|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ sụt hơn 11%, ngừng giao dịch lần thứ ba trong trong một tuần

21:03 | 16/03/2020
Chia sẻ
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất về 0% và tung gói nới lỏng định lượng 700 tỉ USD, thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng tiêu cực với các chỉ số đồng loạt giảm sâu, thị trường phải tạm ngừng giao dịch chỉ sau ít phút mở cửa.

Thị trường vừa mở cửa phiên 16/3, chỉ số S&P 500 sụt 8,14%, dẫn tới hiện tượng ngắt mạch toàn thị trường. Trước đó vào các phiên 9/3 và 12/3, thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã phải tạm dừng giao dịch cho các nhà đầu tư có thể bình tâm trở lại.

Theo qui định, nếu S&P 500 giảm quá 7% so với mức đóng cửa phiên trước, toàn thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tạm ngừng giao dịch trong vòng 15 phút. 

Sau khi giao dịch trở lại, chỉ số S&P 500 nhanh chóng nới rộng mức giảm lên 11,4%. Nếu giảm tới 13%, thị trường sẽ phải tạm ngừng giao dịch 15 phút lần thứ hai trong phiên. Nếu sau khi giao dịch trở lại chỉ số lại nâng mức giảm lên 20%, thị trường sẽ đóng cửa cho tới phiên hôm sau.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones cũng giảm 9,7%, tương đương 2.250 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt hơn 9%.

Trước khi thị trường mở cửa, các hợp đồng tương lai gắn với các chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq 100 đồng loạt giảm kịch sàn 5% mà Sở Giao dịch CME thiết lập, báo hiệu một phiên giao dịch đỏ lửa phía trước.

Trong cuộc họp chính sách bất thường hôm Chủ nhật 15/3 theo giờ Mỹ (tức sáng sớm 16/3 giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quyết định hạ lãi suất quĩ liên bang từ khoảng mục tiêu 1-1,25% xuống còn 0-0,25%, mức thấp nhất kể từ năm 2015. 

  • Fed đột ngột hạ lãi suất về 0% và bơm tiền 700 tỉ USD vì COVID-19

Fed cũng hạ lãi suất cho vay chiết khấu khẩn cấp từ 1,5% còn 0,25% và công bố chương trình nới lỏng định lượng (QE) với qui mô khổng lồ 700 tỉ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Fed công bố hàng loạt chính sách mạnh tay như vậy trong cùng một ngày. 

Trong cuộc khủng hoảng 2008, Fed dùng những công cụ nới lỏng nói trên dần dần trong vòng vài tháng.

Hôm 16/3 Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông "rất vui mừng" với quyết định của Fed và nói thêm: "Tôi nghĩ các thành viên trên thị trường sẽ cực kì hưng phấn". Thực tế diễn ra trái ngược hoàn toàn với nhận định của ông Trump.

Theo CNBC, quyết định của Fed có thể giúp thị trường vận hành dễ dàng hơn nhưng nhiều nhà đầu tư lại muốn thấy số ca dương tính với COVID-19 tại Mỹ đạt đỉnh và bắt đầu giảm rồi mới có thể an tâm mua cổ phiếu trở lại.

Việc Fed hành động quá mạnh tay khiến nhiều nhà đầu tư thêm hoảng loạn và cho rằng nguy cơ đối với nền kinh tế Mỹ hiện nay còn khủng khiếp hơn cả những ngày đen tối của năm 2008.

Một số nhà phân tích thì cho rằng Fed giờ đây đã "dùng hết đạn dược" trong cuộc chiến chống thiệt hại kinh tế của đại dịch COVID-19. Nếu tình hình xấu đi, Fed sẽ bị dồn vào thế khó.

Trao đổi với CNBC, ông Peter Boockvar – Giám đốc đầu tư tại công ty tư vấn Bleakley Advisory Group nhận định: "Fed đã dùng đến vũ khí tiền tệ khủng nhất của mình. Tốt nhất là loại vũ khí này hãy mang lại tác dụng, vì nếu không thì tôi cũng chẳng biết Fed còn gì trong tay nữa. Dù có bao nhiêu tiền từ trên trời rơi xuống cũng không chữa được dịch COVID-19. Chỉ có thời gian và thuốc thang là chữa được".

Bà Quincy Krosby – Giám đốc chiến lược thị trường tại Prudential Financial nói: "Gói nới lỏng tiền tệ này cộng thêm một gói kích thích tài khóa quan trọng nữa sẽ có thể hạn chế tác động tiêu cực từ dịch COVID-19. Tình hình sẽ khả quan, tuy nhiên thị trường lúc này đang bị chi phối bởi diễn biến của dịch bệnh và mức độ hiệu quả của các chính sách kiểm soát dịch bệnh".

Thứ Sáu tuần trước (13/3), thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh sau nhiều phiên giảm sâu, các chỉ số cùng tăng hơn 9% sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia cho phép các bang dùng 50 tỉ USD để ứng phó với đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên trong hai ngày cuối tuần, dịch bệnh lây lan nhanh tại nhiều bang của Mỹ đã gây ảnh hưởng xấu tới tâm lí nhà đầu tư.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, nước Mỹ hiện nay ghi nhận ít nhất 3.774 ca dương tính và 69 ca tử vong vì COVID-19. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) kêu gọi hủy bỏ hoặc hoãn tổ chức tất cả những sự kiện có từ 50 người trở lên nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Đầu phiên 16/3, cổ phiếu Apple lao dốc hơn 9% sau khi có tin "Táo khuyết" bị cơ quan chống độc quyền của Pháp phạt 1,2 tỉ USD. Các cổ phiếu hàng không cũng cắm đầu đi xuống sau quyết định hạn chế đi lại của Tổng thống Trump. Delta Air Lines và United Airlines sụt lần lượt 17% và 15%. 

Các cổ phiếu ngân hàng cũng không tránh khỏi thảm cảnh. Bank of America và JP Morgan Chase cùng mất 14%. Morgan Stanley sụt 12,6%, Citigroup giảm 15,2%. Các ngân hàng lớn của Mỹ hôm 15/3 cho biết sẽ ngừng chương trình mua lại cổ phiếu quĩ để dành nguồn vốn cho vay các khách hàng gặp khó khăn vì dịch COVID-19.

Đức Quyền