|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dòng chảy thương mại, con người và hàng hóa trong khối ASEAN bị siết chặt vì đại dịch COVID-19

15:28 | 28/03/2020
Chia sẻ
Các qui định xuất nhập cảnh nghiêm ngặt nhằm khống chế đại dịch COVID-19 đang hạn chế lợi thế hội nhập kinh tế của Đông Nam Á, khiến nỗ lực thúc đẩy thương mại và đầu tư xuyên biên giới 4 năm qua của khu vực gặp áp lực lớn.

Theo cập nhật mới nhất của Bộ Y tế Việt Nam tính đến sáng ngày 28/3 (giờ Việt Nam), 10 quốc gia ASEAN ghi nhận tổng cộng 6.165 ca nhiễm.

Con số nêu trên chỉ chiếm 1% trong tổng số ca nhiễm trên toàn cầu, tuy nhiên kể từ giữa tháng 3, chính phủ các nước trong khu vực Đông Nam Á đã ban hành nhiều biện pháp nghiêm ngặt, bao gồm lệnh phong tỏa qui mô lớn, do lo ngại làn sóng lây nhiễm mới từ châu Âu và Mỹ đổ bộ.

Hoạt động du lịch đình trệ, nhiều thành phố nhộn nhịp bỗng vắng lặng

Malaysia, Philippines và Việt Nam đã chính thức tạm dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài; Singapore cấm tất cả du khách lưu trú ngắn hạn hoặc quá cảnh tại nước này; và Thái Lan yêu cầu toàn bộ du khách phải cung cấp xác nhận y tế tho thấy họ âm tính với COVID-19.

Không chỉ đối mặt với vấn đề nhu cầu hàng hóa suy yếu kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại khu vực Đông Nam Á, bất kể hoạt động trong ngành du lịch hay chế tạo, đều phải chịu ảnh hưởng theo.

Vào hôm 24/3, Nikkei Asian Review đưa tin có rất ít người xuất hiện tại Công viên Merlion nổi tiếng của Singapore, vốn thường thu hút rất đông khách du lịch. Singapore chào đón trung bình 50.000 du khách/ngày vào năm ngoái. Tuy nhiên, từ tối muộn hôm 23/3, du khách nước ngoài đều bị cấm nhập cảnh Singapore.

Khi biện pháp quyết liệt như vậy được đưa ra, Singapore Airlines đã cắt giảm 96% công suất bay cho đến cuối tháng 4, khiến 138 trong tổng số 147 tàu bay phải "đắp chiếu".

Trong khi đó, Jetstar Asia - một hãng hàng không giá rẻ của Singapore, đã đình chỉ toàn bộ chuyến bay từ ngày 23/3 cho đến ngày 15/4.

Nikkei: Dòng chảy thương mại, con người và hàng hóa trong khối ASEAN bị siết chặt vì đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên kiểm tra thân nhiệt một hành khách tại sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở thủ đô Jakarta, Indonesia. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Toàn bộ 4 hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airways đều đã tạm ngừng các chuyến bay quốc tế đến cuối tháng 4.

Nikkei dẫn tính toán ban đầu của hàng không Việt Nam cho biết doanh thu của 4 hãng trên có thể sụt giảm 30.000 tỉ đồng (tương đương 1,27 tỉ USD) trong năm 2020 do đại dịch COVID-19.

Ở diễn biến khác, quyết định đóng cửa 26 nhóm ngành của chính quyền thành phố Bangkok như trung tâm thương mại và nhà hàng ăn uống từ ngày 22/3 đã lấy đi sức sống của thủ đô Thái Lan.

Theo Nikkei, khoảng 80.000 người đã tập trung về bến xe Mo Chit ở phía bắc Bangkok hôm 22/3, tìm cách tháo chạy khỏi thủ đô về quê nhà hoặc thậm chí là các nước lân cận. Ngược lại, đường phố Bangkok vào cuối tuần lại khá vắng vẻ. Thành phố nổi tiếng vì kẹt xe nay lại thông thoáng.

Các ngành nghề kinh doanh tại Thái Lan đã bày tỏ thái độ sẵn sàng hợp tác trước lệnh phong tỏa đất nước.

"Các hãng khai thác trong ngành du lịch sẵn sàng và nghiêm túc thực hiện chính sách của chính phủ cũng như lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch COVID-19", Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT) tuyên bố. "Nếu chính sách của chính phủ có thể giúp đất nước và bảo vệ ngành du lịch, chúng tôi sẵn sàng hi sinh".

Hội đồng này ước tính ngành du lịch Thái Lan sẽ thiệt hại 1.000 tỉ baht (tương đương 44 tỉ USD) nếu đại dịch kéo dài.

"Xét trong một bức tranh lớn, dịch bệnh sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp, đặc biệt là khi có ít nhất 650 tỉ baht nợ phát sinh cho ngành du lịch tại các ngân hàng thương mại", TCT lí giải. "Nợ xấu sẽ tăng theo cấp số nhân nếu chính phủ không khởi xướng bất kì biện pháp khẩn cấp nào".

Các nước ASEAN đã đón 135 triệu lượt khách du lịch trong năm 2018, trong đó khoảng 50 triệu đến từ 10 quốc gia thành viên.

Nikkei: Dòng chảy thương mại, con người và hàng hóa trong khối ASEAN bị siết chặt vì đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Công viên Merlion "vắng như chùa bà đanh". (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Dòng chảy hàng hóa và lao động

Qui định xuất nhập cảnh khắt khe không chỉ làm giảm hàng triệu lượt khách du lịch đến khu vực mà còn gây ảnh hưởng đến các vấn đề quan trọng hơn: dòng chảy hàng hóa và người lao động.

Campuchia phụ thuộc vào nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã đóng cửa biên giới với Campuchia từ ngày 15/3, trong khi Campuchia sau đó tuyên bố sẽ tạm dừng toàn bộ hoạt động đi lại, bao gồm các chuyến bay, giữa hai nước. Do đó, giá sản xuất tại Campuchia có thể tăng, theo một hãng logistics địa phương.

"Kiểm soát xuyên biên giới có thể ảnh hưởng xấu đến an ninh lương thực, thu nhập và việc làm", ông Cassey Lee - thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), cho hay.

Ông Lee nhận định "tham vấn song phương là rất quan trọng trong giai đoạn này" nhằm giảm thiểu tác động của các lệnh hạn chế nhập cảnh.

Đồng thời, ông nói thêm rằng sự phối hợp nhịp nhàng và thảo luận chung với sự tham gia của các bộ liên quan như thương mại, nông nghiệp, lao động và nhập cư là cần thiết để đảm bảo dòng chảy hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.

Kiểm soát biên giới cũng ảnh hưởng đáng kể đến các công ty nước ngoài có chuỗi cung ứng trong khu vực. Các doanh nghiệp này tận dụng chi phí lao động tương đối thấp và các hiệp định thương mại tự do bên trong ASEAN để phục vụ hoạt động kinh doanh.

Nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới Samsung Electronics đã không thể cử hơn 700 kĩ sư đến dây chuyền sản xuất tấm màn hình OLED ở Việt Nam do các lệnh hạn chế nhập cảnh đối với công dân Hàn Quốc.

Vào ngày 13/3, Việt Nam chỉ cho phép khoảng 200 kĩ sư Samsung nhập cảnh theo diện đặc cách, tuy nhiên hoạt động hàng không giữa Việt Nam và Hàn Quốc hiện vẫn đang bị đóng băng.

Ngành chế tạo của ASEAN đã có dấu hiệu suy yếu. Theo chỉ số PMI tháng 2 do IHS Markit tổng hợp, lần đầu tiên kể từ cuối năm 2015 hoạt động chế tạo của Việt Nam đi xuống so với tháng trước. Chỉ số PMI của Singapore, Thái Lan, Malaysia và Myanmar cũng thu hẹp.

Chính phủ các nước trong khu vực đã triển khai các gói kích thích tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi ngân hàng trung ương gấp rút nới lỏng chính sách để củng cố nền kinh tế. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia có thể tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí tăng trưởng âm trong năm 2020.

Vào ngày 10/3, các bộ trưởng kinh tế ASEAN đã nhận thấy những bất lợi của đại dịch đối với lĩnh vực du lịch, chế tạo, bán lẻ và tài chính. Họ nhất trí rằng các lệnh hạn chế di chuyển "nên được cân nhắc dựa trên sức khỏe cộng đồng và không nên hạn chế thương mại trong khu vực nếu không cần thiết".

Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của ASEAN trong năm nay, ban đầu dự kiến tổ chức vào tháng 4, đã bị hoãn lại đến cuối tháng 6.

Khả Nhân