|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền từ NĐT cá nhân thoát dần khỏi các cổ phiếu nhóm ngân hàng, chứng khoán vừa tăng nóng

07:00 | 16/06/2021
Chia sẻ
Thị trường rung lắc khi VN-Index tiệm cận vùng cản trên của chỉ số. Kết phiên, VN-Index tăng 5,64 điểm (0,41%) lên 1.367,36 điểm. Chiều bán chiếm ưu thế trong xu hướng của NĐT cá nhân với giá trị khớp lệnh hơn 300 tỷ đồng. VPB bất ngờ vươn lên thành mã bị bán ròng nhiều nhất với giá trị bán ròng khớp lệnh 264,8 tỷ đồng.

Thị trường rung lắc, NĐT cá nhân đảo chiều bán ròng

Phiên giao dịch 15/6 chứng kiến sự giằng co của thị trường trước những nhịp biến động tăng giảm. Sau khi rung lắc mạnh trong phiên sáng, thị trường dần hồi phục vã diễn biến tích cực trong phiên chiều. 

Kết phiên, VN-Index ghi nhận thêm 5,64 điểm (0,41%) lên 1.367,36 điểm, HNX-Index giảm 0,22% còn 318,29 điểm, UPCoM-Index tăng 0,05% lên mức 88,87 điểm.

Giá trị giao dịch toàn sàn đạt 32.290 tỷ đồng, tăng 2,1% so với phiên liền trước. Trong đó, giá trị giao dịch tính riêng trên sàn HOSE đạt 24.132 tỷ đồng. Độ rộng thị trường thu hẹp với 183 mã tăng giá, 198 mã giảm giá và 63 mã đứng giá tham chiếu trên sàn HOSE.

Điểm sáng trong giao dịch ngày hôm nay là nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp. Sắc xanh lan tỏa với nhiều mã tăng giá mạnh như NTC (7,7%), LHG (6,1%), SZL (5,1%), SIP (5%), SZC (4,9%)... Ngoài ra, các mã IDC, KBC, GVR, D2D chốt phiên tăng kịch trần.

Phiên 15/6: NĐT cá nhân chuyển bán ròng hơn 300 tỷ đồng mặc VN-Index tiếp tục tăng điểm - Ảnh 1.

Mua bán ròng khớp lệnh theo nhóm nhà đầu tư. (Nguồn: Fiinpro.)

Diễn biến theo nhóm nhà đầu tư có phần đảo chiều so với trước đó. NĐT cá nhân trở thành nhóm bán ròng duy nhất trong khi tự doanh, khối ngoại và các tổ chức trong nước đều duy trì trạng thái mua ròng. Đặc biệt, nhóm NĐT nước ngoài mua ròng 115 tỷ đồng với 188 tỷ đồng mua ròng khớp lệnh. Giao dịch khối ngoại tập trung nhiều vào các mã trong giỏ chỉ số ETFs.

Ở chiều ngược lại, NĐT cá nhân bán ròng 147 tỷ đồng, trong đó bán ròng khớp lệnh 318 tỷ đồng. Xu hướng giao dịch của NĐT cá nhân nhìn chung khá đối ứng với khối ngoại, đặc biệt là giao dịch tại nhóm bất động sản.

Dòng tiền vào nhóm bất động sản bất ngờ đảo chiều

Phiên 15/6: NĐT cá nhân chuyển bán ròng hơn 300 tỷ đồng mặc VN-Index tiếp tục tăng điểm - Ảnh 2.

Thống kê giao dịch khớp lệnh của NĐT cá nhân theo nhóm ngành. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.)

Mặc dù là nhóm dẫn dắt thị trường, bất động sản lại là nhóm cổ phiếu bị NĐT cá nhân "xả" mạnh nhất trong phiên 15/6. Giá trị bán ròng khớp lệnh riêng tại nhóm này đạt 332,4 tỷ đồng, áp đảo lực bán tại toàn bộ những nhóm cổ phiếu còn lại. 

So với phiên 10/6, dòng tiền của các cá nhân trong nước vào cổ phiếu bất động sản gần như đảo chiều khi giảm 192,5%. Đây cũng là nhóm duy nhất ghi nhận giá trị bán ròng khớp lệnh trên 100 tỷ đồng trong phiên.

Xu hướng bán ròng cũng được ghi nhận tại 12/18 ngành, tập trung vào nhóm dịch vụ tài chính, ngân hàng. Giá trị bán ròng khớp lệnh lần lượt là 62,9 tỷ đồng và 24,3 tỷ đồng. Có thể thấy, giao dịch tại 2 nhóm này đã "hạ nhiệt" hơn khá nhiều sau giai đoạn tăng phi mã vừa qua.

Ở chiều mua vào, lực mua chủ yếu hướng vào nhóm cổ phiếu hóa chất, công nghệ thông tin và xây dựng & vật liệu. Tuy vậy, dòng tiền vào có phần lép vế hơn khi chỉ có 6/18 ngành ghi nhận giá trị mua ròng.

VPB áp đảo trên bảng xếp hạng bán ròng

Phiên 15/6: NĐT cá nhân chuyển bán ròng hơn 300 tỷ đồng mặc VN-Index tiếp tục tăng điểm - Ảnh 3.

Top cổ phiếu NĐT cá nhân mua bán ròng mạnh nhất trong phiên. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.)

Thống kê giao dịch theo cổ phiếu, VPB (VPBank) là mã bị NĐT cá nhân xả hàng nhiều nhất với giá trị bán ròng khớp lệnh lên đến 264,8 tỷ đồng. Theo ghi nhận trên sàn HOSE, VPB cũng là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến các chỉ số trên sàn. Chỉ riêng mã này đóng góp tới 2,7 điểm cho đà giảm của VN-Index. 

Điều này được lý giải bởi sự thận trọng của nhà đầu tư trước diễn biến tăng "nóng" của nhóm cổ phiếu ngân hàng kể từ đầu năm, đặc biệt VPB đã tăng tới 105%. Đóng cửa phiên giao dịch, cổ phiếu VPB dừng ở 67.000 đồng/cp, giảm 5,5% so với phiên trước đó, tiệm cận mức giảm sàn.

Bên cạnh VPB, một số đại diện khác thuộc nhóm ngân hàng và dịch vụ tài chính đều nằm trong danh mục "thoát" hàng của NĐT cá nhân. Điển hình phải kể đến STB (49,9 tỷ đồng), VCI (36,3 tỷ đồng), SSI (26,8 tỷ đồng).

Theo sau VPB, ba cổ phiếu họ Vingroup là VHM, VRE và VIC cũng liên tục bị bán ròng. Mặc dù nằm trong Top10 mã ảnh hưởng tích cực tới đà hồi phục của VN-Index phiên hôm nay, 3 cổ phiếu nêu trên đồng loạt bị NĐT cá nhân bán ròng với giá trị dưới 100 tỷ đồng.

Ở chiều mua, KDC (Kinh Đô), MBB (MBBank), CTG (Vietinbank) là ba đại diện duy nhất ghi nhận giá trị vào ròng trên 100 tỷ đồng trong phiên. Giá trị vào ròng lần lượt tại 3 cổ phiếu trên là 131,1 tỷ đồng, 105,4 tỷ đồng và 102,4 tỷ đồng. 

Theo ghi nhận trong phiên, giao dịch KDC tương ứng với khối ngoại khi cổ phiếu này bất ngờ bị NĐT nước ngoài xả mạnh với giá trị lên tới 323,1 tỷ đồng.

Tuy bán ròng nhóm cổ phiếu bất động sản, KBC (74,7 tỷ đồng), CII (22,8 tỷ đồng) và GVR (22 tỷ đồng) là những đại diện nổi bật nằm trong danh mục mua ròng của NĐT cá nhân. Đáng chú ý, việc dự báo HOSE có thể sẽ thêm GVR vào danh mục VN30 trong kỳ cơ cấu quý III đã đẩy thị giá GVR bất ngờ tăng mạnh. Kết phiên, cả KBC và GVR đều tăng trần và trắng bên bán.

Thảo Bùi