|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 15/3: Tự doanh cùng tổ chức trong nước bán ròng hơn 500 tỷ đồng, tâm điểm nhóm ngân hàng và BĐS

08:06 | 15/03/2021
Chia sẻ
Trong phiên cuối tuần qua, trong khi NĐT cá nhân ghi nhận phiên mua ròng thứ 16 liên tiếp, khối tự doanh và NĐT tổ chức trong nước bán ròng hơn 500 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu ngân hàng và bất động sản.

NĐT cá nhân tiếp tục mua ròng phiên thứ 16 liên tiếp, gom mạnh cổ phiếu FPT

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước (12/3), VN-Index giảm 0,17 điểm (0,01%) còn 1.181,56 điểm, HNX-Index tăng 0,14% lên 273,91 điểm, UPCoM-Index giảm 0,01% xuống 80,33 điểm.

Về thanh khoản của thị trường, tổng khối lượng giao dịch phiên trước đó đạt hơn 861,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 18.023 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch trên sàn HOSE trong phiên đạt trên 14.852 tỷ đồng.

Trong các bên tham gia thị trường, NĐT cá nhân mua ròng 763 tỷ đồng, trong đó 739 tỷ đồng là mua ròng qua khớp lệnh. Theo đó, trong 16 ngày mua ròng liên tiếp, họ đã mua ròng 12.202 tỷ đồng qua khớp lệnh.

Như vậy sự đối ứng của NĐT cá nhân trong nước và NĐT nước ngoài vẫn tiếp diễn, thêm cả lực bán ròng của tổ chức trong nước.

Top mua ròng của nhà đầu tư cá nhân gồm FPT, TCB đối ứng với tổ chức trong nước và tự doanh và VNM, VCB, PLX đối ứng với cả 3 nhóm nước ngoài, tự doanh và tổ chức trong nước.

FPT là mã nổi lên dẫn đầu mua ròng của nhà đầu tư cá nhân do lực bán của tổ chức trong nước tăng mạnh. Cụ thể, tổ chức trong nước bán ròng mã này 171 tỷ trong 5 ngày liên tiếp, và 200 tỷ trong 10 ngày liên tiếp.

Phía bán ròng, NĐT cá nhân bán cổ phiếu ngân hàng MBB, ACB, OCB và HPG, HCM.

Khối tự doanh xả trăm tỷ phiên cuối tuần nhưng mua ròng gần 200 tỷ đồng qua khớp lệnh

Thống kê giao dịch khối tự doanh phiên cuối tuần trước, nhóm này chuyển vị thế bán ròng 171 tỷ đồng với khối lượng 2,9 triệu đơn vị. Tuy nhiên nếu xét riêng giao dịch khớp lệnh, giá trị mua ròng của khối tự doanh là 197 tỷ đồng.

Dòng tiền thông minh 15/3: Tự doanh cùng tổ chức trong nước bán ròng hơn 500 tỷ đồng, tâm điểm nhóm ngân hàng và BĐS - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Top10 cổ phiếu chịu áp lực bán ròng, hai mã ngân hàng TCB và VPB lần lượt dẫn trước với giá trị 44 tỷ đồng và 35,2 tỷ đồng. Theo sau đó, khối tự doanh xả HPG (29 tỷ đồng), VND (18 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ FUEVFVND (17,5 tỷ đồng).

Ghi nhận giá trị bán ròng trên 10 tỷ đồng còn có cổ phiếu FPT (16 tỷ đồng), IJC (13,5 tỷ đồng) và MBB (12,9 tỷ đồng). Một số mã khác cùng chiều như STB và VIC.

Top10 cổ phiếu khối tự doanh rót vốn trong phiên, nổi bật có SBT với 30,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối này còn rót vốn vào VRC (17 tỷ đồng) và ACB (15 tỷ đồng).

Dòng vốn tự doanh trong phiên còn tìm đến cổ phiếu VHC, MWG, DXG, VHM, KDH, GMD và NLG tuy nhiên với giá trị mua ròng dưới 10 tỷ đồng.

Ngược lại, NĐT tổ chức trong nước cùng khối ngoại chưa dừng bán ròng

Diễn biến trái chiều, NĐT tổ chức trong nước tiếp tục bán ròng 348 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì nhóm này bán ròng 291 tỷ đồng.

Chịu áp lực bán ròng chủ yếu là cổ phiếu bất động sản (NLG, VIC, VHM, NVL), thực phẩm đồ uống (VNM, MSN), công nghệ (FPT). Trong khi đó, NĐT tổ chức trong nước mua ròng rất hạn chế nhòm tài nguyên cơ bản (HPG) và ngân hàng (MBB, ACB, VPB, CTG, OCB).

Về phía NĐT nước ngoài, khối ngoại chưa dừng bán ròng với quy mô tiếp tục giảm, ghi nhận chuỗi xả 16 phiên liên tiếp. Thống kê giao dịch phiên cuối tuần, khối ngoại bán ròng 277 tỷ đồng trong đó 250 tỷ đồng là bán ròng qua khớp lệnh.

Trong chuỗi bán ròng 16 phiên liên tiếp, NĐT nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 9.446 tỷ đồng qua khớp lệnh trên HOSE.

Cổ phiếu VNM vẫn đứng đầu top bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài nhưng quy mô bán ròng đã giảm còn 58 tỷ đồng. Mặt khác, cổ phiếu VCB, DGW và PLX là những tên mới xuất hiện trong top bán ròng. Phía mua ròng, dòng vốn ngoại tìm đến cổ phiếu HPG, VHM, PDR, VCI và chứng chỉ quỹ FUEVFVND.

Thu Thảo

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.