Một tuần đáng nhớ với những đêm không ngủ của chứng khoán Mỹ: Chỉ cần sống sót là may
Sau phiên thứ Sáu (28/2), chỉ số S&P 500 đã có 7 phiên giảm điểm liên tiếp – chuỗi đi xuống dài nhất kể từ năm 2016. Tính cả tuần qua, S&P 500 mất gần 11%, đánh dấu lần thứ 5 chỉ số này giảm hai chữ số trong một tuần kể từ năm 1940, đây cũng là cú rơi từ đỉnh xuống vùng điều chỉnh nhanh nhất trong lịch sử.
Tương tự, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đỏ lửa toàn bộ 5 phiên của tuần qua, trong đó có ba phiên mất trên 1.000 điểm, sụt giảm tổng cộng 3.600 điểm. Chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu cũng sụt hơn 10% trong tuần qua, ghi nhận tuần giảm mạnh thứ hai trong lịch sử.
Tính trong 6 phiên giao dịch gần đây, theo thống kê của Bloomberg và S&P Dow Jones Indices, thị trường chứng khoán toàn cầu đã mất khoảng 6.000 tỉ USD vốn hóa. Riêng thị trường chứng khoán Mỹ bay hơi khoảng 3.200 tỉ USD trong tuần qua.
Để so sánh, tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế Nhật Bản trong năm 2019 là khoảng 5.100 tỉ USD.
Nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu vốn dĩ đã chịu nhiều áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thì nay lại phải hứng thêm đòn đau từ dịch virus corona (covid-19). Thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn, trường học đóng cửa, hàng loạt sự kiện lớn bị hủy bỏ … tất cả đã làm cho triển vọng kinh tế thế giới thêm u ám.
Khi covid-19 mới bùng lên ở Trung Quốc hồi đầu tháng 1, nhiều người còn hi vọng dịch này sẽ sớm qua đi và hoạt động kinh tế sẽ nhanh chóng trở lại bình thường. Giờ đây hi vọng này đã tan thành mây khói.
Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc quả đúng đã lắng dịu nhưng nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Italy, Iran lại nổi lên thành điểm nóng mới. Số ca nhiễm mới ở các quốc gia ngoài Trung Quốc hiện chiếm khoảng 3/4 tổng số ca nhiễm mới toàn cầu.
Trao đổi với Reuters, bà Quincy Krosby, Giám đốc chiến lược thị trường tại Prudential Financial nhận định: "Chừng nào nhà đầu tư còn chưa tin tưởng rằng kịch bản bi quan nhất đã qua đi thì chừng đó tâm lí chính trên thị trường vẫn là tránh xa rủi ro".
Quả thực trong tuần qua, dòng tiền sau khi rút khỏi cổ phiếu đã chảy sang các tài sản được cho là an toàn hơn như trái phiếu hay vàng. Giá trái phiếu vốn dĩ đã cao lại càng bị đẩy lên cao hơn khiến lợi suất liên tục phá đáy lịch sử (giá và lợi suất biến động ngược chiều).
Trao đổi với Bloomberg hôm thứ Sáu (28/2), ông John Moore, Giám đốc giao dịch tại quĩ Berkeley Capital Wealth Management nói: "Nhà đầu tư trên thị trường hiện nay chỉ mong sống sót chứ không dám mơ đến lợi nhuận. Đêm qua tôi đã không ngủ rồi và đêm nay chắc cũng vậy. Nhưng cuối tuần sắp đến, hi vọng là mọi chuyện sẽ ổn thỏa".
Các nhà giao dịch và phân tích thị trường trên toàn thế giới vẫn đang phải vất vả làm việc bở hơi tai để chuẩn bị cho diễn biến thị trường tuần sau.
Ông John Moore tại Berkeley Capital cho biết ông không cố gắng mua bán gì trong giai đoạn này vì không ai đoán được thị trường sẽ đi về đâu. Thay vào đó, ông và các đồng nghiệp chủ yếu chỉ cập nhật thông tin cho khách hàng, đảm bảo nguồn vốn trong các tài khoản và đợi cơn bão qua đi.
Những đêm dài không ngủ
Ông John Moore không phải là người duy nhất thiếu ngủ vì diễn biến thị trường tuần qua. Tại công ty môi giới phái sinh Futures First, chuyên viên phân tích nghiên cứu Rishi Mishra cho biết một số đồng nghiệp của anh đã làm việc liên tục 27 giờ đồng hồ không ngủ. Đối với những người mới vào nghề, đây là dịp hiếm gặp.
"Nhiều người trong chúng tôi chưa từng trải qua những ngày khủng hoảng của năm 2008 và do vậy tuần vừa rôi là một trải nghiệm đáng nhớ mà có lẽ chúng tôi sẽ kể lại cho con cháu mình", anh Rishi Mishra trao đổi với Bloomberg.
Thực tế trên thị trường chứng khoán Mỹ, ngày càng xuất hiện nhiều phép so sánh tình hình hiện nay với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Và thực tế là các thị trường chứng khoán Âu - Mỹ vừa có tuần giảm sâu nhất kể từ năm 2008 khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ.
Ông Mark Nash, Giám đốc đầu tư trái phiếu tại Merian Global Investors chia sẻ: "Trong một cuộc khủng hoảng ngân hàng, dòng tín dụng bị thắt chặt. Tình hình hiện nay cũng thê thảm không kém vì nhu cầu của nền kinh tế cắm đầu lao dốc. Các cuộc đại dịch nguy hiểm ngang với khủng hoảng ngân hàng và chính trị".
Giới quan sát đang ngày càng kì vọng sự bất ổn của thị trường tài chính và tác động kinh tế của dịch virus corona sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất khẩn cấp lần đầu tiên kể từ năm 2008.
Mệt người, mệt óc
Một số nhà giao dịch từ nhiều năm nay đã phàn nàn về việc thị trường quá êm đềm, ít biến động. Đối với số ít này, tuần đỏ lửa vừa qua có thể là cơ hội mà lướt sóng được mong đợi bấy lâu. Tuy nhiên với đa số nhà đầu tư, việc thị trường lật mặt nhanh như người yêu cũ - từ liên tiếp lập đỉnh sang lao dốc kỉ lục – là một đòn bất ngờ và đau điếng.
"Tuần vừa qua làm chúng tôi thực sự mệt mỏi về cả thể chất và tinh thần, toàn thân rã rời như say rượu mãi không tỉnh", ông Ricardo Gil, Giám đốc phân bổ tài sản tại Trea Asset Management ở Madrid chia sẻ với Bloomberg. "Điện thoại reo liên tục, họp hành triền miên, vậy mà chúng tôi luôn có cảm giác là mình đang tụt lại so với thị trường vì biến động xảy ra quá nhanh, quá đột ngột. Sự sợ hãi tràn lan và phản ứng lúc nào cũng thái quá".
Ông Ricardo Gil không phải là người duy nhất cho rằng thị trường đã hoảng loạn quá mức. Ngày 27/2, các nhà chiến lược thị trường tại Bank of America cho biết các mô hình định lượng của ngân hàng này cho thấy thị trường chứng khoán Âu-Mỹ đang ở trạng thái "cực kì quá bán" (extremely oversold) và rằng khi chỉ số S&P 500 rơi về vùng 2.800-3.040 là lúc nhà đầu tư có thể bắt đầu mua vào trở lại.
Kết phiên thứ Sáu (28/2), S&P 500 dừng ở 2.954 điểm.
Trong khi các nhà đầu tư như ông Gil tìm kiếm cơ hội với kì vọng thị trường sẽ hồi phục vào tháng 3, chỉ có thời gian mới có thể trả lời chính xác liệu kì vọng này có trở thành hiện thực hay không. Cho đến lúc đó, các nhà giao dịch, nhà đầu tư và nhà phân tích vẫn sẽ bị mắc kẹt trong cơn bão thị trường và sẽ phải trải qua nhiều ngày quên ăn, đêm quên ngủ nữa.
Ông Zoeb Sachee, Giám đốc giao dịch trái phiếu châu Âu của Citigroup chia sẻ: "Chắc mọi người đều biết, tình hình đang khá căng thẳng".