|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Goldman Sachs dự báo chứng khoán Mỹ giảm thêm 26% nữa mới thấy đáy

11:31 | 16/03/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 liên tục lan rộng, chứng khoán Mỹ đã giảm hơn 20% từ đỉnh lịch sử chỉ trong vòng một tháng. Dù vậy một chuyên gia của Goldman Sachs cho rằng thị trường sẽ còn tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới.
Goldman Sachs dự báo chứng khoán Mỹ giảm thêm 26% nữa mới thấy đáy - Ảnh 1.

Nhà giao dịch tại Sàn Chứng khoán New York (NYSE). Ảnh: Getty Images.

Tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ có nhiều phiên giảm sâu, các chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và S&P 500 cùng mất 9-10%. Tuy nhiên tính riêng phiên thứ Sáu (13/3), các chỉ số đồng loạt hồi phục mạnh mẽ, chỉ số Dow Jones tăng 1.985 điểm, tức khoảng 9,4%; S&P 500 cũng tăng 9,2% lên 2.711 điểm.

Một số nhà đầu tư đã bắt đầu đặt ra câu hỏi: Phải chăng giai đoạn cắm đầu lao dốc của chứng khoán Mỹ đã kết thúc và thị trường sẽ bắt đầu từ đáy đi lên? Theo chuyên gia của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, thị trường sẽ còn phải giảm thêm nhiều mới chạm đáy.

Ông David Kostin – Giám đốc chiến lược cổ phiếu Goldman Sachs cho rằng S&P 500 nhiều khả năng sẽ giảm tiếp 10% trong ba tháng tới, xuống còn 2.450 điểm.

Nếu thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra trở nên thêm nghiêm trọng, chỉ số có thể sụt 26% xuống còn khoảng 2.000 điểm trong ba tháng. Theo Bloomberg, mức đáy mới này còn thấp hơn 20% mức đáy mà ông Kostin vừa dự báo tuần trước.

Goldman Sachs dự báo chứng khoán Mỹ giảm thêm 26% nữa mới thấy đáy - Ảnh 2.

Diễn biến chỉ số S&P 500 từ đầu năm 2020 đến hết phiên 13/3.

Ông Kostin cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 lan rộng sẽ gây tổn hại lớn tới lợi nhuận doanh nghiệp, ảnh hưởng tới nền kinh tế sẽ rất khó lường do chính phủ phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay để kiểm soát dịch bệnh, nhiều công ty sẽ buộc phải đóng cửa hoặc thu hẹp qui mô hoạt động.

Hãng đồ thể thao Nike đã đóng cửa toàn bộ cửa hàng tại Mỹ. Apple mở cửa trở lại các cửa hàng ở Trung Quốc nhưng bắt đầu đóng tất cả các cửa hàng bên ngoài Trung Quốc cho tới ngày 27/3. Hãng hàng không American Airlines cũng tuyên bố tạm dừng các chuyến bay đường dài.

"Dịch COVID-19 đã tạo ra những gián đoạn chưa từng thấy trong hoạt động tài chính và xã hội", ông David Kostin viết trong một báo cáo gửi khách hàng.

Tại đáy của tuần trước (kết phiên thứ Năm 12/3), chỉ số S&P 500 đã sụt 27% so với đỉnh thiết lập ngày 19/2 trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan nhanh tại nhiều bang của Mỹ còn chính quyền của ông Trump thì hành động không đủ quyết đoán để trấn an nhà đầu tư.

Ngày 13/3, Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn nước Mỹ, cho phép chính quyền các bang sử dụng 50 tỉ USD tiền ngân sách để ứng phó với đại dịch. Ông Trump còn thông báo kế hoạch sử dụng gói kích thích tài khóa qui mô lớn. Thị trường chứng khoán Mỹ lập tức tăng sốc trong 30 phút cuối phiên giao dịch.

Tuy vậy, chỉ số S&P 500 vẫn thấp hơn 8,8% so với đầu tuần và giảm 20% so với đỉnh lịch sử, vẫn ở trong vùng thị trường gấu.

Nếu dự báo của ông David Kostin ở Goldman Sachs trở thành hiện thực, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ giảm tổng cộng 41% tính từ đỉnh lịch sử ngày 19/2 và toàn bộ thành quả tăng điểm trong nhiệm kì Tổng thống Trump sẽ tan biến. Lần gần đây nhất S&P 500 ở mức 2.000 điểm là vào tháng 6/2016 sau khi nước Anh bỏ phiếu trưng cầu ý dân về việc rời Liên minh châu Âu EU (Brexit).

Ông Kostin cho rằng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu trong quí II/2020 có thể giảm 15% so với cùng kì năm trước do ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19.

Tuy vậy ông Kostin cũng vẽ lên một tia hi vọng khi cho rằng thị trường thường hồi phục theo hình chữ V sau khi rơi vào thị trường gấu vì một sự kiện bất ngờ. Ông kì vọng chỉ số S&P 500 sẽ kết thúc năm 2020 ở khoảng 3.200 điểm, tức hồi phục 60% tính từ mức đáy 2.000 điểm.

Hiện tượng thị trường tăng trưởng trên 60% trong vòng 6 tháng mới chỉ xảy ra duy nhất một lần trong lịch sử chứng khoán Mỹ. Trong 126 phiên giao dịch kết thúc vào ngày 25/8/1933, chỉ số S&P 500 tăng gần gấp đôi khi nước Mỹ nỗ lực thoát ra khỏi cuộc Đại Khủng hoảng.

Trong nửa năm kết thúc ngày 28/8/2009 trong cuộc Đại Suy thoái, chỉ số S&P 500 cũng tăng trưởng tới 51%.

Các dự báo của ông Kostin được đưa ra dựa trên ba mô hình định lượng. Một mô hình so sánh lợi suất cổ phiếu với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kì hạn 10 năm; một mô hình định giá dòng cổ tức và một mô hình so sánh những đợt sụt giảm gắn với hai lần suy thoái gần đây nhất.

Hồi tháng 2, ông Kostin đã dự báo doanh nghiệp Mỹ sẽ không có tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020 do tác động của dịch COVID-19.