|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Làn sóng doanh nghiệp địa ốc phát hành cổ phần (Bài 2): Lớn nhỏ đều hào hứng, từ Novaland, FLC, Vinaconex… đến những công ty thua lỗ

20:00 | 15/06/2021
Chia sẻ
Trong khi các doanh nghiệp quy mô lớn lựa chọn việc phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ có kết quả kinh doanh thua lỗ "chuộng" hình thức chào bán riêng lẻ. Giá cổ phiếu của các đơn vị chào bán riêng lẻ tăng mạnh khi được đồn thổi về "game" phát hành.

Doanh nghiệp lớn với câu chuyện phát hành cho cổ đông hiện hữu

Làn sóng doanh nghiệp địa ốc phát hành cổ phần (Bài 2): Lớn nhỏ đều hào hứng, từ Novaland, FLC, Thaiholdings, Vinaconex… đến những công ty thua lỗ - Ảnh 1.

Doanh nghiệp địa ốc dự thu nghìn tỷ đồng từ phát hành cổ phần. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Như đã đề cập trong bài viết trước đó, kênh huy động vốn từ phát hành cổ phần là sự lựa chọn của cả những "ông lớn" trên sàn cho đến những công ty có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí có những cái tên hoàn toàn xa lạ với giới đầu tư.

Khởi đầu cho làn sóng huy động vốn từ phát hành cổ phần trong năm nay là Địa ốc No Va (Novaland, mã: NVL). Ngay trong tháng 1, Novaland phát hành gần 77,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 59.200 đồng/cp. Số tiền 4.600 tỷ đồng được công ty sử dụng để mở rộng quỹ đất, hoạt động đầu tư, kinh doanh dự án bất động sản.

Đợt phát hành đầu năm nay đánh dấu lần đầu Novaland huy động vốn từ cổ đông hiện hữu kể từ khi niêm yết trên sàn HOSE vào ngày 28/12/2016.

Nhưng kế hoạch phát hành "khủng" nhất phải kể đến CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC, mã: VEF) – công ty con của Tập đoàn Vingroup (mã: VIC).

Theo đó, VEFAC sẽ phát hành hơn 1,1 tỷ cổ phiếu với mức giá 10.000 đồng/cp. Số tiền hơn 11.000 tỷ đồng thu về sẽ được sử dụng để thực hiện Dự án Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc Gia, dự án Đông Anh và dự án Mễ Trì.

Năm 2021, Tập đoàn FLC (mã: FLC) trở lại với phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu. FLC sẽ phát hành 497 triệu cổ phần, dự thu gần 5.000 tỷ đồng. Khi đó, công ty dùng khoảng 4.500 tỷ đồng để đầu tư thực hiện loạt dự án, đáng kể nhất là Dự án FLC Quảng Bình, Khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh (Hạ Long, Quảng Ninh) và Sân golf Đak Đoa (tỉnh Gia Lai).

Trước đó vào năm 2019, Tập đoàn FLC phải hủy phương án phát hành do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản không thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng. Phía FLC cũng đánh giá thị trường chứng khoán diễn biến không thuận lợi ảnh hưởng đến kết quả chào bán.

Điểm mặt những cái tên lên phương án phát hành với quy mô nghìn tỷ đồng trong năm nay còn có Thaiholdings (mã: THD), Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (mã: TCH), Tổng công ty IDICO (mã: IDC), Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Điện lực (mã: EIN) hay Vinaconex (mã: VCG).

Với phương án đưa ra, Thaiholdings sẽ thu về 3.300 tỷ đồng từ đợt phát hành. Công ty sử dụng 1.600 tỷ đồng để mua toàn bộ 160 triệu cổ phiếu mới phát hành thêm của CTCP Enclave Phú Quốc. Theo tìm hiểu, Enclave Phú Quốc chuyên về phát triển bất động sản thuộc Thai Group, hiện thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng Enclave Phú Quốc với quy mô 350 ha.

Không chỉ với các doanh nghiệp quy mô lớn, các công ty bất động sản quy mô vừa và nhỏ cũng lên phương án huy động từ phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu để thực hiện các dự án bất động sản. Đơn cử, Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, mã: CRE) sẽ bán 91,2 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp, dự kiến thu về 912 tỷ đồng để cơ cấu tài chính và phát triển dự án.

Hay với "tân binh" của sàn HOSE là Bất động sản An Gia (mã: AGG), câu chuyện huy động vốn từ sàn chứng khoán cũng thu hút ban lãnh đạo công ty. Dự kiến An Gia sẽ phát hành gần 83 triệu cp với giá tối thiểu 10.000 đồng/cp để mở rộng quỹ đất tại Bình Dương.

Nhóm công ty quyết định tăng vốn thông qua bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu còn có Đầu tư IDJ Việt Nam (mã: IDJ), Everland (mã: EVG), Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (mã: TIG), Địa ốc Firrst Real (mã: FIR) và Phục Hưng Hoding (mã: PHC).

Làn sóng doanh nghiệp địa ốc phát hành cổ phần (Bài 2): Lớn nhỏ đều hào hứng, từ Novaland, FLC, Thaiholdings, Vinaconex… đến những công ty thua lỗ - Ảnh 2.

Nhóm doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, làm ăn thua lỗ hào hứng với câu chuyện phát hành riêng lẻ trong năm 2021. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Nhóm quy mô mỏ, làm ăn thua lỗ lên kế hoạch chào bán riêng lẻ

Nếu như các công ty lớn, niêm yết lâu năm trên sàn hay có kết quả kinh doanh tương đối khởi sắc chọn hình thức phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn hay bức tranh kinh doanh không mấy sáng sủa lại lựa chọn chào bán riêng lẻ.

Theo thống kê, Đất Xanh có kế hoạch phát hành riêng lẻ với giá trị lớn nhất trong năm nay. Cụ thể, doanh nghiệp này sẽ chào bán 200 triệu cổ phiếu với giá tối thiểu 20.000 đồng/cp, tương đương số tiền 4.000 tỷ đồng.

Hai doanh nghiệp khác dự kiến thu về nghìn tỷ đồng từ chào bán riêng lẻ trong năm nay là Nam Long (mã: NLG) và DIC Corp (mã: DIG). Tổng giá trị chào bán riêng lẻ của hai đơn vị này là 1.850 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng.

Ngoài những cái tên kể trên, nhiều công ty trong lĩnh vực bất động sản lên phương án chào bán riêng lẻ với quy mô 100 – 500 tỷ đồng trong năm nay như Tasco (mã: HUT), Khách sạn Đông Á (mã: DAH), Tập đoàn Tiến Bộ (mã: TTB), Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (mã: NVT), Việt Tiên Sơn Địa ốc (mã: AAV).

Danh sách công ty chào bán riêng lẻ còn được nối dài với nhiều cái tên khác. Tuy vậy, một đặc điểm chung của nhóm này là giá cổ phiếu vừa trải qua giai đoạn tăng nóng, kết quả kinh doanh thua lỗ. Đáng chú ý hơn, không ít cổ phiếu lọt "danh sách đen" của các nhà đầu tư vì từng trải qua giai đoạn giảm sốc với chuỗi phiên giảm sàn.

Phần lớn doanh nghiệp lựa chọn chào bán riêng lẻ vì không đáp ứng tiêu chuẩn về chào bán cổ phiếu ra công chúng. Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 15 Luật Chứng khoán 2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, "hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán".

Ngay với điều kiện trên, Đất Xanh không thể đáp ứng vì lỗ 495 tỷ đồng trong năm tài chính 2020. Nhóm doanh nghiệp thua lỗ còn có Khách sạn Đông Á, Tasco.

Lý do khác có thể xuất phát từ điều kiện "cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư phải đạt tối thiểu là 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán" (điểm b, khoản 2, Điều 15 Luật Chứng khoán 2019). Việc thu hút các nhà đầu tư tham gia cổ phần để đáp ứng tỷ lệ trên là bài toán khó nhiều doanh nghiệp, bởi không chỉ nằm ở kết quả kinh doanh mà còn ở khâu quan hệ nhà đầu tư, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, minh bạch trong công bố thông tin… 

Tuy vậy, một thực tế trên sàn lại cho thấy không ít cổ phiếu trên sàn được ví như "xác chết sống dậy" và tăng giá nhiều lần khi giới đầu tư đồn thổi với "game" phát hành. Đà tăng nóng của những mã này để lại không ít rủi ro cho các nhà đầu tư. Hay với câu chuyện phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tại sao những chủ doanh nghiệp lớn lại ưa thích phương án này cũng là một câu hỏi được quan tâm. 

Những góc khuất phía sau câu chuyện phát hành cổ phần sẽ được đề cập trong bài viết tiếp theo.

Lợi Hoàng