Dow Jones có lúc tăng gần 500 điểm rồi lại đóng cửa trong sắc đỏ, chứng khoán Mỹ hồi phục bất thành
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết phiên giảm 123,77 điểm (hay 0,46%) và tụt xuống dưới mốc 27.000. Đầu phiên, có lúc chỉ số này tăng tới hơn 460 điểm (tức 1,7%).
Chỉ số S&P 500 kết phiên mất 0,38% dù trước đó tăng 1%. Nasdaq Composite có lúc tăng 2% nhưng cũng đi xuống dần, đóng cửa chỉ còn tăng 0,17%.
Cộng với mức giảm hơn 1.900 điểm của hai phiên trước, tính chung ba phiên đầu tuần này Dow Jones đã sụt trên 2.000 điểm, thủng các mốc 29.000, 28.000 và 27.000.
Disney là cổ phiếu giảm mạnh nhất chỉ số Dow Jones khi mất hơn 3% sau tin CEO Bob Iger từ chức để làm chủ tịch điều hành. Hai thành phần của Dow Jones khác là các đại gia dầu khí Exxon Mobil và Chevron cùng mất hơn 2%.
Với chỉ số S&P 500, nhóm năng lượng, tiện ích và bất động sản dẫn đầu đà xuống của chỉ số. Cổ phiếu năng lượng giảm gần 3% trong khi các nhóm tiện ích và bất động sản cùng mất hơn 0,8%.
Theo CNBC, các nhà đầu tư có vẻ như mua, bán một cách giật cục sau mỗi tin tức mới về tình hình dịch virus corona lây lan bên ngoài Trung Quốc và nguy cơ tác động tới tăng trưởng toàn cầu. Tốc độ biến động của thị trường cho thấy nhiều khả năng đây là các giao dịch được thực hiện bằng thuật toán máy tính tự động.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm giảm xuống còn 1,3% - mức thấp chưa từng thấy trong lịch sử - sau khi giao dịch quanh 1,36% đầu phiên.
Lợi suất đi xuống trong phiên 26/2 sau khi Bloomberg News dẫn lời một quan chức của Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết dịch virus corona đang có nguy cơ trở thành đại dịch.
Trao đổi với CNBC, ông David Bianco, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Mỹ của công ty quản lí tài sản DWS nói: "Tôi cho rằng thị trường sẽ rơi vào điều chỉnh toàn diện. Dịch virus corona này có ảnh hưởng đáng kể tới triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp và nhiều khả năng lợi nhuận năm nay sẽ chỉ đi ngang".
Về tình hình dịch corona ở nước ngoài, trong ngày 26/2 Hàn Quốc ghi nhận thêm 169 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 1.146, trong đó có một binh sĩ Mỹ đóng quân ở Hàn Quốc.
Ở Italy - ổ dịch lớn nhất châu Âu, số ca nhiễm là 325. Ngoài khu vực phía bắc như những ngày đầu, bệnh cũng đã xuất hiện ở các khu vực khác của Italy. Trung Quốc công bố thêm 406 ca nhiễm bệnh và 52 trường hợp tử vong.
Tại Mỹ, Tổng thống Trump đăng tweet cho biết ông sẽ tổ chức họp báo vào lúc 18h ngày 26/2 theo giờ Mỹ (tức sáng sớm 27/2 theo giờ Việt Nam) để nói về dịch virs corona.
Trong hai phiên giảm sâu 24-25/2, chỉ số S&P 500 đã bốc hơi 1.700 tỉ USD vốn hóa. Trong ba phiên đầu tuần, chỉ số này đã mất tổng cộng 6,3%.
Chỉ số biến động Cboe đo lường tâm lí lo sợ của nhà đầu tư giao dịch quanh 28,4 điểm trong phiên 26/2, gần mức cao kỉ lục hồi tháng 12/2018.
Nhà đầu tư tỉ phú Jeffrey Gundlach – CEO của DoubleLine Capital thì cho rằng đợt bán tháo gần đây là hệ quả của việc Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders vươn lên dẫn trước các ứng viên Đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ 2020.
"Thị trường đang nhận định xác suất ông Sanders nhận được đề cử của Đảng Dân chủ là 50%. Mấy ngày qua, ông Sanders càng được lòng cử tri thì thị trường càng đi xuống, và việc thị trường đi xuống lại càng giúp ông Sanders vươn lên trong các cuộc khảo sát vì lập luận phản đối nền kinh tế thị trường của ông được củng cố", tỉ phú Jeffrey Gundlach trao đổi với CNBC.