|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Động lực tăng trưởng ngành phân bón đến từ xuất khẩu

04:00 | 23/05/2022
Chia sẻ
Giới phân tích dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp của ngành phân bón trong các quý tiếp theo có thể giảm sau khi đạt đỉnh trong quý 1, dù vậy, doanh nghiệp phân bón vẫn có nhiều triển vọng kết quả tích cực.

Dây chuyền sản xuất phân bón của Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN).

Tận dụng cơ hội đến từ việc giá phân bón “neo” tại mức cao và nhu cầu trong nước rơi vào giai đoạn thấp điểm, các đơn vị sản xuất phân bón đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu, từ đó đạt được mức lợi nhuận cao kỷ lục.

Giới phân tích dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp của ngành phân bón trong các quý tiếp theo có thể giảm sau khi đạt đỉnh trong quý 1/2022. Dù vậy, doanh nghiệp phân bón vẫn có nhiều triển vọng đạt kết quả tích cực trong thời gian tới, nhờ tăng trưởng xuất khẩu.

Lợi nhuận đạt đỉnh

Theo ước tính của Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), doanh thu của ngành phân bón trong quý 1/2022 đạt 30.925 tỷ đồng, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 6.811 tỷ đồng, gấp 7,9 lần năm trước.

Dẫn đầu mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý 1/2022 vẫn là “cặp đôi vàng” Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (PVFCCo-mã chứng khoán: DPM) và Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã chứng khoán: DCM).

Trước diễn biến thuận lợi của giá bán và sản lượng kinh doanh mặt hàng phân bón, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí có lãi sau thuế 2.126 tỷ đồng, tăng gấp 12 lần cùng kỳ năm ngoái, vượt 125% kế hoạch cả năm. Đây cũng là số lãi theo quý cao nhất lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Công ty cho biết doanh thu và lợi nhuận trong ba tháng đầu năm tăng mạnh là nhờ diễn biến tích cực của giá bán và sản lượng kinh doanh mặt hàng phân bón.

Năm 2022, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí đặt kế hoạch doanh thu đạt 11.059 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 945 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và 158% so với thực hiện trong năm 2021.

Như vậy, chỉ sau quý 1, doanh nghiệp thực hiện gần 53% mục tiêu doanh thu và vượt 125% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau cũng được hưởng lợi lớn từ tình trạng khan hiếm nguồn cung dẫn đến giá phân bón trong quý 1/2022 tiếp tục tăng cao.

Cụ thể doanh thu thuần đạt 4.074 tỷ đồng cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái; trong đó, riêng doanh thu bán ure là 3.769 tỷ đồng, chiếm 88% trong cơ cấu tổng doanh thu, mức tăng trưởng cao của mặt hàng này chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu với 2.195 tỷ đồng, cao gấp 5,5 lần quý 1/2021.

Đối với ngành phân bón, trong quý 1/2022, tổng sản lượng tiêu thụ không đổi so với cùng kỳ năm trước trong khi sản lượng xuất khẩu đạt 510.000 tấn, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước và tăng 31% so với quý 4/2021.

Sản phẩm phân bón của Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN).

Mức xuất khẩu quý 1/2022 tương đương 44% và 40% sản lượng xuất khẩu trong 2020 và năm 2021. KIS cho rằng, dù tỷ suất lợi nhuận gộp đạt đỉnh trong quý 1/2022 nhưng sẽ khó duy trì trong các quý tiếp theo.

Tỷ suất lợi nhuận gộp ước tính đạt 31,7% trong quý 1/2022. Cũng trong quý 1, giá bán ure trên thị trường giảm nhẹ 2% so với quý trước đó, nhưng tăng tới 99% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá gas đầu vào đều tăng 20% so với quý 4/2021 và cùng kỳ năm trước.

Giá gas đầu vào tại tháng Tư tăng đến 9% trong khi giá bán ure chững lại so với tháng Ba. Nếu giá phân bón có xu hướng giảm trong những tháng tiếp theo, cùng với tốc độ tăng phi mã của giá nhiên liệu do căng thẳng chính trị toàn cầu, tỷ suất lợi nhuận gộp của ngành phân bón trong các quý tiếp theo có thể giảm sau khi đạt đỉnh trong quý 1/2022.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại, nhưng ngành phân bón vẫn hứa hẹn đạt được những kết quả tích cực trong quý 2 so với cùng kỳ 2021.

Theo dữ liệu KIS thu thập từ 24 công ty phân bón niêm yết (tỷ lệ doanh thu chiếm khoảng 100% tổng doanh thu ngành), ngành phân bón tiếp tục đạt được kết quả tích cực trong quý 1/2022. Tuy nhiên, dù doanh thu tăng trưởng khá tích cực, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các công ty mẹ đã chậm lại.

Tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu

Tận dụng cơ hội đến từ việc giá phân bón đang “neo” tại mức cao và nhu cầu trong nước đang rơi vào giai đoạn thấp điểm, các đơn vị sản xuất phân bón đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu.

Tính riêng trong tháng 1/2022, sản lượng xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 370.000 tấn, kéo theo tổng sản lượng xuất khẩu trong quý 1/2022 lên đến 510.000 tấn, tương đương 44% và 40% tổng sản lượng xuất khẩu trong 2020 và 2021.

Tuy nhiên, từ quý 2/2022 nước ta bước vào vụ Hè Thu, nhu cầu phân bón nội địa được dự báo tăng cao, do đó các công ty phân bón sẽ khó đẩy mạnh xuất khẩu do phải ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước.

Mặc dù vậy, KIS cho rằng các công ty có thể phục hồi sản lượng xuất khẩu trong giai đoạn từ cuối quý 3 đến đầu quý 4/2022 khi vụ Hè Thu bước vào giai đoạn thu hoạch.

Giá phân bón nội địa vẫn còn đang duy trì tại mức cao. Trung bình, giá bán mỗi kg ure, Kali, DAP, NPK trong tháng 3 lần lượt là 17.500 đồng, 16.500 đồng, 26.000 đồng và 16.000 đồng. Mức giá này lần lượt tăng tới 84%, 90%, 132% và 62% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng Tư, giá bán ure nội địa giữ nguyên so với tháng Ba, trong khi giá bán Kali, DAP và NPK tăng 3%, 4%, 6%.

Để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong phân bón.

Theo đó, phân bón có giá trị tài nguyên và khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Nhóm phân bón khác giữ nguyên mức thuế hiện hành.

Trước đề xuất này, Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, mức thuế 5% có thể không đáng kể đối với các đơn vị xuất khẩu, do các công ty này có thể đạt được một khoản “hậu hĩnh” nhờ đơn giá xuất khẩu ở mức cao so với giá bán trong nước.

Đơn cử trong tháng 1/2022, giá xuất khẩu đạt 808 USD/tấn, trong khi giá bán trong nước chỉ là 717 USD/tấn.

Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ phân bón nội địa tăng trong vụ Hè Thu, diễn ra vào khoảng tháng Tư đến tháng Chín hằng năm có thể bù đắp phần thiếu hụt doanh thu do hạn chế xuất khẩu.

Theo KIS, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (PVFCCo-mã chứng khoán: DPM) và Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau sẽ ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế xuất khẩu trong quý 2/2022.

Nếu không có đóng góp từ doanh thu xuất khẩu, cộng thêm tác động từ biên lợi nhuận gộp thu hẹp, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng có thể giảm dần trong quý 2/2022, dù kết quả vẫn khả quan so với cùng kỳ năm trước.

Vận chuyển phân bón của Công ty phân bón Bình Điền. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN).

Chỉ trong quý 1/2022, tổng sản lượng xuất khẩu của hai công ty đầu ngành Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (PVFCCo-mã chứng khoán: DPM) và Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã chứng khoán: DCM) đạt khoảng 200.000 tấn.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có hơn 800 cơ sở sản xuất phân bón, đại đa số là các cơ sở sản xuất phân bón NPK với tổng công suất thiết kế trên 29 triệu tấn/năm.

Hiện nay, phân NPK vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu, cụ thể năm 2021 xuất khẩu gần 362.000 tấn, nhập khẩu 435.525 tấn. NPK thuộc nhóm hàng 31.05 thuế xuất khẩu hiện đang áp dụng là 0%.

Các nhà sản xuất NPK xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước trong khu vực sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu thuế xuất khẩu tăng lên 5%.

Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta), bổ trợ cho tăng trưởng của ngành phân bón thời gian qua, là áp lực từ nguồn cung phân bón toàn cầu khi Nga-quốc gia xuất khẩu ure và NPK lớn nhất thế giới, đã chính thức ngừng xuất khẩu phân bón.

Trong khi đó, Nga và Ukraine cũng chiếm đến gần 30% tổng sản lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu. Vì thế, nhu cầu sản xuất lương thực là rất cần thiết lúc này, qua đó thúc đẩy nhu cầu phân bón.

Mặt khác, nguồn dự trữ phân bón thế giới đang suy giảm có thể tạo áp lực tăng giá phân bón tiếp tục trong quý 2/2022.

Tại Việt Nam, theo Mordor Intelligence, ngành phân bón trong nước sẽ tăng trưởng 4,9% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2026. Kỳ vọng đến từ dự án mới lẫn nhập khẩu, theo Tổng cục Hải quan, cả nước xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón nhưng nhập khẩu 4,54 triệu tấn.

Nguồn nhập khẩu phân bón của Việt Nam hơn 90% sản lượng đến từ Trung Quốc, Đông Nam Á và Nga.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 4 tháng đầu năm, mặt hàng phân bón các loại tăng 46,9% về lượng, tăng tới 192,6% về giá trị do giá xuất khẩu tăng cao.

Về thị trường trong nước, do ảnh hưởng của xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới nên giá phân bón tháng Tư tăng so với tháng trước. Bên cạnh đó, nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa-chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao, những bất ổn từ xung đột Nga-Ukraine tác động đến ngành phân bón.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với mặt hàng chiến lược này để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và bảo đảm nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.

Thực tế, dù mức tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp phân bón có thể chậm lại sau khi đạt đỉnh trong quý 1, nhưng sẽ vẫn tích cực trong thời gian tới, nhờ động lực lớn từ xuất khẩu và cả nhu cầu trong nước tăng cao.

Trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng trước bối cảnh thị trường chứng khoán giảm sâu trong thời gian gần đây, phần lớn cổ phiếu phân bón cũng có xu hướng giảm.

Theo đó, tính từ chốt phiên giao dịch đầu năm (4/1) tới nay, DCM giảm 12%, BFC giảm hơn 17%, LAS giảm 32,3%, PSW giảm 32,5%, SFG giảm 20,7%... Tuy nhiên, cũng có những mã ngược dòng thị trường để tăng giá như: DPM tăng hơn 9%, NFC tăng 20,3%.

Văn Giáp

Dragon Capital: Thị trường tài chính biến động sau bầu cử tổng thống Mỹ, chứng khoán Việt Nam khó giảm điểm thêm
Dragon Capital nhận định việc ông Donald Trump đắc cử lần thứ hai đã khiến cho thị trường tài chính toàn cầu biến động, giống như lần thứ nhất, thể hiện qua việc DXY tăng lên. Một số thị trường mới nổi gặp áp lực gia tăng khi dòng vốn rút về Mỹ. Điều này diễn ra trên nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.