|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp phân bón NPK khó cạnh tranh nếu thuế xuất khẩu tăng lên 5%

08:10 | 09/05/2022
Chia sẻ
Đại diện FAV cho rằng một số loại phân bón đã dư thừa nguồn cung như NPK cần khuyến khích xuất khẩu, thay vì tăng thuế xuất khẩu từ 0% lên 5% như đề xuất của Bộ Tài chính.

Doanh nghiệp xuất khẩu NPK sẽ chịu thiệt

Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất thống nhất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong phân bón.

Trao đổi với người viết về vấn đề này, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho rằng nguồn cung các loại phân bón chủ lực ở Việt Nam khác nhau.

Các nhà máy trong nước đã sản xuất và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ phân lân, ure, NPK trong khi kali, phân SA phải nhập khẩu hoàn toàn, DAP nhập khẩu 40% trong nguồn cung.

Ông Hà cho rằng phân bón vô cơ gồm nhiều chủng loại, mỗi loại có đặc điểm riêng về nguyên liệu, về thị trường, về cân đối cung cầu.

“Cần đánh giá, có mức thuế xuất khẩu riêng biệt cho từng loại phân bón và chỉ áp dụng thuế xuất khẩu cho những loại nào mà trong nước sản xuất cung chưa đủ cầu.

Một số loại phân bón đã dư thừa nguồn cung trong nước như ure, NPK, cần khuyến khích xuất khẩu để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh”, ông Phùng Hà nói.

Thực tế, NPK thuộc nhóm hàng 31.05 thuế xuất khẩu hiện đang áp dụng là 0%.

Hiện, Công ty Phân bón và Hóa chất Cần Thơ xuất khẩu từ 70.000 đến 80.000 tấn/năm, chiếm tới 80% sản lượng của công ty, Công ty Phân bón Bình Điền sản xuất và tiêu thụ mỗi năm 300.000 – 400.000 tấn/năm, trong đó xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Lào khoảng 100.000 tấn/năm.

Việc áp thuế xuất khẩu 5% đối với phân bón NPK sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này do nguồn cung trong nước đang dư thừa.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hơn 800 cơ sở sản xuất phân bón với tổng công suất thiết kế trên 29 triệu tấn/năm. Trong khi, nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp nước ta khoảng 11 triệu tấn/năm.

Thực tế, năm 2021, sản xuất phân bón trong nước đạt khoảng 7,1 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2020 và mới đạt 25% công suất thiết kế.

Riêng về mặt hàng NPK, khả năng sản xuất phân bón NPK hiện nay mới chỉ đạt khoảng 30% công suất thiết kế. Điều này có nghĩa doanh nghiệp sản xuất chưa phát huy hết tiềm năng hiện có và nếu tăng thuế xuất khẩu sẽ khiến doanh nghiệp sản xuất NPK giảm động lực xuất khẩu.

Ở một khía cạnh khác, khi tăng thuế xuất khẩu sẽ kéo theo giá NPK xuất khẩu tăng thêm 30-60 USD/tấn, điều này làm giảm sức cạnh tranh với phân bón cùng chủng loại từ Trung Quốc, Thái Lan...

Như vậy, trong nhóm sản phẩm phân bón được đề xuất thuế xuất khẩu 5%, NPK sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Còn các mặt hàng ure, lân nung chảy không chịu tác động vì vốn dĩ các loại phân bón này đang chịu thuế xuất khẩu trên do tổng giá trị tài nguyên và chi phí năng lượng lớn hơn 51%.

Bộ Tài chính đề xuất thống nhất thuế xuất khẩu 5% với một số loại phân bón để đảm bảo nguồn cung trong nước. (Ảnh minh họa: Đạm Cà Mau)

Ngoài ra, đại diện FAV kiến nghị Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ điều chỉnh thuế xuất khẩu phân bón linh hoạt và đúng thời điểm.

“Việc áp thuế xuất khẩu 5% chỉ nên áp dụng tạm thời trong những thời điểm nhất định khi nguồn cung thiếu hụt, khi giá thế giới tăng quá cao”, ông Phùng Hà nói.

Vị này lấy dẫn chứng việc Trung Quốc áp thuế xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung trong nước và hạ nhiệt giá mặt hàng này. Cụ thể, năm 2021, nước áp thuế xuất khẩu cho phân bón ure và DAP khoảng 7% vào mùa thấp điểm (1/7 – 31/10/2021) và 110% cho mùa cao điểm.

Sức cạnh tranh của doanh nghiệp yếu, mục tiêu tăng thu ngân sách khó đạt được

Ngoài việc đảm bảo nguồn cung, hạ nhiệt giá phân bón trong nước, Bộ Tài chính cho rằng việc thống nhất thuế xuất khẩu cho một số loại phân bón ở mức 5% sẽ góp phần tăng thu ngân sách.

Tuy nhiên, đại diện FAV lại cho rằng mục tiêu này khó đạt được bởi thuế xuất khẩu với ure vẫn giữ nguyên ở mức 5%, còn nguồn thu từ thuế xuất khẩu đối với phân bón NPK có thể giảm vì lượng xuất khẩu có thể giảm khi sức cạnh tranh yếu đi.

Thực tế, xuất khẩu phân bón quý I và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành đều khả quan. Tuy nhiên, nếu phương án tăng thuế xuất khẩu được thông qua, doanh thu và lợi nhuận của một số doanh nghiệp phân bón NPK có thể bị ảnh hưởng.

Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I, xuất khẩu phân bón tăng kỷ lục với 474 nghìn tấn, giá trị thu về 307 triệu USD, tăng mạnh 42% về lượng và tăng gấp 3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, kết quả xuất khẩu quý I đã bằng hơn một nửa so với giá trị xuất khẩu 559 triệu USD của cả năm 2021.

Giá phân bón xuất khẩu tăng gấp 2 lần so cùng kỳ, lên mức trung bình 647 USD/tấn đã giúp nhiều doanh nghiệp đạt được kết quả kinh doanh và lợi nhuận ấn tượng, điển hình như CTCP Phân bón Bình Điền và Đạm Cà Mau...

Cụ thể, theo BCTC quý I của CTCP Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) doanh thu thuần bán hàng đạt 2.594 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 86 tỷ đồng, tương ứng tăng 47% và tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2022, doanh nghiệp này đặt mục tiêu sản lượng sản xuất, sản lượng tiêu thụ đạt gần 603 nghìn tấn, mở rộng thị trường tiêu thụ ở kênh trong nước và xuất khẩu.

Tương tự, một ông lớn khác trong ngành phân bón là CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, Mã: DCM) cũng đạt doanh thu thuần 4.074 tỷ đồng trong quý I, cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế của đạm Cà Mau ước đạt 1.515 tỷ đồng, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021 và là mức lãi cao kỷ lục theo quý của doanh nghiệp này.

Năm 2022, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu đạt gần 9.060 tỷ đồng doanh thu và hơn 513 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong đó, doanh nghiệp dự kiến sản xuất 860 nghìn tấn ure quy đổi và 80 nghìn tấn NPK. Sản lượng kinh doanh ure quy đổi dự kiến đạt 770 nghìn tấn, phân bón gốc ure 80 nghìn tấn và NPK 80 nghìn tấn.

Phạm Mơ