Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP
Nhấn mạnh dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến tổng chi xấp xỉ 70 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, mức chi đầu tư này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế trong suốt thời gian dự án thi công.
"Qua đánh giá sơ bộ, nếu như số tiền này được đưa vào triển khai từ nay đến năm 2035 thì tác động của đầu tư đường sắt cao tốc độ cao này làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP. Đây là con số hết sức đáng kể, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Thứ trưởng Phương phân tích, công trình này có tác động trực tiếp đến khoảng 7 - 8 lĩnh vực.
Thứ nhất là tác động đến ngành xây dựng trong cơ cấu GDP bởi đây là công trình xây lắp. Thứ hai là tác động đến các ngành phụ trợ phục vụ cho công trình này, như ngành cung cấp vật liệu cho xây dựng công trình, kể cả các vật liệu thông thường như cát, đá, sỏi hay vật liệu đặc chủng như sắt, thép để làm đường ray hoặc các công trình khác.
Thứ ba, tác động đến các ngành dịch vụ cung cấp cho công trình này như tài chính, ngân hàng hay dịch vụ về huy động vốn…
Thứ tư, tác động lan tỏa đến phát triển đô thị. Tuyến đường này mở ra hơn 20 ga từ Bắc vào Nam. Trong định hướng phát triển tuyến đường sắt này, mỗi ga đều có các khu đô thị đính kèm. Đây cũng là một động lực cho phát triển. Trong tương lai chúng ta xác định phát triển đô thị là một động lực thì đây là một động lực tốt để phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ năm, tác động đến các ngành khai thác sau này khi dự án đi vào vận hành, đặc biệt là dịch vụ du lịch.
Thứ sáu, tạo công ăn việc làm. Đây là công trình quy mô cực lớn, do vậy để huy động lực lượng tham gia vào xây dựng công trình này sẽ tạo ra công ăn việc làm tương đối lớn.
Ngoài ra, sẽ tác động đến tăng trưởng của ngành vận tải mà chúng ta đang phân tích để hướng tới hiện đại hóa hệ thống giao thông vận tải, tăng thêm doanh số, năng suất, công suất phục vụ cho giao thông vận tải với một đường sắt mới.
Thứ trưởng cũng cho biết thêm, ở giai đoạn 2, dự án sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội sau khi dự án đưa vào khai thác, vận hành. Khi dự án đi vào khai thác, rõ ràng sẽ làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là giảm chi phí logistic, góp phần đáng kể cho phát triển các ngành công nghiệp, ngành sản xuất kinh doanh có sử dụng đến tuyến đường sắt này.
Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nội tham gia
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cũng nhấn mạnh dự án đường sắt cao tốc có thể có tác động rất lớn đến khối doanh nghiệp nội địa nhưng cơ chế chính sách phải làm sao để doanh nghiệp trong nước tham gia được.
Dự án này có thể ràng buộc các điều kiện, yêu cầu tổng thầu phải sử dụng dịch vụ hàng hóa trong nước sản xuất được hoặc trình Quốc hội, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đặt hàng các hạng mục, hàng hóa trong nước có thể sản xuất được, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nêu kiến nghị.
Ông cho biết, Bộ GTVT đã làm việc với các doanh nghiệp luyện kim, sản xuất thép về các tiền đề sản xuất đầu máy toa xe, không chỉ đường sắt tốc độ cao, mà hướng tới thị trường lớn hơn là hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị…
"Việc đầu tư làm chủ công nghệ đó phải hiệu quả, thận trọng kỹ lưỡng chọn cơ chế chính sách phát triển công nghiệp. Trong cơ chế chính sách chúng tôi đã trình Bộ Chính trị, trình Trung ương, trong đề án tờ trình báo cáo khả thi trình Quốc hội, chúng tôi cũng đưa ra các tiền đề khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia...", Thứ trưởng Huy phân tích.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì cho rằng mấu chốt quan trọng của chúng ta làm đề án này là tạo thêm phương thức vận tải thứ 5.
"Thông qua đó, chúng ta tối ưu hóa các phương thức vận tải và như vậy sẽ góp phần tối ưu hóa chi phí vận tải cũng như thời gian và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các chủ thể, từ hành khách đến vận tải hàng hóa", ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, có rất nhiều băn khoăn về việc tốc độ thiết kế là 250 km/giờ hay 350 km/giờ, vận tải khách, vận tải hàng hóa ra sao?
"Cá nhân tôi nhất trí với cách tiếp cận hiện nay vì chúng ta phải phân định ra phương án thiết kế và sau này là phương án khai thác. Theo cách tiếp cận của chúng ta hiện nay, chúng ta thiết kế phương án kỹ thuật tốc độ tối đa 350 km/giờ vận tải hành khách, và trục tải là 22,5 tấn. Tôi cho rằng đây là phương án thiết kế kỹ thuật tối ưu và hướng đến đúng", ông Hiếu nói.