|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Gần 10.000 tỉ USD vốn hóa bay hơi, thị trường chứng khoán Mỹ đã trở về giá trị thực?

22:24 | 16/03/2020
Chia sẻ
Gần 10.000 tỉ USD vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ bốc hơi trong chưa đầy một tháng. Không ai biết chắc thị trường đã chạm đáy hay chưa. Nhà đầu tư có thể so sánh tình hình hiện tại với sự kiện trong quá khứ để giúp đưa ra nhận định.
Liệu thị trường chứng khoán đã trở về giá trị thực? - Ảnh 1.

Nhà đầu tư trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York 12/3. Ảnh: Reuters

Theo CNBC, nhà đầu tư trong thị trường chứng khoán luôn vội vã định giá chứng khoán dựa trên phỏng đoán về tình hình kinh tế trong tương lai. Điều này thường khiến cho mức giá họ phán đoán bị phóng đại quá mức.

Tính đến 12/3, chứng khoán Mỹ đã lao dốc gần 30% trong suốt ba tuần. Nhưng liệu rằng sự sụt giảm này đã phản ánh giá trị thực sự của các doanh nghiệp dưới tác động của đại dịch toàn cầu COVID-19 hay không?

(Đầu phiên 16/3, thị trường chứng khoán Mỹ lại bị bán tháo, các chỉ số chính sụt giảm 10%).

Rất khó để đưa ra đáp án chính xác cho câu hỏi trên. Các nhà phân tích, nhà đầu tư trên thị trường chỉ có thể quan sát tình hình, so sánh với những lần sụp đổ của thị trường chứng khoán trước đây, và cảnh giác với những vấn đề về tài sản đảm bảo mà gần như chắc chắn sẽ xuất hiện.

Trong quá khứ, chỉ có sự sụp đổ của thị trường của thời kì "Ngày thứ Hai đen tối" năm 1987 và sự hoảng loạn trong suy thoái tài chính năm 2008 mới sánh được với những được đợt bán tháo ồ ạt hiện nay.

Tâm lí nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hiện nay có nét tương đồng với sự hoảng loạn trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2011, giai đoạn sau vụ khủng bố 11/9 và thời kì cuối của thị trường giá xuống sau đổ vỡ bong bóng công nghệ cuối năm 2002. 

Liệu thị trường chứng khoán đã trở về giá trị thực? - Ảnh 2.

Xem xét nhiều phương pháp khác nhau (tỉ lệ số chứng khoán được giao dịch với giá thấp hơn đường trung bình di động 200 ngày (MA200), qui mô biến động trung bình của các chỉ số chứng khoán, các biện pháp phòng hộ chứng khoán giảm giá khẩn cấp) chỉ ra rằng diễn biến của thị trường chứng khoán tuần trước giống với những sự kiện xảy ra trong giai đoạn gần cuối một cú sốc thị trường ban đầu.

Xáo trộn hoàn toàn

Theo CNBC, hôm 13/3, chuyên gia tư vấn Larry McMillan của hãng McMillan Analysis cho biết: "Thị trường đang trong tình trạng xáo trộn hoàn toàn. Tôi đã mua bán chứng khoán trong suốt giai đoạn thị trường sụp đổ năm 1987 và cuộc suy thoái toàn cầu 2008, nhưng tình hình hiện tại thậm chí còn tồi tệ hơn lúc đó".

Tình cảnh hiện nay tồi tệ hơn cả những lần sụp đổ thị trường trong quá khứ ở chỗ: các mức chỉ số thường có thể kìm hãm đà lao dốc của thị trường chứng khoán trong quá khứ giờ đây lại trở nên vô dụng. 

Các đợt bán tháo dữ dội tương phản hoàn toàn với những lần thị trường đi lên mạnh mẽ, khi các chỉ số thiết lập các mức tăng kỉ lục.

Biểu đồ của hãng nghiên cứu Bespoke Investment về số lượng các cổ phiếu được giao dịch với mức giá cao hơn giá đóng cửa ngày hôm trước trong 20 ngày minh họa các điều kiện tiêu cực đã góp phần tạo ra phiên tăng điểm mạnh nhất của Dow Jones trong lịch sử hôm 13/3.

Liệu thị trường chứng khoán đã trở về giá trị thực? - Ảnh 3.

Kể cả trong trường hợp thị trường đang ở gần cuối giai đoạn cú sốc ban đầu với đặc điểm là thanh khoản bốc hơi nhanh chóng và sự sợ hãi tăng cao, điều này cũng không có nghĩa đáy của thị trường đã được thiết lập và thị trường sắp bình yên trở lại.

Nhưng nếu lịch sử lặp lại, điều này có thể có nghĩa rằng phần lớn thiệt hại đã qua đi.

Sau đỉnh điểm các đợt bán tháo cuối năm 1987, 2002 và mùa thu 2008, thị trường chứng khoán lại biến động mạnh, kiểm tra đáy, cuối cùng, các chỉ số chứng khoán tiếp tục sụt giảm trong những tháng tiếp theo.

Thông thường, trong giai đoạn này thị trường sẽ có những phiên tăng điểm mạnh rồi sụt xuống nhanh chóng, thanh khoản được giải phóng mà không có dấu hiệu nào báo trước, các dự đoán lộn xộn dựa trên bằng chứng là những thiệt hại của nền kinh tế khiến thị trường lao dốc.

Nhìn từ một số góc độ, dù chỉ số S&P 500 có phục hồi 10% so với mức bây giờ thì cũng không có nghĩa gì hơn là chứng khoán Mỹ mới bật tăng chút ít từ trạng thái quá bán, lấy lại một nửa những đã mát từ lần lao dốc gần đây.

Thị trường "mỏng manh"

Chứng khoán Mỹ hiện nay rất dễ tổn thương và cần đến các biện pháp thích hợp từ chính phủ.

Trong tình hình hiện tại, chiến lược giao dịch của nhiều nhà đầu tư được xây dựng dựa trên những mối quan hệ giữa tài sản tài chính và thị trường thông thường đã trở nên sai lệch.

Mối quan hệ cốt yếu nhất đã bị làm cho méo mó liên quan đến cổ phiếu, trái phiếu Kho bạc Mỹ và trái phiếu doanh nghiệp.

Trong phiên sụt giảm lịch sử ngày 12/3, S&P 500 sụt giảm 9,5%; nhà đầu tư bán ra mọi thứ. Ngay cả trái phiếu Kho bạc Mỹ - vốn được coi là "hầm tránh bão" khi nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu– cũng giảm giá.

Hiện tượng trên phần nào phản ánh "cơn sốt" thanh lí mọi tài sản để chuyển thành tiền mặt của nhà đầu tư. Trong tuần trước, lượng tiền đổ vào các quĩ thị trường tiền tệ tăng vọt.

Nhưng mối tương tác giữa cổ phiếu và trái phiếu Kho bạc còn bị đảo lộn bởi sự rút lui của các quĩ đầu tư lớn sử dụng chương trình giao dịch tự động. Các quĩ này đã mua vào trái phiếu Kho bạc bằng tiền vay để phòng hộ cho những cổ phiếu đang nắm giữ, dựa trên nhận định rằng lỗ từ chứng khoán sẽ được bù đắp bởi sự tăng giá của trái phiếu Kho bạc .

Tuy nhiên do lợi suất trái phiếu Kho bạc đã gần chạm mức 0%, giá của chúng khó có thể tiếp tục tăng để bù đắp cho lỗ từ cổ phiếu được nữa. Kết quả, những quĩ đầu tư này đã chọn cách đơn giản là bán ra cả cổ phiếu lẫn trái phiếu Kho bạc. Sau khi Fed bất ngờ hạ lãi suất về 0% chiều Chủ nhật 15/3, lợi suất trái phiếu Mỹ lại tiếp tục giảm sâu.

Tín dụng doanh nghiệp có lẽ sẽ là mặt trận khó khăn nhất trong thời điểm này. Tuần trước, các nhà đầu tư đã thể hiện mối lo ngại mới về khả năng thanh toán nợ của các công ty trong một vài ngành.

Chênh lệch rủi ro giữa trái phiếu rác và trái phiếu cấp đầu tư lên đến mức cao nhất trong nhiều năm, giữa bối cảnh các công ty buộc phải dùng đến khoản vay khẩn cấp từ ngân hàng.

Sau 11 năm tăng trưởng, cơ cấu tài sản – nguồn vốn của các doanh nghiệp Mỹ hiện nay không được thiết kế để chống chọi với sụt giảm doanh thu mạnh liên tiếp trong nhiều tháng. 

Và nhà đầu tư cũng không nên kì vọng về khả năng này. Đó là lí do thị trường chứng khoán đang nóng lòng chờ đợi động thái từ Cục dự trữ liên bang và Quốc hội Mỹ để đảm bảo sẽ hỗ trợ cho một số ngành trước trở ngại bất ngờ đối với hoạt động kinh doanh.

Nhà đầu tư nên định giá chứng khoán bằng cách nào?

Việc định giá thị trường chứng khoán lúc này giống như việc đi lại mò mẫm giữa làn sương dày đặc. Trong ngưỡng thấp nhất ngày 12/3, P/E dự phóng của S&P 500 rơi xuống còn 14 lần, gần với mức đáy trong năm 2018.

Tuy nhiên, các dự báo lợi nhuận hiện tại có thể đang quá cao so với triển vọng thực tế cho tương lai. Mỉa mai thay, sự phục hồi của thị trường hôm 13/3 đã tăng thêm một điểm cho tỉ số P/E dự phóng đó.

Không thể phủ nhận rằng chứng khoán Mỹ đã được nhà đầu tư định giá một cách hào phóng khi còn ở mức đỉnh. Còn hiện tại, khó có thể nhận định được đâu mới là giá trị cốt lõi của thị trường.

Nhưng chắc chắn rằng giá trị thực sự của thị trường đang dần xuất hiện, sau khi gần 10.000 tỉ USD vốn hóa toàn thị trường đã bị thổi bay chỉ trong chưa đầy một tháng. 

Giá cổ phiếu của hầu hết mọi công ty đều đã bị sụt giảm, bất kể mức định giá trước đó là đúng hay sai. Liệu đây đã là kết thúc hay mới chỉ là điểm khởi đầu?

Rất nhiều nhà quan sát sẽ nói rằng lịch sử không giúp ích gì trong việc tìm hiểu thị trường sẽ hành động như thế nào trong tương lai gần. Và tất nhiên, các chi tiết cụ thể sẽ rất khó đoán định, với một phần nền kinh tế thế giới hiện đại đang bị phong tỏa.

Nhưng các cuộc chiến tranh thế giới, cú sốc giá dầu, khủng bố tấn công tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới New York và đóng băng thị trường tài chính trên toàn thế giới cũng đều là những sự kiện chưa từng có tiền lệ.

Nhưng cách con người phản ứng đối với hiểm họa, và cách thị trường tài chính "tiêu hóa" sự không chắc chắn thường đi theo những khuôn mẫu cũ.

Giang