|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dow Jones giảm thêm 1.000 điểm, chứng khoán Mỹ có tuần tệ hại nhất kể từ khủng hoảng 2008

22:26 | 28/02/2020
Chia sẻ
Sau khi lao dốc liên tục từ thứ Hai đến thứ Năm, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm mạnh ngay đầu phiên thứ Sáu (28/2) trong bối cảnh dịch virus corona lan rộng đến nhiều quốc gia như New Zealand hay Nigeria, làm nhà đầu tư thêm lo lắng về tác động của dịch bệnh tới kinh tế toàn cầu.

Theo CNBC, khi thị trường vừa mở cửa phiên 28/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất hơn 800 điểm, tương đương hơn 3%. Chỉ số S&P 500 giảm 2,7% trong khi Nasdaq Composite mất khoảng 3%.

Ít phút sau, Dow Jones hồi phục chỉ còn giảm khoảng 400 điểm nhưng rồi lại lao dốc giảm trên 1.000 điểm.

Dow Jones giảm thêm 1.000 điểm, chứng khoán Mỹ có tuần tệ hại nhất kể từ khủng hoảng 2008 - Ảnh 1.

Biến động chỉ số chứng khoán Mỹ đầu phiên 28/2. Nguồn: Bloomberg.

Dòng tiền rời khỏi cổ phiếu tiếp tục chảy sang thị trường trái phiếu, đẩy giá trái phiếu lên cao và lợi suất xuống thấp. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm chạm đáy mới 1,18% - mức thấp chưa từng thấy trong lịch sử.

Trong 24 giờ qua có thêm hai quốc gia công bố dịch virus corona (covid-19) là New Zealand và Nigeria, trong đó Nigeria là quốc gia châu Phi đầu tiên có dịch. Hàn Quốc ghi nhận thêm 571 ca nhiễm mới, nhiều hơn con số 327 ca nhiễm mới của Trung Quốc.

Cổ phiếu nhạy cảm với tăng trưởng kinh tế toàn cầu - Caterpillar là thành viên giảm mạnh nhất chỉ số Dow Jones với tỉ lệ hơn 3%. Apple sụt 2,9% trong khi Chevron và Cisco cùng giảm trên 2%.

Trước đó vào phiên 27/2 trong bối cảnh nhiều lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch virus corona (covid-19) tại Mỹ, Dow Jones mất 1.191 điểm, đánh dấu phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử 124 năm của chỉ số này. 

Kết phiên 27/2, cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều đã rơi vào vùng điều chỉnh, tức là giảm hơn 10% từ đỉnh gần nhất. Đáng chú ý, chỉ số S&P 500 đã rơi từ đỉnh lịch sử xuống vùng điều chỉnh chỉ trong vòng 6 phiên giao dịch - khoảng thời gian ngắn kỉ lục.

Bà Liz Ann Sonders – Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab nhận định: "Trước đây thị trường tăng sốc bao nhiêu thì bây giờ giảm sâu bấy nhiêu, quán tính của thị trường quá lớn. Các quĩ đầu cơ, chương trình giao dịch bằng thuật toán, rồi các quĩ định lượng: Tất cả đều giao dịch dựa theo quán tính của thị trường".

Ông Patrick Hennessy, Trưởng phòng giao dịch tại IPS Strategic Capital nhận định: "Nhiều nhà đầu tư thích bắt đáy và kì vọng thị trường sẽ sớm hồi phục sau một phiên giảm sâu, nhưng chiến lược này có thể dẫn tới nhiều hậu quả đau đớn khi thị trường giảm sâu bất thường như hiện nay. Không ai biết thị trường còn xuống đến khi nào".

Tính từ đầu tuần đến hết phiên thứ Năm (27/2), cả Dow Jones và S&P 500 đều giảm hơn 10,5%. Nếu không hồi phục trong phiên cuối tuần 28/2, các chỉ số này sẽ ghi nhận tuần giao dịch thê thảm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Dow Jones giảm thêm 1.000 điểm, chứng khoán Mỹ có tuần tệ hại nhất kể từ khủng hoảng 2008 - Ảnh 2.

Chỉ số S&P 500 đã thủng hai ngưỡng kĩ thuật quan trọng là đường xu hướng 2 năm và đường bình quân trượt 100 ngày.

Các cổ phiếu du thuyền Norwegian Cruise Line và hàng không American Airlines nằm trong nhóm giảm sâu nhất chỉ số S&P 500 khi đều mất trên 20% và rơi vào thị trường giá xuống (thị trường gấu) trong chưa đầy một tuần. Cổ phiếu khách sạn – sòng bài Las Vegas Sands cũng giảm hơn 10% so với đầu tuần.

Đây đều là những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề nhất khi một dịch bệnh như covid-19 xảy ra vì người dân hạn chế đến nơi tụ tập đông người và tránh những chuyến đi xa không thực sự cần thiết để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Apple, Microsoft, Paypal, Coca-Cola, Nike, Procter & Gamble, ... đều dự đoán kết quả kinh doanh sẽ sụt giảm hoặc không đạt kế hoạch đề ra trước đó do hoạt động kinh tế trì trệ vì dịch virus corona.

Nhà phân tích của Goldman Sachs thì cảnh báo lợi nhuận của giới doanh nghiệp Mỹ nói chung trong năm 2020 sẽ không có tăng trưởng.

Song Ngọc