|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dòng tiền từ chứng khoán sắp quay trở về bất động sản?

13:55 | 15/10/2021
Chia sẻ
Đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào bất động sản tăng nhanh khiến nhiều nơi xảy ra tình trạng sốt đất. Thời gian gần đây, do giãn cách xã hội nên dòng tiền không trực tiếp chảy vào bất động sản mà tập trung vào chứng khoán. Liệu từ nay đến cuối năm, dòng tiền đầu tư sẽ lại quay trở lại với bất động sản?
Dòng tiền từ chứng khoán sắp quay trở về bất động sản? - Ảnh 1.

Dòng tiền từ chứng khoán dự báo sắp quay trở về bất động sản. (Ảnh minh họa: Khải An).

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 9/2021, nhà đầu tư trong nước mở mới 114.810 tài khoản, giảm gần 6.000 tài khoản so với tháng 8. Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới của khối ngoại tiếp tục giảm về mức thấp nhất kể từ đầu năm.

Tuy nhiên, tính tổng cộng trong nửa đầu năm nay, số tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam tăng thêm gần 1 triệu tài khoản, cao gấp 2,4 lần so với con số đạt được trong cả năm 2020.

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group đánh giá, con số này minh chứng cho việc các nhà đầu tư đang không biết để tiền vào đâu để vừa an toàn vừa sinh lời. Trong khi lãi suất tiền gửi ngân hàng chỉ phổ biến trong khoảng 3 - 4%, thậm chí còn thấp hơn lạm phát (khoảng 4,7% - 5%). Như vậy để tiền trong ngân hàng tức là mất tiền.

Vàng và USD là thị trường toàn cầu, rất khó điều tiết cục bộ. Do đó, biên sinh lời cũng không cao, theo ông Tuyển. Còn hoạt động sản xuất kinh doanh thì không được ưu tiên đầu tư do trước mắt vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

"Vậy là dòng tiền liên tục đổ vào kênh chứng khoán (trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ) và bất động sản. Cuối cùng, người ta thường thích bán chứng khoán để mua bất động sản, chứ ít ai bán bất động sản để mua chứng khoán. Do đó, có thể khẳng định: bất động sản là kênh được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất vì tính an toàn và sinh lời của nó", ông Tuyển cho hay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, hiện nay, một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào bất động sản tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá. Dù kinh tế khó khăn do dịch COVID-19 nhưng nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao. Càng trong lúc dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn.

Đáng chú ý, từ đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào bất động sản tăng nhanh, nhiều nơi đã xảy ra tình trạng sốt đất. Nhu cầu đầu tư vào bất động sản trước khi dịch COVID-19 bùng phát chiếm đến 75%.

"Các tháng tháng gần đây, do giãn cách xã hội nên dòng tiền không trực tiếp chảy vào bất động sản mà tập trung vào chứng khoán. Nhưng sau đó, dòng tiền sẽ lại quay trở về với bất động sản, tìm một nơi trú ẩn an toàn", vị này nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, lại không am hiểu về chứng khoán sẽ có xu hướng rót vào bất động sản, kênh đầu tư vốn luôn được đánh giá là an toàn, bền vững trong dài hạn. 

Ông Quốc Anh cho rằng, tâm lý nhà đầu tư với thị trường bất động sản hiện tại vẫn là tin tưởng vào sự phục hồi.

Phân tích mới đây của CTCP Chứng khoán SSI cũng cho thấy, dòng tiền đầu tư từ khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang có xu hướng giảm sút, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong suốt hai tháng qua.

Trong quý III vừa qua, chỉ số VN-Index đã giảm gần 4,8% xuống còn 1.342 điểm tại ngày chốt tháng 9.

Đầu tư vào đâu?

Báo cáo quý III của Batdongsan.com cho thấy, mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản ghi nhận sự sụt giảm khá mạnh do diễn biễn phức tạp của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư kéo dài. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đang có tâm lý chờ đợi và thận trọng.

Chủ tịch BHS Group nhận định, đây không phải là thời kỳ các nhà đầu tư mạo hiểm đổ tiền vào các sản phẩm phi bất động sản hay nói cách khác là bất động sản không an toàn (không đầy đủ pháp lý, nhỏ lẻ, không/chưa có khả năng khai thác) và kỳ vọng lãi cao, rồi sẵn sàng mất vốn hoặc chôn vốn.

Bởi hiện nay có một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư là dân "không chuyên", họ không muốn mạo hiểm. Còn dân chuyên nghiệp thì luôn biết, nền kinh tế còn yếu, nên việc đầu tư để lời gấp hai gấp ba là rất khó, trong khi rủi ro cao.

Thay vào đó, họ sẽ đầu tư theo hướng an toàn hơn trong giai đoạn này và đầu tư vào các sản phẩm có thanh khoản, có thị trường để có thể rút chân ra khỏi thị trường nếu muốn.

"Do đó, tôi cho rằng, những sản phẩm của các chủ đầu tư lớn, có quy mô lớn, pháp lý đầy đủ sẽ được chú ý. Ngoài ra, nếu các dự án có hạ tầng hoàn thiện, có khả năng vận hành và khai thác sớm sẽ là những sản phẩm được săn lùng. Và có lẽ, thị trường bất động sản sẽ còn tốt và thời điểm này là tốt nhất trong vài năm tới. Hy vọng những ai đang tham gia vào thị trường (chủ đầu tư, khách hàng, các đơn vị bán hàng) đều sẽ gặp được nhau và gia tăng giá trị cho nhau", ông Tuyển nói.

Hà Lê

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...