Dow Jones mất thêm 410 điểm, chứng khoán Mỹ có quí I giảm sâu nhất lịch sử
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa giảm 410 điểm, tương đương 1,8%, xuống còn 21.917 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,6% xuống còn 2.585 điểm còn Nasdaq Composite cũng mất gần 1%.
Trong phiên, có lúc Dow Jones tăng hơn 150 điểm nhưng không duy trì được sự tích cực này.
Tính chung cả quí I vừa qua, Dow Jones mất 23,2% còn S&P 500 sụt 20%.
Đây là quí tệ hại nhất của Dow Jones kể từ năm 1987 và của S&P 500 kể từ năm 2008. Nếu chỉ so sánh quí I của các năm, đây là quí I lao dốc mạnh nhất trong lịch sử của cả Dow Jones và S&P 500.
Tính riêng tháng 3, Dow Jones và S&P 500 mất lần lượt 13,7% và 12,5, đánh dấu tháng giảm sâu nhất kể từ năm 2008. Trong 22 ngày giao dịch trong tháng qua, hai chỉ số chứng khoán này ghi nhận 21 phiên biến động với biên độ trên 1%.
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 31/3 giảm điểm sau khi đón nhận nhiều tin tức tiêu cực về tình hình dịch bệnh cũng như ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế:
- Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết số ca xác nhận nhiễm COVID-19 tại bang này đã tăng 14% trong vòng 24 giờ và đã vượt ngưỡng 75.000.
- Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo rằng nền kinh tế sẽ phải trải qua giai đoạn suy giảm mạnh chưa từng thấy vào quí II, nhưng sau đó nền kinh tế cũng có thể sẽ hồi phục nhanh kỉ lục.
- Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ giảm sâu, từ 132,6 điểm hồi tháng 2 xuống còn 120 điểm trong tháng 3.
- Các cổ phiếu ngân hàng như JPMorgan Chase, Citigroup and Bank of America tiếp tục đi xuống. JPMorgan Chase và Citigroup mất lần lượt 3,6% và 4,5% trong khi Bank of America giảm 3,7%. Cổ phiếu ngân hàng gần đây chịu áp lực bán mạnh do lãi suất giảm thấp.
Nhiều nhà đầu tư ở Wall Street đang cho rằng thị trường sẽ còn phải giảm tiếp thì mới thấy đáy. Theo dữ liệu lịch sử, các giai đoạn thị trường giá xuống (thị trường gấu) thường chứa những đợt hồi phục mạnh mẽ rồi lại tiếp tục lao dốc xuống đáy.
Ông Mark Hackett, Giám đốc nghiên cứu đầu tư tại công ty bảo hiểm và dịch vụ tài chính Nationwide nhận định: "Việc thị trường hồi phục hơn 10% trong tuần trước là điều rất được nhà đầu tư hoan nghênh, tuy nhiên đáy của thị trường hiếm khi nào lại xuất hiện nhanh gọn đến vậy. Thị trường sẽ cần phải phản ánh nhiều sự tương tác qua lại nữa rồi mới có thể tự tin là đã chạm đáy".
Các nhà đầu tư ngày càng thêm lo ngại về diễn biến tình hình dịch bệnh tại Mỹ. Theo Đại học Johns Hopkins, tính đến 7h30 sáng nay 1/4 theo giờ Việt Nam, cả nước Mỹ đã ghi nhận 188.000 ca nhiễm COVID-19 và 3.873 trường hợp tử vong.
Hiện nay Mỹ đứng đầu thế giới về số ca xác nhận nhiễm và thứ 3 thế giới về số ca tử vong, chỉ sau Italy và Tây Ban Nha, trên Trung Quốc.