|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: BAB và OCB dẫn đầu tăng giá, hơn 174 triệu cổ phiếu SHB trao tay

19:05 | 14/03/2021
Chia sẻ
ACB và OCB là hai mã ngân hàng tăng giá mạnh nhất tuần qua, lần lượt ở mức 33,2% và 16,8%. Trong khi, SHB tiếp tục sở hữu thanh khoản cao nhất ngành ngân hàng với khối lượng giao dịch đạt hơn 174 triệu đơn vị.
z2378957390929_cd17c8680af3657f7e14b4a61c94ee4d.jpg

Một điểm giao dịch của Bac A Bank. (Ảnh: Quang Hưng)

BAB tăng hơn 33% trong tuần

Xu hướng tăng giá tiếp tục chiếm áp đảo tại nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần vừa qua (8/3 - 12/3). 

Tính chung trong 5 ngày giao dịch, có 21/25 cổ phiếu ngân hàng tăng giá. Trong đó, BAB tiếp tục là mã tăng giá mạnh nhất (+33,2%) với 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá.

Tuần trước, BAB cũng dẫn đầu ngành ngân hàng về tốc độ tăng giá khi vọt lên 25.000 đồng/cp từ mức tham chiếu 16.000 đồng khi lên sàn HNX vào ngày 3/3 (tương ứng tăng 56,3%).

Như vậy, chỉ sau 8 phiên giao dịch trên HNX, thị giá BAB đã tăng tổng cộng hơn 108% so với giá chào sàn và cao hơn 52% so với giá đóng cửa ngày giao dịch cuối cùng trên thị trường UPCoM (21.900 đồng/cp).

OCB cũng "bùng nổ'' trong tuần qua khi chốt ngày 12/3 mức 24.700 đồng/cp, tương ứng tỷ suất sinh lời 16,8% sau 5 phiên tăng giá liên tiếp.

Ngoài BAB và OCB, nhiều mã ngân hàng khác cũng có mức tăng giá trên 5% như SHB (+12%), ABB (+8,5%), SGB (+7,3%), VPB (+6,5%), KLB (+5,9%), MSB (+5,1%).

Ngược lại, chỉ có 4 mã ngân hàng giảm giá trong tuần với NVB giảm sâu nhất (-1,3%). Ba mã giảm giá còn lại gồm VCB (-0,6%), EIB (-0,5%) và CTG (-0,1%).

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: BAB và OCB dẫn đầu tăng giá, hơn 174 triệu cổ phiếu SHB trao tay - Ảnh 2.

Đóng cửa ngày 12/3, giá trị vốn hóa của 25 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM dừng ở xấp xỉ 1,415 triệu tỷ đồng, tăng gần 34.000 tỷ so với mức chốt tuần trước, tương ứng tăng 2,46%.

Trong tuần, vốn hóa VPBank tăng mạnh nhất ngành ngân hàng (hơn 6.600 tỷ), lên mức 109.236 tỷ đồng. 

Với đà leo dốc của thị giá, vốn hóa của Bac A Bank tăng thêm gần 5.900 tỷ đồng, ở mức 23.593 tỷ đồng. Tương tự, vốn hóa của OCB cũng tăng thêm gần 3.900 tỷ, đạt hơn 27.000 tỷ đồng.

Kết thúc tuần, Vietcombank tiếp tục sở hữu vốn hóa lớn nhất ngành, gấp hơn 2 lần BIDV và 2,5 lần VietinBank. Ngược lại, VietBank, PG Bank và Viet Capital Bank vẫn là ba ngân hàng vốn hóa thấp nhất, lần lượt ở mức 5.489 tỷ đồng, 4.800 tỷ đồng và 4.313 tỷ đồng.

159793690_203410351585414_8741075123103701730_n.png

Hơn 174 triệu cổ phiếu SHB được trao tay

Tuần qua có tổng cộng gần 926,2 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 23.973 tỷ đồng; tăng 8,8% về khối lượng và tăng 11,5% về giá trị so với tuần trước. 

Trong tuần, SHB tiếp tục sở hữu thanh khoản cao nhất ngành với khối lượng giao dịch đạt hơn 174 triệu đơn vị. Đây là tuần thứ ba liên tiếp SHB dẫn đầu thanh khoản ngành ngân hàng. 

Ngoài SHB thì ACB và STB cũng duy trì thanh khoản ở mức cao, lần lượt ở mức gần 150 triệu và hơn 117 triệu đơn vị.

MBB, TCB và LPB lần lượt đứng kế sau với khối lượng giao dịch đạt 87 triệu, 61,6 triệu và 57,4 triệu đơn vị.

Mặt khác, ACB đã vượt qua TCB về giá trị giao dịch trong tuần với 4.800 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần tuần trước. Thanh khoản ACB tăng mạnh nhờ sự đột biến trong phiên 10/3 với hơn 112 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương ứng giá trị gần 3.600 tỷ đồng.

Ngoài ACB, một loạt mã ngân hàng khác cũng sở hữu thanh khoản trên 2.000 tỷ đồng gồm SHB (2.920 tỷ đồng), TCB (2.439 tỷ đồng), MBB (2.421 tỷ đồng), STB (2.230 tỷ đồng), VPB (2.082 tỷ đồng).

159010684_189609259633403_3984107731306727410_n.png

Tuần qua chứng kiến sự gia tăng thanh khoản của 16/25 mã ngân hàng. Trong đó, khối lượng giao dịch của BAB đạt 38.800 cp, gấp gần 9 lần tuần trước.

Bên cạnh BAB thì SGB, NAB, ACB, ABB và KLB là những mã ngân hàng sở hữu thanh khoản gấp từ 2 đến 3 lần tuần trước.

Mặt khác, có tới 9 mã ngân hàng sụt giảm khối lượng giao dịch. Trong đó, thanh khoản PGB giảm gần 85%, xuống còn hơn 2,2 triệu cp.

Ngoài PGB thì VIB, TPB, HDB, LPB và CTG là những mã có khối lượng giao dịch giảm hơn 20% trong tuần.

160508609_482065333166470_7436238370276000225_n.png

Thay đổi khối lượng giao dịch so với tuần trước (Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp).

Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có gần 736,4 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 18.892 tỷ đồng, chiếm hơn 82% về khối lượng và gần 79% giá trị.

Gần 162,8 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt hơn 5.081 tỷ đồng. 

Trong đó, ACB sở hữu khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất ngành với gần 100,2 triệu đơn vị, chiếm gần 67% tổng số cổ phiếu này được mua bán trong tuần qua. Khối lượng thỏa thuận đột biến tại ACB chủ yếu đến từ các giao dịch của nhóm quỹ thuộc Dragon Capital.

Theo thông báo mới nhất, Dragon Capital đã thông qua hai quỹ ngoại là First Burns Investments Ltd (FBIL) và Asia Reach Investments Ltd (ARIL) bán ra hơn 100 triệu cổ phiếu ACB. Cụ thể, FBIL bán hơn 49,6 triệu cổ phiếu ACB, còn ARIL bán hơn 50,4 triệu cổ phiếu .

Ở chiều ngược lại, DC Developing Markets Strategies Public Ltd Co (DCDMSPLC) - một quỹ thành viên khác thuộc Dragon Capital đã mua vào 5 triệu cổ phiếu ACB.

Như vậy, Dragon Capital đã bán ròng tổng cộng hơn 95 triệu cp ACB. Các giao dịch đều được thực hiện trong ngày 10/3. 

Ngoài ACB, giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra "sôi động" tại nhiều mã ngân hàng khác như VPB (gần 18,4 triệu cp), STB (gần 15,2 triệu cp), TCB (gần 7,8 triệu cp), SHB (gần 7 triệu cp), MBB (hơn 5,6 triệu cp),...

160293211_1201901070248095_1435215071218996949_n.png

(Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp)

Quốc Thụy

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.