Dow Jones giảm 4 phiên liên tiếp, S&P 500 và Nasdaq Composite có tuần tệ nhất kể từ tháng 3
Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 22/9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 107 điểm, tương đương 0,31% và đóng cửa với 33.964 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,23%, chốt phiên với 4.320 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,09%, kết thúc phiên với 13.212 điểm.
Phiên 22/9 đánh dấu ngày giảm điểm thứ 4 liên tiếp của cả ba chỉ số chính. Đây là kết quả khi các nhà đầu tư phản ứng với tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay và lãi suất sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đã mất lần lượt 2,9% và 3,6% trong tuần này. Theo đó, cả hai chỉ số chính vừa trải qua tuần tồi tệ nhất từ tháng 3 cũng như thiết lập chuỗi giảm điểm kéo dài ba tuần. Trong khi đó, Dow Jones cũng đã mất 1,9% trong tuần này.
Cổ phiếu VinFast (VFS) tiếp tục giảm nhẹ 0,76% xuống còn 15,63 USD/cp. Khối lượng giao dịch trong phiên đạt 2,2 triệu đơn vị, bằng 1/3 so với mức trung bình.
VinFast mới công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 cho thấy doanh thu tăng trưởng gấp 4 lần, đạt hơn 334 triệu USD trong khi các khoản lỗ được thu hẹp. Vốn hóa của công ty đạt 36,2 tỷ USD, đứng vị trí thứ 15 trong danh sách những hãng xe lớn nhất thế giới.
Cổ phiếu Ford chốt phiên tăng 1,9% sau khi một nguồn tin tiết lộ với CNBC rằng gã khổng lồ ô tô đã đạt được tiến bộ trong những cuộc đàm phán với Nghiệp đoàn Công nhân Ô tô Mỹ (UAW). Cổ phiếu của Stellantis nhích nhẹ, trong khi cổ phiếu của General Motor đi xuống.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc đã tăng vọt sau khi Fed dự báo có thêm một đợt nâng lãi suất trong năm nay. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đã vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2007 trong tuần này. Trong khi đó, lợi suất cho kỳ hạn 2 năm chạm đỉnh kể từ năm 2006.
Ông Charlie Ripley, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Allianz Investment Management, nhận định: “Diễn biến này đã khiến các nhà đầu tư phải chú ý. Nhà đầu tư đang dần quen với mức lãi suất cao hơn và tác động của chúng đối với các tài sản rủi ro trong tương lai”.
Mối lo ngại cũng gia tăng xoay quanh khả năng chính phủ Mỹ đóng cửa. Đây là diễn biến có thể làm giảm niềm tin người tiêu dùng và khiến nền kinh tế chậm lại hơn nữa. Vào ngày 21/9, các lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã không thể thông qua dự luật tài trợ quốc phòng.
Ông Jamie Cox, đối tác quản lý tại Harris Financial, nhận định: “Các nhà đầu tư đang lo lắng về khả năng chính phủ Mỹ đóng cửa”.