Đồng euro trượt dốc, xuất khẩu sang châu Âu gặp bất lợi
Doanh nghiệp xuất khẩu lo mất giá, nhập khẩu khó hưởng lợi
Tỷ giá giữa euro và USD thời gian qua giảm sâu và lần đầu tiên sau 20 năm, giá euro đang ngang bằng với USD. Thậm chí, vào thời điểm 15h ngày 13/7 theo giờ Paris, đồng euro đã có lúc xuống thấp hơn đồng USD, với tỷ giá quy đổi khi đó là 1 euro chỉ đổi được 0,998 USD.
Sự kiện này gây nên không ít lo lắng đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu ở thị trường tính bằng đồng tiền này.
Chia sẻ với người viết, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết đồng euro mất giá trị sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu bởi cùng một lượng euro thu về số tiền quy đổi ra nội tệ ít hơn so với trước đây và khi thu mua, sản xuất hàng hóa trong nước để xuất khẩu lại mua bằng VND tức là đang ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.
Theo báo cáo thường niên của doanh nghiệp, EU đang chiếm khoảng 10% trong tổng doanh thu xuất khẩu và là thị trường quan trọng thứ 4 của công ty.
Còn tại thị trường chung, theo số liệu thống kê, trong nửa đầu năm nay, Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang EU với giá trị ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Khối nước này hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, xếp thứ ba trong 5 khu vực xuất khẩu của Việt Nam với tỷ trọng chiếm khoảng 10,6% trong 5 tháng đầu năm 2022.
Như vậy, trong bối cảnh chi phí đầu vào như xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào, giá nhân công… đều tăng khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị "ăn mòn" thì nay thêm giá euro lao dốc sẽ càng khiến phần lãi thu về càng giảm sút.
Không những vậy, khi các lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp mất giá, khả năng sẽ kéo theo giá trị xuất khẩu chung của các ngành hàng tại thị trường EU bị giảm theo. Đây sẽ là tác động rõ nét với các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và các ngành hàng nói chung khi đồng tiền chung châu Âu bất ngờ giảm kỷ lục trong những ngày qua.
Ở góc độ chuyên gia, trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính (Hà Nội), nhận định, khi đồng euro giảm xuống, các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu sẽ gặp bất lợi nhiều hơn thuận lợi.
“Khi đồng euro có giá thì chúng ta bán một sản phẩm được 5 euro, tương đương với hơn 6 USD. Nhưng khi euro mất giá, sản phẩm bán được 5 euro thì chỉ tương đương 5 USD. Như vậy, sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu bị mất giá so với giá trị thực. Đi kèm đó là khả năng mua hàng quốc tế sẽ bị yếu đi, ảnh hưởng đến đầu vào của doanh nghiệp”, ông Thịnh dẫn giải.
Không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu, với các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu từ EU vốn được đánh giá là có lợi vì nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này chi phí rẻ hơn sẽ tận dụng cơ hội tăng nhập khẩu để tiết kiệm chi phí cho công ty thì thực tế không hẳn vậy.
Ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Lâm Việt, cho rằng trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp không có kế hoạch sẽ tranh thủ mua vào dự trữ.
"Tình hình căng thẳng của Nga - Ukraine, tác động hậu COVID-19, cùng với việc chuỗi cung ứng bị đứt gãy, việc dự trữ nguyên liệu sẽ đồng nghĩa với việc đối diện rủi ro bởi dòng tiền không kịp xoay vòng khi đơn hàng không xuất được hoặc tỷ giá quay đầu tăng, công ty có thể sẽ rơi vào tình trạng phá sản bất cứ lúc nào", ông Liêm cho hay.
Lý giải điều này, theo đại diện công ty Lâm Việt, hiện nay châu Âu như "một chảo lửa" với sự khủng hoảng hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm...nên việc xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường này rất khó khăn, tiêu thụ giảm mạnh, đơn hàng sụt giảm theo. Do đó, dù có lợi ở chiều nhập khẩu nguyên liệu giá rẻ nhưng việc đồng euro mất giá cũng không có ý nghĩa lớn với các doanh nghiệp.
Lo ngại hàng hóa khó cạnh tranh tại thị trường quan trọng châu Âu
Không chỉ lo ngại việc lợi nhuận bị sụt giảm, nếu đồng euro tiếp tục suy giảm, kèm theo các chi phí sản xuất đều tăng, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ đứng trước áp lực tăng giá sản phẩm khiến việc cạnh tranh với các quốc gia khác ở thị trường trọng điểm EU càng thêm khó khăn.
Hiện nay do thiếu nhân công, đa số doanh nghiệp phải tăng lương để tuyển dụng, chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng cao, tình trạng khan hiếm hàng do Trung Quốc thực hiện chính sách "zero COVID," chi phí logistics tăng...đang đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên.
Do đó, giá sản phẩm Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu ở nhiều ngành hàng có thể trở nên cao hơn. Doanh nghiệp sẽ lâm vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" nếu không tăng giá bán hoặc không thỏa thuận được giá tăng sẽ đồng nghĩa với việc thua lỗ. Còn nếu tăng giá, lượng tiêu thụ của nhiều mặt hàng có thể sẽ giảm đi.
"Về lâu dài, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hoá nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Sức mua yếu làm người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các thị trường, trong đó, có Việt Nam", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ với TTVXN.
Đây cũng nỗi trăn trở của một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi cho biết áp lực lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng tại các nước chỉ tập trung vào những mặt hàng thiết yếu nên việc tiêu thụ các sản phẩm khác trở nên khó khăn hơn.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết doanh nghiệp đã sụt giảm gần 20% đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu trong mấy tháng nay. Điều này cho thấy cầu của thị trường yếu đi, sức mua của người tiêu dùng giảm và doanh nghiệp vốn đang trong giai đoạn phục hồi lại tiếp tục rơi vào thế khó.
Mặc khác, với các doanh nghiệp dùng USD làm đồng tiền thanh toán quốc tế khi ký kết hợp đồng mua bán dù vẫn khá lạc quan trước sự biến động giảm sâu kỷ lục của đồng euro nhưng có ý kiến cho rằng, các đơn vị này cần phải chú ý và bám sát nhu cầu đơn hàng của đối tác.
Bởi đối với các nhà nhập khẩu châu Âu, việc đồng euro mất giá, xuống ngang bằng với USD khiến khách hàng phải chi nhiều tiền hơn, từ đó có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đặt hàng với các nhà xuất khẩu.
Theo báo cáo từ Bộ phận nghiên cứu Ngân hàng MSB, Bộ Công Thương, hiện chỉ có khoảng 15 - 20% doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam ký hợp đồng thanh toán bằng euro, còn lại chủ yếu bằng USD nên thiệt hại được giảm thiểu đáng kể.
"Khách hàng phải bán euro để mua vào USD khi thanh toán, tức là người mua phải bỏ thêm tiền để mua hàng với số lượng như ban đầu nên với tình hình căng thẳng Nga- Ukraine đang leo thang và kéo dài cùng với nguy cơ châu Âu suy thoái vào cuối năm, khả năng sẽ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, trong đó có Việt Nam", ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE chia sẻ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/