|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones giảm phiên thứ 4 liên tiếp, sụt mạnh nhất trong hơn một năm

07:01 | 05/04/2024
Chia sẻ
Dow Jones ghi nhận phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp và sâu nhất kể từ tháng 3/2023 khi giá dầu tăng vọt và thị trường lo ngại Fed sẽ chưa vội cắt giảm lãi suất.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 5/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 530 điểm, tương đương 1,35% và đóng cửa ở mức 38.597 điểm. Chỉ số này đã trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2023 và ghi nhận ngày giảm điểm thứ 4 liên tiếp. 

Dow Jones vừa trải qua 4 phiên giảm điểm liên tiếp. 

S&P 500 sụt 1,23% xuống còn 5.147 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,4%, chốt phiên ở mức 16.049 điểm.

Cả ba chỉ số chính đều đảo chiều giảm mạnh vào cuối phiên, mất hơn 2% so với mức cao nhất trong ngày. Giữa mức cao nhất và thấp nhất trong ngày, chỉ số Dow Jones ghi nhận chênh lệch hơn 860 điểm. 

Cả ba chỉ số chính đều giảm sâu. 

Giá dầu thô tăng vọt vào giữa trưa ngày 4/4 (theo giờ địa phương), trùng khớp với đợt đảo chiều của chứng khoán. Dầu WTI vượt 86 USD/thùng để đạt mức cao nhất kể từ tháng 10, làm dấy lên lo ngại rằng giá năng lượng góp phần đẩy nhanh lạm phát. 

Tương tự như xu hướng chung trên thị trường, cổ phiếu VinFast (VFS) giảm 1,8% xuống 4,36 USD/cp, tiếp tục là mức thấp nhất kể từ khi lên sàn. Vốn hóa của công ty giảm xuống còn 10,2 tỷ USD. 

Chiều ngày 4/4, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Minneapolis là ông Neel Kashkari đặt câu hỏi rằng liệu Fed có nên cắt giảm lãi suất hay không nếu lạm phát vẫn cao. Gần đây, một loạt các quan chức Fed đều cảnh báo nên thận trọng về chính sách. 

Lợi suất trái phiếu tiếp tục được duy trì ở mức cao. 

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã quay đầu tăng sau những nhận định của ông Kashkari. Cuối ngày 4/4, lợi suất ở mức 4,305%, giảm so với mức đỉnh 4,429% ghi nhận vào ngày 3/4.

Trước đó, Chủ tịch Jerome Powell khẳng định Fed vẫn còn dư địa để hạ lãi suất trong năm nay nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn cần thêm bằng chứng khẳng định lạm phát đang quay về mức mục tiêu 2%. 

Ông Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư tại CFRA Research, cho biết: “Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi và quan sát. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm là động lực chính cho thị trường vì lo ngại của Fed ám chỉ rằng cơ quan này không vội cắt giảm lãi suất”.

Ông Stovall cho biết thêm rằng thị trường vẫn còn quá đắt đỏ vì S&P 500 đang giao dịch ở mức cao hơn 33% so với trung bình dài hạn. “Tôi nghĩ đây là vấn đề thời gian trước khi thị trường điều chỉnh...”, ông nói.

Tất cả các nhóm cổ phiếu đều giảm điểm trong phiên 4/4. 

Từ đầu tuần đến nay, S&P 500 đã đi lùi khoảng 2%, phiên 3/4 ngày chìm trong sắc đỏ. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones mất khoảng 3% còn Nasdaq Composite giảm 2%.

Báo cáo việc làm tháng 3 sẽ được công bố vào ngày 5/4. Các nhà kinh tế kỳ vọng số lượng việc làm sẽ tăng thêm 200.000, cùng với tỷ lệ thất nghiệp là 3,8%.

Vào tháng 2, thị trường lao động Mỹ đã tạo thêm 275.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp đạt 3,9%. Một báo cáo việc làm quá nóng có thể thúc đẩy lợi suất trái phiếu lên cao hơn nữa và gây áp lực buộc Fed duy trì lãi suất cao. 

Minh Quang

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.