Một cổ phiếu ngân hàng tăng hơn 56% trong tuần qua
BAB tăng hơn 56%
Trong tuần giao dịch 1/3 - 5/3, số cổ phiếu ngân hàng tăng giá chiếm áp đảo với 16/25 mã niêm yết và giao dịch trên UPCoM. Tính chung 5 ngày giao dịch, BAB là mã ngân hàng tăng giá mạnh nhất (+56,3%) với 3 phiên tăng trần liên tiếp, lên 25.000 đồng/cp.
Trước đó, hơn 708 triệu cổ phiếu BAB của Bac A Bank chính thức được giao dịch trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) từ ngày 3/3 với giá tham chiếu 16.000 đồng/cp, biên độ 30%. Ngay trong ngày chào sàn, giá cổ phiếu BAB tăng kịch trần 30%, đạt 20.800 đồng/cp.
Như vậy, thị giá BAB hiện đã vượt 14% so với giá đóng cửa ngày giao dịch cuối cùng trên thị trường UPCoM (21.900 đồng/cp).
Mặc dù tăng giá mạnh trong nhưng thanh khoản của BAB luôn duy trì ở mức rất thấp với chỉ 4.400 cổ phiếu được giao dịch trong 3 ngày đầu lên HNX, tương ứng giá trị 95 triệu đồng.
PGB cũng ghi nhận mức tăng giá mạnh trong tuần qua khi vọt lên mức 15.300 đồng/cp, tương ứng tỷ suất sinh lời 11,7% với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm giá.
Ngoài BAB và PGB, một số mã ngân hàng khác cũng có mức tăng giá trên 5% như VIB (+9,1%), LPB (+7,1%), BVB (+5,7%), MSB (+5,6%).
Ngược lại, có 8 mã ngân hàng giảm giá trong tuần với VBB giảm sâu nhất (-7,4%). Mã đứng giá duy nhất là SGB.
Xu hướng tăng giá của đa số cổ phiếu ngân hàng tương đối đồng điệu với thị trường chung khi các chỉ số chính đều duy trì được sắc xanh.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 0,22 điểm (+0,02%), lên 1.168,69 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 5,9% lên 78.316 tỷ đồng, khối lượng tăng 7,7% lên 3.120 triệu cổ phiếu.
HNX-Index tăng 10,58 điểm (+4,2%), lên 259,8 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 10,2% lên 11.601 tỷ đồng, khối lượng tăng 10,9% đạt 712 triệu cổ phiếu.
Đóng cửa ngày giao dịch 5/3, giá trị vốn hóa của 25 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM dừng ở xấp xỉ 1,383 triệu tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ so với mức chốt tuần trước, tương ứng tăng 0,43%.
Trong đó, Vietcombank tiếp tục sở hữu vốn hóa lớn nhất ngành, gấp hơn 2,1 lần BIDV và 2,5 lần VietinBank. Ngược lại, VietBank, PG Bank và Viet Capital Bank là ba ngân hàng vốn hóa thấp nhất, lần lượt ở mức 5.238 tỷ đồng, 4.590 tỷ đồng và 4.122 tỷ đồng.
SHB tiếp tục dẫn đầu thanh khoản
Tuần qua có tổng cộng hơn 851 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 21.500 tỷ đồng; tăng 1,9% về khối lượng và xấp xỉ giá trị so với tuần trước.
Trong tuần, SHB tiếp tục sở hữu thanh khoản cao nhất ngành với khối lượng đạt gần 138 triệu đơn vị. Trước đó, có tổng cộng hơn 1,123 tỷ cổ phiếu SHB được trao tay trong hai tháng đầu năm với giá trị giao dịch đạt 19.060 tỷ đồng.
STB và MBB cũng duy trì thanh khoản ở mức cao, lần lượt ở mức 124,2 triệu và 100,8 triệu đơn vị.
LPB, TCB, CTG, ACB, TPB và VPB lần lượt đứng kế sau với khối lượng giao dịch dao động từ 31,1 đến 87,3 triệu đơn vị.
Về giá trị, TCB vẫn duy trì vị trí đứng đầu toàn ngành với hơn 2.912 tỷ đồng. Ngoài TCB, 3 mã ngân hàng khác cũng sở hữu thanh khoản trên 2.000 tỷ đồng gồm MBB (2.800 tỷ đồng), STB (2.345 tỷ đồng), SHB (2.231 tỷ đồng).
Tuần qua chứng kiến sự gia tăng thanh khoản của 15/25 mã ngân hàng. Trong đó, khối lượng giao dịch của TPB đạt gần 37,3 triệu cp, gấp hơn 3,1 lần tuần trước.
Bên cạnh TPB thì ABB, BVB, KLB là những cổ phiếu có thanh khoản tăng trên 100% trong tuần.
Mặt khác, cũng có tới 10 mã ngân hàng sụt giảm khối lượng giao dịch. Trong đó, thanh khoản ACB, BAB, NVB, EIB, VIB và VPB giảm hơn 20%.
Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có hơn 767,5 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 19.400 tỷ đồng, chiếm hơn 90% về khối lượng và giá trị.
Gần 83,5 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt hơn 2.092 tỷ đồng.
Trong đó, SHB sở hữu khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất ngành với hơn 23 triệu đơn vị, chiếm gần 17% tổng số cổ phiếu ngân hàng này được mua bán trong tuần qua.
Ngoài SHB, giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra "sôi động" tại nhiều mã ngân hàng khác như TCB (gần 15,7 triệu cp), PGB (gần 13,3 triệu cp), OCB (gần 12,3 triệu cp), MBB (hơn 6 triệu cp),...