân hàng. Cụ thể, tỷ trọng cung ứng vốn từ thị trường vốn cho nền kinh tế tính theo giá trị phát hành thực tế trong năm 2018 chiếm 14% tổng cung ứng vốn (năm 2017 chiếm 10,2%).

Nếu tính theo giá trị vốn hóa thị trường thì tỷ trọng cung ứng vốn danh nghĩa từ thị trường vốn chiếm khoảng 36,9% tổng cung ứng vốn (năm 2017 chiếm 36,7%).

Chất lượng tài sản của hệ thống định chế tài chính được cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống định chế tài chính năm 2018 còn khoảng 2,4% (năm 2017 ở mức 2,5%).

Trong đó: tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng ở mức 2,4%; tỷ lệ nợ quá hạn của các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ là 4,7%; tỷ lệ các khoản phải thu khó đòi của các doanh nghiệp bảo hiểm là 6,4%.

Những tín hiệu trên đã góp phần giúp cải thiện khả năng sinh lời của hệ thống định chế tài chính.

Thống kê của UBGSTCQG đưa ra cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế của các định chế tài chính ước tăng 33% so với năm 2017, trong đó lợi nhuận của các Tổ chức tín dụng ước tăng 40% so với năm 2017, lợi nhuận của công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ tăng 18,1% so với năm 2017.

Ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch UBGSTCQG cho rằng, sức khỏe thị trường tài chính Việt Nam cải thiện thể hiện kết quả tất yếu từ quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 1 và sự phục hồi của nền kinh tế...

* Tăng trưởng GDP năm 2019 có thể đạt 7%

Dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2019, UBGSTCQG dự báo: kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%.

Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng, cơ quan này cũng khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng đầu tư tư nhân; tái cơ cấu kinh tế cần phải thực hiện triệt để; chuyển đổi sâu và rõ nét hơn mô hình tăng trưởng nhằm tận dụng được những cơ hội đến từ yếu tố quốc tế.

Đó là xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại; triển vọng tích cực từ các hiệp định thương mại thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA và một số các FTAs…

Lạm phát có thể kiểm soát ở mức dưới 4% nếu việc điều chỉnh giá dịch vụ công được kiểm soát chặt chẽ.

Theo báo cáo về thị trường tài chính trong năm 2019, trên thị trường tiền tệ, lãi suất có thể được duy trì ổn định do có nhiều yếu tố thuận lợi như áp lực lạm phát có thể giảm do sự ổn định ở mức thấp của giá dầu, đồng USD suy yếu làm giảm áp lực tỷ giá.

Thị trường chứng khoán năm 2019 vẫn duy trì sự ổn nằm trong nhóm các thị trường mới nổi có khả năng thu hút vốn đầu tư giám tiếp nước ngoài do kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế cao định và có triển vọng nâng hạng.

Hệ thống tổ chức tín dụng duy trì hoạt động an toàn, ổn định, chất lượng tài sản và khả năng sinh lời được cải thiện; gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế được giảm nhẹ dần do sự phát triển của thị trường vốn.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam năm 2019 ít nhiều sẽ chịu tác động bởi yếu tố quốc tế biến động khó lường.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc diễn biến phức tạp và nhiều khả năng còn tiếp tục kéo dài ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu.

Do đó, ổn định tài chính cần tiếp tục được coi là một trong các ưu tiên trong điều hành chính sách 2019.

Xem thêm

Gia Khánh