Sau phiên lao dốc hơn 1.000 điểm, Dow Jones sụt tiếp gần 900 điểm, 1.700 tỉ USD vốn hóa bay hơi sau hai ngày
Theo CNBC, nhiều nhân tố kết hợp đã làm nhà đầu tư hoảng loạn và đẩy chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones từ xanh sang đỏ, trong đó phải kể đến việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm rơi xuống đáy lịch sử và phát biểu của quan chức y tế cảnh báo khả năng dịch bệnh bùng phát tại Mỹ.
Kết phiên 25/2, Dow Jones sụt 879,44 điểm, tương đương 3,15%, còn 27.081 điểm. Đầu phiên có lúc chỉ số này tăng hơn 180 điểm. Trước đó vào phiên 24/2, Dow Jones đã sụt hơn 1.030 điểm. Đây là lần đầu tiên chỉ số này có hai phiên liên tiếp giảm trên 800 điểm.
Chỉ số S&P 500 cũng sụt trên 3% phiên thứ hai liên tiếp. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,8% và đóng cửa dưới ngưỡng 9.000 điểm và dưới mức khởi đầu năm 2020.
Theo thống kê của S&P Dow Jones Indices, chỉ số S&P 500 đã mất 1.700 tỉ USD vốn hóa sau hai ngày bán tháo 24-25/2.
Ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty chứng khoán National Securities nhận định: "Biến động là chuyện bình thường của thị trường. Điều đáng sợ ở đây là sự lao dốc từ đỉnh lịch sử này xảy ra quá nhanh và đột ngột".
"Cộng thêm tâm lí 'chúng ta không biết tình hình sẽ tồi tệ đến đâu', nhà đầu tư có thể có cảm giác thị trường giảm không biết khi nào mới là đáy", ông Hogan nói thêm.
Giữa tháng 2 này, các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn còn đồng loạt lập đỉnh lịch sử mới. Hiện nay Dow Jones và S&P 500 đã thấp hơn khoảng 8% so với đỉnh mấy ngày trước. Chỉ số Nasdaq Composite hiện ở dưới đỉnh ngày 19/2 khoảng 8,9%.
Các cổ phiếu công nghệ như Apple và Facebook đã rơi hơn 10% khỏi đỉnh và hiện ở trong vùng điều chỉnh.
Trong phiên 25/2, thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu đi xuống khi các quan chức của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) cảnh báo người dân Mỹ hãy chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống dịch virus corona bùng phát trong nước.
"Chúng tôi mong toàn thể người dân Mỹ hãy hợp tác với chúng tôi để chuẩn bị cho kịch bản tình hình dịch bệnh xấu đi", Tiến sĩ Nancy Messonnier, một quan chức cấp cao của CDC nói với các phóng viên qua điện thoại.
Thị trường chứng khoán tiếp tục đi xuống ngay cả sau khi Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow khẳng định dịch virus corona đến nay vẫn đang được kiểm soát tốt ở Mỹ và tăng trưởng kinh tế chưa bị ảnh hưởng đáng kể.
Nhà đầu tư cũng lo ngại khi diễn biến trên thị trường trái phiếu cho thấy tăng trưởng kinh tế thế giới có nguy cơ chậm lại. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm giảm còn 1,33%, mức thấp chưa từng thấy trong lịch sử. Lợi suất kì hạn 30 năm cũng rơi xuống đáy lịch sử. Lợi suất giảm đồng nghĩa với giá trái phiếu tăng.
Lợi suất đi xuống cũng tạo áp lực lên cổ phiếu ngân hàng. Bank of America mất 5% trong khi JP Morgan giảm 4,5%; Citigroup và Wells Fargo sụt lần lượt 4,3% và 2,7%.
Dịch virus corona lan rộng ngoài Trung Quốc, nguy cơ bùng phát ở Mỹ
Dịch virus corona khởi phát ở Trung Quốc trong những ngày đầu năm 2020 hiện đã lan sang gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo thống kê của South China Morning Post (SCMP), Hàn Quốc đang là ổ dịch lớn thứ hai thế giới (chỉ sau Trung Quốc) với 977 ca xác nhận nhiễm và 11 ca tử vong.
Tại châu Âu, Italy là nước có tình hình dịch nghiêm trọng nhất với 323 ca xác nhận nhiễm và 11 ca tử vong. Iran cũng đã ghi nhận 95 người nhiễm và 16 trường hợp tử vong.
Mỹ hiện nay ghi nhận 53 trường hợp nhiễm virus corona, khá nhỏ so với các quốc gia khác, và chưa có ca nào tử vong. Tuy nhiên một nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Jefferies cho rằng số ca nhiễm có thể sẽ tăng lên, ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lí nhà đầu tư.
"Chúng tôi thấy việc số ca ghi nhận nhiễm dịch ở Mỹ thấp như hiện nay là rất khó tin. Nhìn vào lượng người Trung Quốc, Hàn Quốc và Iran đến Bắc Mỹ, nguy cơ dịch bùng phát trong cộng đồng người Mỹ sẽ ngày càng cao", ông Simon Powell đến từ Jefferies nhận định. "Nếu tình huống này không được xử lí tốt, thị trường sẽ hoảng loạn".
Hãng dịch vụ tài chính Mastercard đã phải đưa ra cảnh báo về tác động của dịch virus corona tới kết quả kinh doanh năm 2020. Kết phiên 25/2 cổ phiếu này giảm hơn 6%.
Ông Ryan Detrick, chuyên gia cao cấp tại LPL Financial nhận định: "Số ca nhiễm bệnh tăng vọt tại nhiều quốc gia cuối tuần qua đã khiến nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đánh giá lại dự báo tăng trưởng trong năm 2020".
Nhiều nhà phân tích đã bắt đầu cắt giảm ước tính lợi nhuận quí I. Dữ liệu do công ty nghiên cứu thị trường The Earnings Scout tổng hợp cho thấy các nhà phân tích dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp S&P 500 quí I sẽ giảm 0,1%. Đầu tháng này, giới phân tích còn kì vọng lợi nhuận sẽ tăng trưởng 2,5%.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/