|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Dự án chậm tiến độ không nên thu hồi đất'

11:07 | 17/05/2017
Chia sẻ
"Dự án chậm tiến độ không nên thu hồi đất", ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KOSY kiến nghị như vậy tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 diễn ra hôm nay (17/5).
du an cham tien do khong nen thu hoi dat
Ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KOSY: "Dự án chậm tiến độ không nên thu hồi đất".

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 diễn ra hôm nay (ngày 17/5), ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KOSY kiến nghị một số vấn đề liên quan tới Luật Đất đai, thị trường bất động sản như: một số bất cập trong việc thu hồi dự án chấm tiến độ hiện nay và đề nghị các giải pháp, giải pháp giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng dự án theo cơ chế tự thỏa thuận; thời điểm xác định giá đất và quyền sử dụng đất...

Về vấn đề thu hồi các dự án chậm tiến độ, ông Cường cho rằng cơ chế thu hồi trắng như hiện nay là bất cập. Khi dự án chậm tiến độ, không nên thu hồi trắng đất dự án. Bởi đất đai là tài sản của doanh nghiệp. Nếu dự án chậm tiến độ, các giải pháp có thể đưa ra để xử phạt doanh nghiệp đó là đánh thuế lũy tiến, phạt NĐT bằng tiền để NĐT tự quyết định hoặc tự tìm NĐT khác để chuyển nhượng, bán lại hoặc hợp tác đầu tư...

Về vấn đề thời điểm xác định tiền sử dụng đất nộp cho Nhà nước, có nhiều bất cập trong việc xác định giá đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhiều trường hợp, sau khi trúng thầu, dự án vẫn chưa được xác định giá đất. Điều này gây khó khăn cho CĐT khi triển khai dự án. Ông Cường kiến nghị, trong công tác đấu thầu dự án sử dụng đất, việc xác định giá đất và dự án cần được đưa ra đồng thời từ trước đó.

Về giải phóng mặt bằng, cơ chế NĐT tự thỏa thuận để chuyển nhận sử dụng đất là phù hợp với lòng dân nhưng rất khó thoả thuận được 100% đất của dự án. Một thiểu số sử dụng đất yêu cầu giá rất cao NĐT không thể thỏa thuận được, giải phóng mặt bằng không thể triển khai được, bị treo tiền phần đất được thỏa thuận mà không có cách gì với phần đất còn lại chưa được thỏa thuận.

Vì vậy, ông Cường đưa ra kiến nghị: quy định NĐT được thỏa thuận tối thiểu 70%, Nhà nước quyết định 2 phương thức: Nhà nước thu hồi đất với trường hợp không đồng thuận này và NĐT được khởi kiện ra tòa, tòa quyết định mức bồi thường và thi hành án.

Cũng tại Hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM nêu ý kiến: “Mặc dù thị trường bất động sản (BĐS) đang trong chu kỳ tăng trưởng nhưng đã có dấu hiệu chững lại và tiềm ẩn rủi ro như “sốt” đất nền ở vùng ven TP HCM, ở Đà Nẵng...”.

Ông Lê Hoàng Châu đưa ra 5 kiến nghị cụ thể để giải quyết những tồn tại và hạn chế của thị trường BĐS hiện tại. Các nội dung cụ thể gồm:

HoREA đề xuất thay đổi nội dung Luật Đất đai: cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài, nhưng khi xảy ra tranh chấp thì phải được xử lý theo pháp luật của nước ta.

Quy định cũ chỉ cho phép tổ chức được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất có thu tiền thuê đất được “thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam". Quy định này nay đã không còn phù hợp với xu thế hội nhập, làm hạn chế khả năng huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài và hạn chế lòng tin cũng như bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư.

Trong khi Luật Nhà ở 2014 đã cho phép người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua và sở hữu nhà ở như người Việt trong nước, các đối tượng này đều có nhu cầu thế chấp nhà ở và quyền sử dụng đất tại các ngân hàng ở nước ngoài.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh cần sớm được trình Quốc hội và thông qua trong năm 2017 để tạo hành lang pháp lý minh bạch, cạnh tranh lành mạnh của thị trường.

HoREA cũng đã có nhiều văn bản gửi đến các cơ quan chuyên trách đề xuất giải pháp hạ nhiệt “cơn sốt giá ảo” đất nền tại vùng ven TP HCM (quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ).

TP HCM nên công bố rõ việc chưa có chủ trương chuyển đổi huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn thành quận; việc phê duyệt và quy hoạch các “siêu dự án” tại vùng ven cũng cần sớm công khai để người dân nắm bắt được thông tin chính thức, tránh được việc giới đầu nậu, cò đất lợi dụng nhằm tung hỏa mù và thổi giá đất.

Thành phố nên sớm ban hành Quyết định mới quy định về diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa; siết chặt quản lý đối với giới đầu nậu, cò đất hiện đang hoạt động kinh doanh BĐS với tư cách cá nhân mà không có đăng ký kinh doanh...

Về đề xuất thanh tra 60 dự án của Bộ Tài chính, Hiệp hội đưa ra ý kiến nên tiếp tục cho phép các dự án trong danh sách bị đề nghị thanh tra được tiếp tục thi công nếu chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) sau khi thanh tra...

Ngoài những nội dung trên, ông Châu còn tiếp tục kiến nghị một nội dung mà HoREA đã đề xuất Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất (vào năm 2016) nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Đó là việc cho phép thực hiện hạch toán bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng BĐS với thu nhập khác của doanh nghiệp.

Khánh Hà - Linh Lê