Dow Jones giảm kỉ lục gần 1.200 điểm, chứng khoán Mỹ rơi vào vùng điều chỉnh giữa những hoảng loạn về dịch virus corona
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1.190,95 điểm, tương đương 4,42%, kết phiên ở 25.766,64 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng mất lần lượt 4,42% và 4,61%.
Tính theo số điểm, đây là phiên giảm sâu nhất của Dow Jones trong lịch sử 124 năm của chỉ số này. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite thì có phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 8/2011. Phiên 27/2 cũng là lần đầu S&P 500 đóng cửa dưới 3.000 điểm kể từ tháng 10 năm ngoái.
Tính theo tỉ lệ %, đây là phiên giảm sâu thứ 8 trong lịch sử chỉ số Dow Jones.
CNBC dẫn lời ông Tom Hainlin, Chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại quĩ Ascent Private Capital Management nhận định: "Chúng tôi đang cực kì thận trọng trong ngắn hạn. Không có ai thực sự là chuyên gia về loại virus corona này. Chúng tôi chưa từng trải qua trường hợp thế này trong sự nghiệp đầu tư của mình".
Sau phiên giảm sâu 27/2, cả ba chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều rơi vào vùng điều chỉnh, tức là giảm trên 10% tính từ đỉnh gần nhất. Dow Jones chỉ mất 10 phiên để rơi từ đỉnh lịch sử thiết lập ngày 12/2 xuống vùng điều chỉnh. Hiện nay, Dow Jones đang cách đỉnh hơn 12%.
S&P 500 và Nasdaq thì vừa lập đỉnh tuần trước. Theo thống kê của CNBC, S&P 500 chỉ mất 6 phiên để rơi vào vùng điều chỉnh, kỉ lục nhanh nhất trong lịch sử chỉ số này.
Tính riêng trong 4 phiên giao dịch của tuần này, Dow Jones đã mất hơn 11% còn S&P 500 giảm 10,8%. Nếu không cải thiện trong phiên cuối tuần, cả hai chỉ số sẽ ghi nhận tuần giao dịch tệ hại nhất kể từ năm 2008.
Trưa 26/2 tại Mỹ, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) đã ghi nhận một trường hợp nhiễm virus corona (covid-19) ở phía bắc bang California. Điều đáng ngại là bệnh nhân này chưa từng đến Trung Quốc hay bất kì điểm nóng về dịch nào khác, cũng chưa từng tiếp xúc với các bệnh nhân dương tính với virus corona.
Hiện nay các chuyên gia của CDC vẫn không biết chính xác người dân California này nhiễm bệnh qua con đường nào.
Ca bệnh bí ẩn này nâng tổng số trường hợp dương tính với covid-19 tại Mỹ lên con số 60, đa phần trong số này là công dân Mỹ nhiễm bệnh trên du thuyền Diamond Princess sau đó được sơ tán về nước. Mỹ chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào vì covid-19.
Hôm 27/2, ông Gavin Newsom, Thống đốc bang California cho biết bang này đang theo dõi 8.400 người có khả năng nhiễm virus corona. Tuy nhiên California cũng đang gặp khó khăn vì hiện chỉ có khoảng 200 bộ dụng cụ xét nghiệm và đang đợi được cung cấp thêm.
Apple, Intel và Exxon Mobil nằm trong nhóm cổ phiếu lao dốc mạnh nhất chỉ số Dow Jones phiên 27/2, tất cả cùng giảm ít nhất 6%. Cổ phiếu các hãng sản xuất chip AMD và Nvidia sụt lần lượt 7,3% và 5,6%.
Cổ phiếu các hãng hàng không American Airlines và United Airlines giảm tương ứng 7,7% và 2,4%. Các cổ phiếu khách sạn – sòng bạc Las Vegas Sands và MGM Resorts cũng mất lần lượt 1,3% và 4,5%.
Nhà đầu tư sau khi tháo chạy khỏi cổ phiếu đã dồn tiền vào mua trái phiếu chính phủ Mỹ, đẩy lợi suất kì hạn 10 năm xuống đáy mới dưới 1,25%, lợi suất kì hạn 30 năm cũng xuống đáy lịch sử. Lợi suất giảm đồng nghĩa với giá trái phiếu tăng.
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng trấn an các nhà đầu tư tại một cuộc họp báo diễn ra vào chiều 26/2 theo giờ Mỹ (sáng 27/2 giờ Việt Nam).
Cụ thể, ông Trump một lần nữa khẳng định rủi ro của dịch virus corona đối với người dân Mỹ vẫn là "rất thấp", chính phủ Mỹ "đang kiểm soát tốt tình hình" đã chuẩn bị các phương án đối phó phù hợp cho mọi tình huống.
Ông Trump còn giao quyền cho Phó Tổng thống Mike Pence chỉ đạo các nỗ lực ứng phó với dịch virus corona ở Mỹ. Về thị trường chứng khoán, Tổng thống Trump cho rằng tuy tâm lí thị trường bị ảnh hưởng bởi thông tin về dịch bệnh nhưng nền kinh tế - đặc biệt là khu vực tiêu dùng của Mỹ vẫn rất mạnh mẽ, ông dự đoán thị trường sẽ sớm phục hồi.
Dịch virus corona khởi phát đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hồi đầu năm 2020. Đến nay khi tình hình ở Trung Quốc tạm lắng dịu (thể hiện qua số ca nhiễm mới ít đi) thì dịch lại bùng lên ở Hàn Quốc với hơn 1.700 ca dương tính và 13 trường hợp tử vong. Tại châu Âu, Italy là ổ dịch lớn nhất với hơn 400 ca bệnh và 14 trường hợp tử vong.
Toàn thế giới hiện nay đã ghi nhận 82.456 ca bệnh và 2.811 ca tử vong, trong đó riêng Trung Quốc đại lục có 78.497 trường hợp nhiễm và 2.744 người chết.
Để hạn chế dịch bệnh lây lan, chính quyền Trung Quốc đã cách li hàng chục thành phố, ảnh hưởng đến đi lại của hàng trăm triệu người dân. Nhiều nhà máy của Trung Quốc chưa thể nối lại hoạt động bình thường sau kì nghỉ Tết kéo dài do không có đủ nhân công và nguyên vật liệu. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.
Nhiều doanh nghiệp ở Mỹ đã cảnh báo về nguy cơ không hoàn thành mục tiêu kinh doanh đã đề ra trước đó như Apple, Microsoft, Paypal, … Kết phiên 27/2, cổ phiếu Microsoft sụt 7,1%.
Ông David Kostin, Giám đốc chiến lược thị trường chứng khoán Mỹ tại ngân hàng Goldman Sachs mới đây nhận định: "Doanh nghiệp Mỹ sẽ không thể tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020".
"Chúng tôi hạ dự báo lợi nhuận doanh nghiệp để phản ánh sự suy giảm nghiêm trọng hoạt động kinh tế ở Trung Quốc trong quí I, nhu cầu với các nhà xuất khẩu Mỹ đi xuống, chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp Mỹ đứt gãy, hoạt động kinh tế ở Mỹ chậm lại và tâm lí bất an của doanh nghiệp.