Ông Trịnh Văn Quyết: 'Thị trường bất động sản những tháng cuối năm sẽ cực kỳ khởi sắc'
Tại tọa đàm trực tuyến chủ đề "Bất động sản Việt Nam: Bình thường mới - Nhu cầu mới - Xu thế mới" do VnExpress tổ chức chiều 6/10, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho biết, từ năm 2020 đến nay, các ngành nghề trong đó có bất động sản nghỉ dưỡng và hàng không chịu thiệt hại nặng nề nhất trên thị trường.
"Với FLC, những gì xấu nhất đã qua trong năm 2020. Dù chịu ảnh hưởng rất lớn nhưng FLC vẫn kiểm soát được tình hình. Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, dòng tiền đều bị đứt gãy. Nhưng chúng tôi luôn dự phòng những tình huống xấu nhất. Năm 2020 chúng tôi không bị khủng hoảng bất cứ ngành nghề nào như bất động sản nghỉ dưỡng, hàng không", ông Quyết nói.
Chủ tịch FLC chia sẻ thêm, tập đoàn chưa bay nhiều và chưa có điều kiện tiếp cận các thị trường màu mỡ trong khi các hãng hàng không trong nước một tuần có thể bay đến 600 chuyến sang Trung Quốc. Thay vào đó, Bamboo Airways đi theo thị trường ngách và khai thác những thị trường mới như Mỹ, Séc, Pháp, Anh,...
Tương tự với bất động sản, ông Quyết cho biết, từ hàng chục năm trước, thị trường đã có nhiều tên tuổi lớn. Do đó, FLC không thể chỉ làm ở Hà Nội và TP HCM.
"Nếu làm ở Hà Nội và TP HCM thì FLC không thể có thương hiệu như ngày hôm nay và không thể đuổi kịp các doanh nghiệp đi trước. Do đó, sau giai đoạn khủng hoảng của thị trường, chúng tôi đã lựa chọn một phân khúc khác là bất động sản nghỉ dưỡng và phải đi tìm những nơi xa hơn, làm những dự án có quy mô lớn", Chủ tịch FLC cho hay.
Nói về bất động sản, ông Quyết cho biết, năm 2020 là một năm thị trường chịu nhiều tác động tiêu cực, hết dịch bệnh lại đến tháng Ngâu. Tuy nhiên, ngay tháng Ngâu năm ngoái, thị trường vẫn "sốt xình xịch".
Vị này lấy ví dụ, ngay tháng Ngâu năm ngoái, dự án FLC Tropical Hà Khánh (Hạ Long) đã giúp FLC thu về khoảng 8.000 tỷ đồng.
'Thị trường bất động sản những tháng cuối năm sẽ cực kỳ khởi sắc, tạo tiền đề cho sự bùng nổ vào năm 2022. Vừa qua, khi hết giãn cách theo Chỉ thị 16 ở Hà Nội, các giao dịch trở nên sôi động, diễn ra cả ban đêm, tình trạng này trong lúc dịch bệnh không diễn ra. Đây là một hiệu ứng tốt", Chủ tịch FLC dự báo.
Cũng theo vị này, ngành bất động sản vẫn có một số câu chuyện liên quan đến thủ tục hành chính dẫn đến việc khan hiếm dự án mới. Rất nhiều dự án đắc địa, thanh khoản tốt nhưng vẫn vướng thủ tục pháp lý.
Đơn cử, dự án Khu công nghiệp Hoàng Long rộng khoảng 450 ha ở vị trí tiếp giáp TP Thanh Hóa của FLC mấy năm nay không thể tiến hành vì phải chờ quy hoạch chung của thành phố. Trong vòng hơn hai năm qua, dự án mới đang dừng ở khâu lấy ý kiến các bộ ngành.
Thủ tục khiến dự án phải mất 3 - 5 năm mới xong. Bên cạnh đó, dịch bệnh bùng phát, cơ quan hành chính hạn chế gặp người dân khiến nhiều thủ tục bị đình trệ.
Ông Quyết cho rằng, tâm lý chung của người Việt luôn muốn sở hữu bất động sản, nhiều người có tiền sẽ nghĩ đến mua đất, mua nhà. Song, ông khuyên các nhà đầu tư bất động sản, ở đâu có thanh khoản, có nhiều người quan tâm và có thông tin minh bạch thì đầu tư, không nên chạy theo cơn sốt. Bởi rất nhiều nơi sốt xong sẽ trầm lắng suốt nhiều năm. Còn nếu là nhà đầu tư cá nhân, chỗ nào thấy "sốt" nên bán ngay.